Nhóm địa danh có nghĩa

Một phần của tài liệu địa danh huyện định hoá tỉnh thái nguyên.pdf (Trang 72 - 82)

1 ĐHTN Sơn danh

2.2.3.2.Nhóm địa danh có nghĩa

Nhóm địa danh theo tiêu chí có nghĩa gồm 3 nhóm địa danh: địa danh mô tả, địa danh đăng kí, địa danh ước vọng. Số lượng địa danh có nghĩa trên

địa bàn huyện Định Hoá là 1478 địa danh chiếm 98.14 %. Số lượng cao gần như tuyệt đối của loại địa danh có nghĩa là những hoá thạch quý giá để ta mở ra lịch sử, văn hoá, con người của vùng đất này

a. Nhóm địa danh mô tả

Địa danh mô tả phản ánh những đặc điểm của bản thân đối tượng địa lí về tính chất, màu sắc, cấu trúc… Loại địa danh này trên địa bàn huyện Định Hoá có 286 địa danh chiếm 18.99 %. Số lượng địa danh được định danh dựa vào những đặc điểm của chính bản thân đối tượng tuân theo quy luật chung về lựa chọn đặc trưng trong định danh “Những đặc trưng chung thường được các dân tộc lựa chọn để định danh sự vật, dù đó là loại sự vật nào, là hình thức/ hình dạng, kích cỡ màu sắc, đặc điểm cấu tạo, vai trò/ chức năng” [29, tr. 284]. Nhóm địa danh này được phân chia thành các tiểu nhóm phản ánh ý nghĩa như sau:

* Tiểu nhóm phản ánh địa hình kiến tạo của đối tượng gồm 29 địa danh tập trung ở loại hình ĐHTN và ĐVDC. Những địa danh này phần lớn là có nguồn gốic Tày Nùng. Khi lựa chọn nơi cư trú người Tày Nùng rất quan tâm đến địa hình kiến tạo vì vậy tên các bản thường phản ánh đặc điểm này. VD: bản Pán là bản nằm trên địa hình núi cao, bản Nham là bản nằm trên khu đất bằng mà cao, bản Là là bản nằm trên khu đất dễ bị sụt lún. Ngoài ra khi canh tác trên những đám ruộng “nà” người dân cũng rất quan tâm đến địa hình kiến tạo để có chế độ canh tác phù hợp. Họ đặt cho những “nà” này các cái tên như Nà Thoi là ruộng thoai thoải bên sườn đồi, Nà Dài là ruộng đất cát ven suối hay bị ngập nước, Nà Cạn là ruộng khô nứt nẻ.

* Tiểu nhóm phản ánh chất liệu kiến tạo xây dựng nên đối tượng có 12 địa danh. VD: đập Phai Đá phản ánh chất liệu để xây dựng các phai tức đập ngăn nước của người dân địa phương xưa kia chủ yếu bằng đá. Dù ngày nay đập Phai Đá đã được xây dựng bằng bê tông cốt thép nhưng địa danh này vẫn còn được lưu giữ. Cầu Sắt là cây cầu nổi tiếng ở thị trấn Chợ Chu. Cây

cầu này được thực dân Pháp xây dựng hoàn toàn bằng sắt và ngày nay vẫn còn tồn tại.

Những địa danh phản ánh kiến tạo của các đối tượng ĐHTN như hồ Cát Vàng, núi Đá Vôi, núi Nản phần nào cho ta thấy được địa hình kiến tạo của vùng Định Hoá với những dãy núi đá vôi chạy theo hình cánh cung bao lấy thị trấn Chợ Chu.

* Tiểu nhóm phản ánh hình dáng, cấu trúc được phân bố ở ĐHTN và CTNT. Trong tiểu nhóm này những địa danh có nguồn gốc thuần Việt thường phản ánh hình dáng chung của đối tượng theo các tiêu chí về độ cao, độ dài, độ cong, theo các góc độ hình học VD: đồi Tròn, đồi Dài

Địa danh có nguồn gốc Tày Nùng phản ánh hình dáng, cấu trúc rất phong phú. Đó có thể là sự phản ánh hình dáng cấu trúc theo tiêu chí chung như: Nà Dáo (ruộng dài), Nà Vuông (ruộng Vuông). Điểm đặc biệt là cách định danh nhờ sự liên tưởng về hình dáng giữa một đối tượng địa lí với một sự vật, hiện tượng. Cách định danh này ta có thể bắt gặp ở nhiều địa phương như quận Ba Đình Hà Nội, địa danh hành chính Bắc Kạn, địa danh Quảng Trị, tuy nhiên ở Định Hoá những địa danh này chiếm số lượng rất lớn và những sự vật hiện tượng được liên tưởng cũng vô cùng phong phú.

Địa danh có thể được liên tưởng đến một bộ phận trên cơ thể người VD: ruộng Nà Kẻng (ruộng có hình ống chân), ruộng Nà Vai (ruộng có hình vai), rừng Khau Cuống (rừng có hình như kheo chân). Địa danh có thể được liên tưởng đến một dụng cụ trong sản xuất nông nghiệp VD: ao Thâm Chộc (ao có hình như cái cối giã gạo), ruộng Nà Bán (ruộng có hình như cái nong), ruộng Nà Choóng (ruộng có hình như cái bồ đựng thóc). Địa danh có thể được liên tưởng đến một con vật hay bộ phận của con vật VD: khe Gọ Mọ (khe có hình như Cổ Bò), khe Khuổi Mốc (khe ngoằn ngèo như bộ lòng), hồ Tham Kha (hồ như bàn chân gà có ba kẽ ngách). Những địa danh này phần lớn có nguồn gốc rất cổ VD địa danh Khau Chạng được người dân địa phương

kể lại nguồn gốc, lí do đặt tên: họ vốn là nhhững người dân gốc Quảng Đông Trung Quốc do nghèo đói chạy sang đây. Khi mới đến vùng đất này thấy có dải đất màu mỡ nằm ven suối họ đã dừng lại. Cạnh dải đất này là khu đồi rậm rạp có hình như con voi đang nằm phủ phục họ đã chọn dựng nhà trên khu đồi đó và gọi nó là Khau Chạng (đồi voi), cánh đồng họ khai phá cũng được đặt theo gọi là Tồng Chạng (đồng voi). Dần dần họ hình thành bản gọi là bản Khau Chạng. Điều nay phản ánh mối liên hệ mật thiết giữ tên rừng - bản - đồng và phản ánh tư duy vừa cụ thể vừa hình tượng của người dân địa phương.

Với 130 địa danh chiếm 8.63% tiểu nhóm địa danh chỉ hình dáng cấu trúc đã tạo nên những đặc trưng riêng cho địa danh huyện Định Hoá.

* Tiểu nhóm chỉ màu sắc có 12 địa danh phân bố chủ yếu ở ĐHTN và có nguồn gốc thuần Việt VD: dốc Đỏ, khe Xanh, suối Trong Đục. Trong nhóm từ chỉ màu sắc có địa danh Chợ Chu. Chợ Chu vốn có tên là chợ Khang Hạ (Đại Nam nhất thống chí) và được dân gian gọi là chợ Chu. Từ “Chu” trong từ điển Tiếng Việt được định nghĩa có một nghĩa chỉ màu sắc đó là đỏ màu son. Theo những người dân sống ở phố Chợ Chu khu chợ này được hình thành khi những người Hoa Kiều sang đây buôn bán. Họ đã xây dựng được khu chợ với hai dãy nhà lợp ngói đỏ. Do đó, dân gian quen gọi đây là Chợ Chu. Cái tên dân gian này lại được sử dụng phổ biến và tồn tại lâu dài hơn là cái tên Hán trang trọng chợ Khang Hạ. Chợ Chu nằm bên bờ sông soi bóng mái ngói đỏ xuống dòng nước trong xanh và con sông này cũng được gọi theo tên chợ là sông Chợ Chu.

* Tiểu nhóm chỉ kích thước có 38 địa danh có nguồn gốc chủ yếu là tiếng Tày Nùng và phân bố ở ĐHTN VD: Nà Luông (ruộng lớn), Na Tểu (ruộng ngắn). Bên cạnh đó còn có những địa danh có kích thước bằng số đo chính xác VD: dốc Bảy Trăm, bãi Ba Mẫu.

* Tiểu nhóm chỉ tính chất có 57 địa danh phân bố chủ yếu ở địa danh ĐVDC. Trong đó xuất hiện khá lớn những địa danh có yếu tố mới như làng

Mới, bản Mới đó là kết quả của chương trình di dân từ vùng xuôi lên trong nững năm 60. Địa danh phố Mới được gọi để phân biệt vơí phố Chợ Chu vốn là phố cổ hình thành từ lâu đời.

* Tiểu nhóm chỉ phương thức xây dựng có 8 địa danh tập trung ở các CTXD VD: đập Lải tràn, cầu Treo, cầu Tràn, đập Tràn

* Tiểu nhóm chỉ âm thanh chỉ có 2 địa danh là đập Sồ Sồ gợi tả âm thanh tiếng nước chảy và thác Lầm gợi tả âm thanh tiếng gió thổi

Địa danh Định Hoá được mô tả từ hình dáng đến màu sắc, kích thước, tính chất, âm thanh… trong đó tiểu nhóm địa danh hình dáng là lớn hơn cả với 130 địa danh chiếm 45% số địa danh mô tả.

b. Địa danh đăng kí

Địa danh đăng kí của Định Hoá có 890 địa danh chiếm 59.09% số địa danh trên địa bàn huyện Định Hoá. Đây là nhóm địa danh có số lượng lớn nhất. Giải thích điều này ta có thể xuất phát từ bản chất của địa danh là gọi tên một đối tượng địa lí tức là một đối tượng tự nhiên hoặc dân cư, kinh tế có vị trí xác định trên bề mặt trái đất. Để xác định vị trí của một đối tượng địa lí thường thông qua một đối tượng khác có vị trí hoặc quan hệ gần gũi dễ nhận biết. Địa danh đăng kí cũng là nhóm địa danh có nhiều tiểu nhóm ý nghĩa nhất cụ thể là các tiểu nhóm sau:

* Tiểu nhóm phản ánh động thực vật sống trên hoặc gần đối tượng. Tiểu nhóm này có nguồn gốc chủ yếu là ngôn ngữ tày Nùng do những người Tày Nùng là chủ nhân sớm nhất của vùng đất này. Những loài động vật, thực vật đã được họ định danh và bản thân chúng lại đi vào các địa danh. Tên thực vật trong địa danh rất phong phú. Có những loài cây đã được người dân địa phương huyền thoại hoá, thần linh hoá như: Cốc Lùng (gốc cây đa), Thâm Nẻng (ao cây si), Bản Vả (bản có cây vả). Có những loài cây làm nguyên liệu phục vụ sinh hoạt sản xuất như: đèo Chuối (cây chuối rừng phục vụ chăn nuôi), bản Cọ (lá cọ để lợp nhà), rừng Cỏ Phách (cây phách làm nguyên liệu

cho đan lát), bản Lanh (bản trồng lanh dệt vải). Những loài cây ăn quả như: Nà Nghè (ruộng có cây quýt), Thâm Pục (ao cạnh đó có cây bưởi), Bản Chú (bản có cây sấu). Tên những giống lúa người địa phương trồng như đồng Khấu Mấu (trồng giống thóc thơm). Các bản thường được đặt tên theo tên loại cây mọc ở đầu bản và có từ khi người dân mới đến lập bản. Nó trở thành một dấu hiệu tự nhiên để nhận ra bản mình. Lâu dần loại cây này không còn nữa nhưng vẫn được lưu giữ trong tên gọi VD: bản Ngoã (bản cây vả), bản chia (bản cây vải), bản Cọ (bản cây cọ), bản Lai (bản cây lai)…

Tên động vật xuất hiện nhiều trong địa danh như: Thắm Hon (hang con hon), Khuấy Cáy (khe gà), suối Bắt ba (con ba ba), hang Khỉ, hang Hùm.

Với 279 địa danh chiếm 18.52% tiểu nhóm địa danh phản ánh động thực vật đã thể hiện rõ nét đời sống gắn bó với tự nhiên và nền văn minh nông nghiệp của người dân địa phương.

* Tiểu nhóm chỉ phương hướng, vị trí của đối tượng so với đối tượng khác có 52 địa danh tập trung ở địa danh “nà” và “bản”. Do số lượng “nà” và “bản” ở Định Hoá rất lớn đây là những địa danh nhỏ lẻ nằm kề bên nhau do đó người ta có nhu cầu xác định ở vị trí nào để phân biệt với các “nà”, “bản” khác. Sự phân biệt này dần dần trở thành tên gọi

VD: bản Bắc (bản nằm ở phía bắc), bản Chang (bản nằm ỏ giữa)

Những từ xác định vị trí phương hướng này chủ yếu có nguồn gốc Tày Nùng. Trong địa danh định Hoá không thấy có xuất hiện những từ chỉ phương hướng vị trí bằng tiếng Việt hay tiếng Hán như: trong, ngoài, trên dưới, thượng, hạ, nội, ngoại. Đây là một căn cứ để khẳng định vai trò quan trọng của ngôn ngữ Tày Nùng so với Hán và Việt trong địa danh Định Hoá.

* Tiểu nhóm gọi theo biến cố lịch sử có 15 địa danh * Tiểu nhóm phản ánh nguồn gốc có 43 địa danh

Địa danh làng Đúc có nghề truyền thống là đúc các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, địa danh bản Lanh phản ánh nghề truyền thống dệt vải. Những nghề truyền thống của Định Hoá đều gắn với sản xuất nông nghiệp

* Tiểu nhóm chỉ tên người, dòng họ khai phá, canh tác, sử dụng, quản lí, sở hữu hoặc có liên quan đến đối tượng. Trong địa danh Định Hoá không có những địa danh phản ánh những dòng họ sống tập trung kiểu mô hình X + xá do tập quán địa phương là sống theo các bản dựa trên quan hệ láng giềng. Địa danh Định Hoá ghi dấu hai dòng họ lớn ở đây là họ Hoàng và họ Ma. VD: đồng Hoàng, ao Thẩm Ma. Nếu như người Việt do tục kiêng kị không dùng tên người đặt cho địa danh thì người dân tộc Tày lại có thói quen dùng tên tục của người đến sớm hoặc có công khai phá lập bản để gọi tên coi đó như sự tưởng nhớ đến công lao của những người đi trước. Do đó trong địa danh Định Hoá xuất hiện nhiều địa danh theo mô hình Ông + X hay Bà + X. VD: vực Bà Nghi, dốc Bà Châu, đồi ông Thái, bản A Nhì… Tiểu nhóm này bao gồm 40 địa danh.

* Tiểu nhóm phản ánh mối liên hệ giữa đối tượng với các cơ quan tổ chức xã hội có công khai phá, xây dựng, thành lập, hay nằm gần đối tượng. Tiểu nhóm này đã lưu giữ những cái tên của các cơ quan tổ chức xã hội trong thời kì lên Việt Bắc kháng chiến. VD: cánh đồng Sự Thật do nằm gần địa điểm thành lập và hoạt động của báo Sự thật tiền thân của báo nhân dân ngày nay. Ao Quân Y nằm gần cơ quan Quân y lúc đó. Đồi Thanh Niên do Đoàn thanh niên quản lí. Tiểu nhóm này với 30 địa danh giúp ta hình dung về một thời kì mà Định Hoá từng là “thủ đô gió ngàn” nơi tập trung những cơ quan đầu não của Đảng nhà nước ta.

* Tiểu nhóm phản ánh những công trình xây dựng được xây dựng trên hoặc gần đối tượng bao gồm 55 địa danh VD: đồi Hội Trường, bãi Đình Coóng. rừng Khau Chùa…

* Tiểu nhóm chỉ thành tố chung của một đối tượng cùng loại có sự gần gũi về hình thức và ýa nghĩa là kết quả của sự chuyển hoá địa danh từ

thành tố chung vào các vị trí yếu tố trong tên riêng bao gồm 8 địa danh VD: khe Suối Nhỏ, ruộng Nà Bãi, Khe Thác…

* Tiểu nhóm chỉ những địa danh khác có liên quan đến đối tượng có số lượng lớn với 382 địa danh chiếm 25.36%. Những địa danh này được chuyển hoá cho nhau do có quan hệ bao hàm chứa đựng VD: Xã Linh Thông – xóm Linh Thông, xã Phượng Tiến – xóm Phượng Tiến. Trong địa danh Định Hoá sự chuyển đổi tên gọi này chủ yếu là do vị trí gần gũi của ba nhóm địa danh “nà”- “khau”- “bản”. Những địa danh này có vị trí địa lí gần nhau và tạo thành một thể thống nhất trong đời sống người dân. VD: rừng Khau Chạng - Nà Chạng - bản Khau Chạng.

c. Địa danh phản ánh tâm lí nguyện vọng

Với 302 địa danh chiếm 20.05% địa danh phản ánh tâm lí nguyện vọng đã phản ánh sâu sắc những đặc điểm tâm lí, tình cảm, tín ngưỡng, nguyện vọng của người dân Định Hoá. Loại địa danh này gồm 5 nhóm trong đó các nhóm lại được chia thành các tiểu nhóm nhỏ:

c1. Nhóm 1 Địa danh phản ánh những ước mong về cuộc sống quê hương * Tiểu nhóm phản ánh niềm mong ước về sự đổi mới, trẻ trung khoẻ khoắn cuả quê hương. Ý nghĩa này thường được thể hiện qua các yếu tố như tân, xuân, mới, kim. Những địa danh mang yếu tố kim là kết quả của quá trình chia tách, gộp nhập những xã cũ có từ thời phong kiến tạop thành những xã mới. Những xã này lấy một yếu tố trong xã cũ kết hợp với kim với ý nghĩa chỉ sự đổi mới. VD: châu Định Hoá trước đây có xã Phượng Vỹ lấy lẽ là nó có hình dáng như đuôi con chim phượng. Khi được tách ra tạo thành xã mới có xã Kim Phượng. Những địa danh mang yếu tố tân, mới là những làng bản mới được thành lập kết quả của công cuộc lên khai hoang những năm 60 VD: làng Mới, bản Mới, Tân Lập, Tân Thái, Tân Thanh, Tân Vàng…Với 24 địa danh trong nhóm ý nghĩa này đã phản ánh một không khí đổi mới trên quê hương Định Hoá

* Tiểu nhóm phản ánh mong ước quê hương đẹp hữu tình thể hiện qua các yếu tố mỹ, duyên như Thịnh Mỹ, Duyên Phú. Đồng thời ở đây có bản Vẹ lấy lẽ là bản đẹp như tranh vẽ cũng có thể xếp vào nhóm ý nghĩa này

* Tiểu nhóm phản ánh mong ước cuộc sống giàu co, thịnh vượng được thể hiện qua các yếu tố: lương, nhiêu, phú, thịnh… VD: Bộc Nhiêu, Phú Đình, Lương bình. Đây là tiểu nhóm lớn nhất trong địa danh tâm lí nguyện vọng với 30 địa danh. Có lẽ bởi mong ước về một cuộc sống đầy đủ, thịnh vượng là mong ước thiết thực nhất, bức thiết nhất trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn trước đây.

* Tiểu nhóm phản ánh mong ước điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến với quê hương được thể hiện qua yếu tố hồng VD: Hồng Lương, Hồng La, Hồng Tiến.

* Tiểu nhóm phản ánh ước mong cuộc sống hoà hợp, yên ổn được thể

Một phần của tài liệu địa danh huyện định hoá tỉnh thái nguyên.pdf (Trang 72 - 82)