Thành tố chung nằm trong phức thể địa danh và có vai trò quan trọng khi nghiên cứu về địa danh, do đó khái niệm thành tố chung đã được các nhà nghiên cứu quan tâm và đặt vấn đề với nhiều cách tiếp cận khác nhau. A.V.Superanskaja đã chỉ ra đặc điểm bản chất của thành tố chung để phân
biệt với địa danh: “là những tên gọi chung liên kết các đối tượng địa lí với mọi vật khác của thế giới hiện thực. Chúng được diễn đạt bằng các danh từ chung vốn được dùng để gọi tên và để xếp loại các đối tượng cùng kiểu, có cùng đặc điểm nhất định” [22, tr. 13]. Thành tố chung được phân biệt với địa danh bởi chức năng chỉ loại (là một loạt các đối tượng cùng kiểu, có cùng đặc điểm nhất định) và đảm nhiệm vai trò thành tố chung bao giờ cũng là một danh từ (có thể là tổ hợp danh từ).
Một số tác giả nghiên cứu về địa danh của Việt Nam cũng đã đưa ra khái niệm thành tố chung, cụ thể:
Khái niệm thành tố chung của Từ Thu Mai:
Khái niệm thành tố chung trong phức thể địa danh được hiểu là những danh từ (danh ngữ) chung. được dùng để chỉ loại hình của một lớp đối tượng địa lí có cùng thuộc tính bản chất. Thành tố chung thường đứng trước địa danh để phản ánh loại hình của đối tượng được định danh [15, tr. 58].
Khái niệm thành tố chung của Nguyễn Kiên Trường: “thành tố chung là danh từ chỉ loại hình đối tượng địa lí, các danh từ này có tần số xuất hiện cao nhưng đã chuyển hoá thành tên riêng hoặc thành một bộ phận của tên riêng” [31, tr. 59].
Như vậy, các nhà nghiên cứu đều có các hiểu thống nhất đối với thành tố “chung” như là danh từ chung, có chức năng phản ánh loại hình đối tượng.
Trong luận văn này chúng tôi chấp nhận cách định nghĩa của A.V.Superanskaja và hiểu khái niệm thành tố chung với những nội dung sau:
có chức năng chỉ loại hình đối tượng, thường là danh từ (danh ngữ) chung, có vị trí đứng trước địa danh và không viết hoa.
Từ cách hiểu trên, luận văn tiến hành nghiên cứu thành tố chung trên các phương diện cụ thể về cấu tạo và chức năng trong mối quan hệ với nguồn gốc ngôn ngữ.