Cảnh vật được quan sát trong sự vận động theo thời gian và

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 104 - 107)

Chương 3 ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ TRẦN NHÂN TÔNG

3.3. Hình ảnh

3.3.2.1. Cảnh vật được quan sát trong sự vận động theo thời gian và

dòng cảm xúc

Không chỉ có tâm hồn mẫn cảm trước thiên nhiên, ngoại vật, Trần Nhân Tông còn tài tình hơn khi bắt được nhịp của cảm xúc và đưa vào thơ. Cảnh vật trong thơ ông luôn được quan sát trong sự vận đông biện chứng theo thời

gian và dòng cảm xúc. Do đó, cảnh vật không khô cứng mà ngược lại, tràn đầy

sức sống, gợi lên sự tươi trẻ.

Trong bài Tảo mai II, Trần Nhân Tông miêu tả vẻ đẹp của cây mai trong thời khắc chuyển mùa:

Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn, Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn). Ảnh hoàng thủy diện băng sơ bạn,

Hoa áp chi đầu noãn vị phân.

(Chỉ năm ngày sợ rét lười ra khỏi cửa,

Mà gió xuân đã sớm đến với gốc cây cô đơn. Bóng ngả trên mặt nước, băng giá bắt đầu tan,

Hoa trĩu nặng đầu cành, hơi ấm chưa định rõ.) [7, tr.470-471] Chỉ với bốn câu thơ mở đầu của bài, thi nhân đã khắc họa được cái tinh tế của cảnh trong lúc đang chuyển mình đến với sự sống. Chỉ năm ngày sợ rét không bước chân ra khỏi cửa mà thi nhân đã phải ngỡ ngàng trước cảnh sắc của ngoại vật: mùa xuân đã đến với những gốc cây cô đơn, trơ trụi của mùa đông; ánh nắng xuân đã bắt đầu xuất hiện xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, đem đến sự sống cho vạn vật; những cánh hoa đã bắt đầu nở trên những cành cây trơ trụi. Tất cả chỉ vừa mới bắt đầu, đất trời đang ở thời điểm chuyển giao, cũng không còn là mùa đông nhưng cũng chưa hẳn là mùa xuân, bởi hơi lạnh của mùa đông vẫn còn vương vấn khi ánh nắng xuân đã bắt đầu ló dạng. Trần Nhân Tông thật tinh tế khi cảm nhận được vẻ đẹp của cây mai trong thời điểm chuyển mùa

ấy. Từ cảm xúc ngỡ ngàng, ngây ngất, thi nhân lạc vào giấc mộng cố nhân với một cành mai – “nhất chi mê nhập cố nhân mộng”. Chính cảnh vật được miêu tả theo sự vận động của thời gian, từ đông sang xuân, từ cái chết đến với sự sống, và theo dòng cảm xúc nên thiên nhiên tràn đầy sức sống và tươi trẻ đến vậy.

Cách xây dựng hình ảnh này còn bắt gặp trong bức tranh Phủ Thiên Trường:

Lục ám hồng hi hội tịch liêu,

Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu.

Trai đường giảng hậu tăng quy viện, Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều.

(Màu xanh sẫm, màu đỏ thưa, cảnh thêm vắng vẻ, Mây quang, mưa tạnh, ngấn bùn đất cũng mất sạch. Trên trai đường, giảng kinh xong, các sư về viện, Quán bên sông, mới canh đầu trăng đã lên cầu.)

[7, tr.472-473] Cảnh được miêu tả rất thật, rất chi tiết và đặc biệt là chuyển động như một thước phim. Cảnh sắc bây giờ đã vào hè, những đóa hoa mùa xuân bây giờ đã tàn, sắc hồng đã thưa vắng, nhường chỗ cho những tán lá xanh. Cảnh không còn rộn ràng như tiết trời vào xuân mà trở nên tịch tĩnh, vắng lặng, những cơn mưa mùa hạ đến quét sạch lớp bùn rêu – “thổ hoa tiêu” – trên lối đi vào chùa. Sau khi buổi giảng kinh chiều kết thúc, các hòa thượng lui về tăng viện, đêm đến, ánh trăng thượng huyền nhô lên trên những chiếc cầu đá dẫn vào chùa Phổ Minh. Cảnh đã bắt đầu chuyển về đêm, chính ánh sáng huyền diệu của ánh trăng đã báo hiệu cảnh đêm buông xuống. Cảnh đêm càng làm cho không gian chùa Phổ Minh thêm tĩnh lặng, cảm xúc dâng lên nỗi nhớ về hình bóng vua cha – “Phảng

phất canh trường nhập mộng nghiêu.”

Cũng là phong cảnh chùa Phổ Minh, Trần Nhân Tông có tứ thơ miêu tả cảnh chùa từ hạ sang thu:

Huân tận thiên đầu mãn tọa hương,

Thủy lưu sơ khởi bất đa lương.

Lão dung ảnh lý tăng quan bế

Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.

(Đề Phổ Minh tự thủy tạ) (Xông hết nghìn nén hương, khắp nhà thủy tạ thơm ngào ngạt, Dòng nước mới dâng không lạnh lắm.

Dưới bóng đa già, cổng chùa đóng im ỉm,

Một tiếng ve đầu cất lên, tứ thu man mác.) [7, tr.466]

Bài thơ mở ra một không khí trang nghiêm. Cả không gian thủy tạ tràn ngập trong hương trầm thơm ngát. Dưới sàn thủy tạ, dòng nước mới khơi tỏa làn hơi nhẹ vào đầu thu nên chưa lạnh lắm. Cảnh chùa tĩnh vắng, không một bóng người. Giữa không gian thanh tĩnh ấy, một tiếng ve cuối hạ cất lên rồi chìm vào yên lặng, để lại cái im ắng của khuôn viên chùa Phổ Minh lúc thu sang, êm đềm và lặng lẽ. Bài thơ có sự hòa hợp giữa vẻ đẹp của một bức tranh thủy mạc và vẻ đẹp của văn hóa tâm linh tạo nên nét riêng đầy ấn tượng. Cảm xúc của nhà thơ dâng lên hình thành nên tứ thơ vừa thiêng liêng, vừa dạt dào xúc cảm.

Bài thơ “Nguyệt” cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho cách xây dựng hình ảnh vận động theo thời gian và dòng cảm xúc:

Bán song đăng ảnh mãn sáng thư, Lộ trích thu đình dạ khí hư.

Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,

Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

(Bóng đèn soi nửa cửa sổ, sách đầy giường, Móc rơi trên sân thu, hơi đêm thoáng mát.

Tỉnh giấc không biết tiếng chày nện vải ở nơi nào, Trên chùm hoa quế trăng vừa mọc.) [7, tr.465]

Bài thơ mở đầu với cảnh đêm xuất hiện bằng hình ảnh hiu hắt của ngọn đèn soi nửa khung cửa sổ. Ánh sáng thế tục này lùi dần nhường chỗ cho ánh sáng lung linh, huyền diệu của ánh trăng giữa đêm. Thi nhân đọc sách bên ánh đèn rồi ngủ quên trên chiếc giường chứa đầy sách. Chợt thức giấc giữa đêm, không còn nghe thấy tiếng chày đập vải, nhưng lại nhìn thấy ánh sáng huyền diệu của vầng trăng đêm thu. Ánh trăng xuất hiện khi ánh đèn vẫn còn đó nhưng trong đôi mắt và tâm hồn của thi nhân giờ chỉ còn nhìn thấy ánh sáng của vầng trăng. Cảnh đã chuyển từ không gian thực sang không gian huyền ảo, không gian của tâm linh. Tâm hồn thi nhân đã đạt đến độ tĩnh lặng tuyệt đối, đó là giây phút đạt ngộ.

Thủ pháp nghệ thuật này chúng ta còn bắt gặp rất nhiều trong các bài thơ tả thiên nhiên của Trần Nhân Tông. Đó là cảnh sớm xuân vừa thức giấc, tâm hồn bình lặng, nhưng khi vừa mở cánh cửa sổ thì nhận ra vạn vật xung quanh đã thay đổi, sắc xuân tràn ngập khắp không gian; đó là bức tranh chiều thu ở Châu Lạng, ở Vũ Lâm; đó là cảnh xuân tàn trong Sơn phòng mạn hứng II,…

Mỗi nhà thơ có cách miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên riêng nhưng việc tả thiên nhiên theo dòng chuyển động của thời gian và dòng cảm xúc đạt đến độ tinh tế như Trần Nhân Tông không phải ai cũng làm được. Chính thủ pháp nghệ thuật này đã làm cho thiên nhiên trong thơ ông trở nên sinh động và có sức rung cảm sâu sắc. Và có lẽ, đây là một trong những yếu tố thể hiện rõ tâm hồn tinh tế và mẫn cảm của Trần Nhân Tông trước thiên nhiên vạn vật.

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 104 - 107)