kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cấp ủy Đảng, Nhà nước đối với công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.
Đất nước ta vận hành theo cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí,
nhân dân làm chủ”, và cơ chế này đã được định hướng, áp dụng chung cho
mọi hoạt động trong xã hội, nhất là với những chương trình có ý nghĩa đặc biệt, to lớn như xây dựng nông thôn mới.
Ở Thái Bình, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền từ lâu đã luôn dành những ưu tiên hàng đầu cho phát triển khu vực nông thôn, coi đây là một công việc có tính tất yếu đối với một tỉnh đi nên từ nông nghiệp, nông thôn. Từ khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh, mối quan tâm đó lại càng được chú ý hơn, nhất là với công tác mang tính “dọn đường”, tiên
phong như tuyên truyền. Do tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là một việc làm đầy phức tạp, khó khăn, lại tập trung vào nội dung của một chương trình lớn, có phạm vi ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nên việc thống nhất trong chỉ đạo, quản lí, phối hợp giữa các cấp uỷ Đảng và cơ quan Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở là vô cùng cần thiết, đảm bảo cho công tác này được đúng hướng, tập trung. Các cấp lãnh đạo trong tỉnh sẽ đảm nhiệm việc tiếp nhận đầy đủ những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo trung ương; đồng thời không ngừng nghiên cứu, đưa ra những nghị quyết, chính sách xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm tỉnh Thái Bình. Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh là cơ quan trực tiếp triển khai nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đồng thời quản lí cơ cấu, số lượng,
chất lượng, hiệu quả của đội ngũ làm công tác này. Nằm trong hệ thống ban Đảng, chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp và Ban Tuyên giáo cấp trên, Ban Tuyên giáo sẽ có nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, Chính quyền xây dựng kế hoạch, định hướng công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong từng năm cần có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, thiết thực, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn của từng địa phương. Ngoài ra, Ban còn thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đối với đội ngũ báo cáo viên; tăng cường công tác phối hợp, giao ban định kỳ giữa các cơ quan có liên quan để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền tuy không trực tiếp sản xuất ra vật chất, nhưng lại có khả năng chi phối tới các quá trình vật chất thông qua tư tưởng của chủ thể thực hiện quá trình đó. Do vậy, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá tính đúng đắn, đúng định hướng, hiệu quả của công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình, để kịp thời đưa ra những biện pháp, điều chỉnh cần thiết. Theo Quyết định số 2049/QĐ - UBND ngày 14/10/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo và thành lập các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình; Tiểu ban Tuyên truyền và Xây dựng hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội đã được thành lập, thuộc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, gồm 16 đồng chí – là những lãnh đạo đứng đầu các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị trong tỉnh, Trưởng Tiểu ban là đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tiểu Ban sẽ phân công trách nhiệm đối với từng thành viên nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới. Chế độ họp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt cơ sở, báo cáo, phản ánh, rút kinh nghiệm phải kịp thời, nghiêm túc, tránh tình trạng khoán trắng, buông lỏng cho cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, sự lãnh đạo, đánh giá
này còn được tiến hành thông qua quy chế, cách thức làm việc của Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh. Ban sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết 02, Đề án của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các văn bản hướng dẫn của tỉnh tại địa phương, đơn vị. Sau đó, định kỳ 6 tháng, 1 năm có nội dung đánh giá riêng về công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong sơ kết, tổng kết công tác tuyên giáo báo cáo lên các cấp uỷ Đảng. Đặc biệt, sự phối hợp của Ban cùng các báo, đài Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhằm định hướng công tác tuyên truyền trong từng thời điểm thích hợp; và việc xây dựng các tài liệu thích hợp với đặc thù của Thái Bình phục vụ cho công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới (trước mắt, tập trung hoàn thành bộ “Tài liệu hỏi - đáp về xây dựng nông thôn mới” trong quý 1, năm 2012) cũng là những vấn đề đáng chú ý trong công tác lãnh đạo tuyên truyền xây dựng nông thôn mới mà các cấp uỷ Đảng và Chính quyền trong tỉnh sẽ thực hiện.
Lịch sử đã chứng minh, từ hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cho tới quá trình Đổi mới, tin và theo sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành, quản lí của Nhà nước sẽ là lựa chọn đúng đắn nhất, đảm bảo chiến thắng trên mọi mặt trận của dân tộc, đất nước ta. Cho nên, sự chỉ đạo, quan tâm, kiểm tra sát sao của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền ở Thái Bình đối với công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong tỉnh có tầm quan trọng cực kì lớn. Trước đây, bây giờ, và cả tới khi Chương trình đi đến vạch đích cuối cùng, các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền trong tỉnh vẫn luôn tâm niệm, khẳng định chắc chắn rằng: Xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, năng lực quản lý, điều hành
của chính quyền các cấp, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.