Các địa danh gắn với truyền thuyết dân gian

Một phần của tài liệu địa danh huyện định hoá tỉnh thái nguyên.pdf (Trang 118 - 121)

1 ĐHTN Sơn danh

3.2.5.Các địa danh gắn với truyền thuyết dân gian

Truyền thuyết và thần thoại không phải là lịch sử, nhưng vào thuở khai thiên lập địa, lúc này con người chưa có được ngôn ngữ văn tự để ghi chép, do đó con người chỉ có cách thông qua việc hư cấu nên các câu truyện truyền thuyết, thần thoại để nói lên ước mơ, nguyện vọng và cái nhìn hiện thực của mình. Hầu như các vùng đất đai trên thế giới con người đều tìm cách cắt nghĩa sự hình thành địa vực của mình theo các câu truyện truyền thuyết, thần thoại. Đó là sự cắt nghĩa mang màu sắc chủ quan và đơn giản. Tuy nhiên đằng sau những câu truyện về các địa danh này ta có thể thấy được tư duy, tâm lí, tín ngưỡng của con người đã tạo ra truyền thuyết để lí giải địa danh. Đó cũng chính là một biểu hiện khác của mối quan hệ giữa địa danh và văn hoá.

Hệ thống truyền thuyết, thần thoại giải thích địa danh của huyện Định Hoá rất phong phú đáng tiếc là chưa được ghi chép lưu giữ lại nên chỉ tồn tại trong trí nhớ của người dân địa phương. Những truyền thuyết chúng tôi giới thiệu trong phần này là tư liệu điền dã ghi chép được theo lời kể của ông Hà Văn Hoàng (bản Khau Lầu, xã Định Biên, huyện Định Hoá) và ông Hoàng Luận hội viên hội văn học nghệ thuật dân tộc (xã Định Biên, huyện Định Hoá).

* Truyền thuyết đồi Khau Lọng (xã Bình Thành)

Ngày xưa người dân trong bản thường trồng giống lúa nếp thơm (khấu mấu), khi mùa lúa chín hương lúa bay ngào ngạt khắp các cánh rừng. Năm ấy cũng vào mùa lúa chín dân trong bản bỗng thấy một người đàn ông dắt theo một con trâu trắng rất lớn không biết từ đâu tới và sống trong khu rừng cạnh đó. Cũng từ đây cứ mỗi sáng sớm dân bản ra thăm lúa lại thấy mấy ruộng “nà” bị ăn mất phần ngọn. Dân bản tiếc lắm mới bàn nhau đêm hôm đó ra rình trộm. Đến đêm họ núp sẵn dưới ruộng chờ đợi và bỗng họ thấy người dắt trâu cùng con trâu trắng từ trong rừng đi ra xuống ruộng và ăn thóc nếp. Dân

bản đuổi thì người dắt trâu và con trâu biến mất. Cứ như vậy mấy đêm liền dân bản đuổi bắt không được mà vẫn mất lúa họ mới lên báo cho nhà vua và xin nhà vua cho quân lính bắt người dắt trâu cùng con trâu trắng. Được sự giúp đỡ của dân bản quân lính tìm thấy con trâu trắng ẩn nấp trong một căn hầm lớn trên đồi. Quân lính rình lúc nó ngủ say mới xông vào định bắt, Vừa lúc đó con trâu trắng tỉnh dậy nó vùng mình chạy. Cả căn hầm đất sụt xuống chôn vùi quân lính trong đó. Con trâu cùng người dắt trâu chạy lên đỉnh núi cao nhất núi Hồng rồi biến mất. Từ đó, nó không bao giờ quay lại nữa. Trên ngọn đồi nơi con trâu trắng ở vẫn còn lại dấu vết của căn hầm bị sụt đã chôn vùi lính của nhà vua. Do vậy dân bản gọi đây là đồi Khau Lọng nghĩa là đồi có cạm bẫy. Đồi Khau Lọng ngày nay là đồi lớn nhất xã Bình Thành và Bộc Nhiêu cũng là ranh giới tự nhiên ngăn chia hai xã.

* Truyền thuyết hang Bó Tình (xã Kim Phượng)

Ngày xưa trong một bản nọ có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Họ đã cùng nhau lớn lên, ngày ngày cùng nhau lên rừng lấy củi, lên nương trồng bông. Họ đã ước nguyện với nhau sẽ thành vợ thành chồng. Nhưng chẳng may nhà chàng trai lại rất nghèo nên nhà cô gái không đồng ý cho chàng lấy cô gái. Một ngày kia nhà cô gái đã đồng ý gả cô cho một nhà giàu khác. Ngày cưới của cô gái gần đến cả chàng trai và cô gái đều rất đau khổ. Họ quyết định cùng nhau trốn đi. Chẳng may nhà cô gái biết được cho người đuổi theo. Chàng trai và cô gái chạy lên núi chạy đến một cái hang thì cùng đường. Họ vào trong hang, nhìn thấy trong hang có một cái giếng nhỏ nước trong vắt. Để được ở bên nhau mãi mãi họ đã nắm tay nhau cùng nhảy xuống giếng quyên sinh. Sau khi họ chết đi Bụt thương tình biến họ thành một đôi cá lúcnào cùng bơi song song với nhau. Vào những đêm trăng sáng dân bản lên hang này thấy dưới giếng nổi lên đôi cá rất đẹp bơi song song dưới ánh trăng. Dân bản liền đặt tên cho giếng này là “giếng tình” và nhân thể gọi luôn tên hang này là hang Bó Tình (hang giếng tình).

* Truyền thuyết hang Thẳm Làn (xã Tân Dương)

Ngày xưa trong vùng có hai con thuồng luồng rất lớn, con đực ở trong hang đá dưới chân núi đá, con cái sống ở dòng suối Tà Ma. Cả hai con này đều có hình rắn con đực trên đầu còn có mào rực rỡ. Hai con thuồng luồng đều có ngạnh ở bên thân mình khi gặp người nó uốn mình lấy cái ngạnh đó đâm người rồi uống máu. Sau này hai con thuồng luồng lấy nhau sinh ra con cái và hoành hành càng dữ dội. Có rất nhiều người dân đã bị nhà thuồng luồng giết chết. Cuối cùng một người dân đã dũng cảm gặp nhà thuồng luồng và điều đình với chúng rằng cứ đến ngày 24 tháng chạp mỗi nhà dân sẽ mang một ống tiết lợn đến dâng cho thuồng luồng để thuồng luồng không giết hại. Địa điểm chọn để dâng lễ cho thuồng luồng là một cái hang nước có dòng chảy nối liến với suối Tà Ma. Hàng năm cứ đến ngày 24 tháng chạp nhà thuồng luồng lại ngược theo dòng nước lên hang này nhận lễ. Vì lẽ đó người dân mới gọi đây là hang Thẳm Làn.

* Truyền thuyết dốc Bụt (xã Bảo Linh)

Ngày xưa ở một bản kia đường vào bản có một con dốc rất lớn. Hàng ngày khi trời tối người dân rất sợ hãi khi phải đi qua con dốc đó. Một lần có một người đàn ông trong bản đi rừng xa khi tối mới về qua dốc. Đây vốn là một người rất tốt được dân bản yêu mến. Khi đi qua dốc ông ta cũng rất sợ hãi. Đột nhiên ông ta thấy một cụ già từ xa đi lại dáng vẻ rất hiền từ. Cụ già đưa ông ta qua dốc và còn đưa cho một túi vải. Khi về mở ra ông mới biết đó là một túi đựng những chiếc bánh ngon lành. Lúc này ông mới biết đó chính là Bụt. Một người khác trong bản thấy vậy cũng thử đợi đến lúc tối đi qua dốc. Ông ta vốn là một người xấu dân bản ai cũng ghét. Ông ta cũng gặp được Bụt và Bụt cũng đưa cho ông ta một cái túi. Nhưng khi mở ra thì không phải là bánh mà là những cục đá. Bụt bắt ông ta phải ném những cục đá này xuống cái khe cạnh đó. Từ đó người dân bản truyền nhau rằng dốc này có Bụt ai là người tốt sẽ được thưởng còn kẻ xấu sẽ bị trừng phạt bởi hình phạt ném đá xuống khe núi. Cũng từ đó, họ gọi đây là dốc Bụt.

3.3. TIỂU KẾT CHƢƠNG 3

Một phần của tài liệu địa danh huyện định hoá tỉnh thái nguyên.pdf (Trang 118 - 121)