Đổi mới, đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng phù hợp hơn với mục đích, nội dung, kế hoạch Chương

Một phần của tài liệu Khoá luận tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở tỉnh thái bình hiện nay (Trang 68 - 72)

theo hướng phù hợp hơn với mục đích, nội dung, kế hoạch Chương trình; với điều kiện, tình hình thực tế ở Thái Bình và đặc điểm của đối tượng tuyên truyền.

Tuyên truyền không chỉ là một công tác mang tính chính trị khô cứng, công vụ đơn thuần. Đây còn là cả một môn nghệ thuật phức tạp, uyển chuyển, nhiều kĩ năng. Trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, không phải cứ máy móc triển khai công tác theo những kế hoạch, nghị quyết mà cấp trên giao xuống thì coi như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lối làm việc đó là hoàn toàn sai lầm, bởi kết quả của công tác này thực sự được đánh giá qua chính biểu hiện từ nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng tuyên truyền đối với chương trình xây dựng nông thôn mới. Như thế, ở Thái Bình, thì vấn đề cơ bản, chính yếu của công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cần giải quyết, thực hiện là đổi mới nhanh, đa dạng hoá mạnh những phương pháp, cách thức tuyên truyền đã sử dụng lâu nay, theo tình hình cụ thể trên địa bàn tỉnh.

Chương trình nào cũng có nội dung, mục tiêu của riêng nó, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng vậy. Tuy nhiên, vì đây là một chiến lược đa ngành, đa lĩnh vực, một chủ trương “mở” trên phạm vi cả nước nên khi triển khai tại từng địa phương cũng có sự thay đổi cho phù hợp hơn. Do đó, công tác tuyên truyền cũng cần bám sát những điều chỉnh ấy, để tránh tình

trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa tuyên truyền và những công việc tiến hành trên thực địa. Ví dụ tại xã điểm Thanh Tân, huyện Kiến Xương của tỉnh, với câu hỏi liên quan tới những vấn đề cần chú trọng trong công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới của xã trong thời gian tới; thì kết quả câu trả lời là công tác này sẽ tập trung vào tuyên truyền, vận động dồn điền, đổi thửa, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sản xuất của người dân trong xã, lại dễ nảy sinh mâu thuẫn, trong khi đội ngũ cán bộ xã có chuyên môn quy hoạch còn yếu và thiếu. Rõ ràng, tuyên truyền nếu mềm dẻo như một dòng nước, “uốn quanh”, bao lấy chủ trương, chính sách một cách khéo léo, chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt hơn nhiều. Thái Bình nổi tiếng với danh hiệu “quê lúa”, phong trào “tiếng trống năm 30” trong lịch sử, nhưng cho tới nay, nơi đây vẫn là một tỉnh nghèo trong cả nước. Cho nên, toàn thể các cấp lãnh đạo, nhân dân Thái Bình vẫn luôn hi vọng, trông chờ vào điều thần kì mà Chương trình này mang lại cho khu vực nông thôn – nơi chiếm phần lớn diện tích và dân số của tỉnh, từ ấy giúp bộ mặt của Thái Bình thêm phần sức sống, sáng sủa hơn. Mỗi địa phương trong tỉnh đều có những đặc điểm về tự nhiên, lối sống, truyền thống, kinh tế - xã hội riêng biệt, khu vực đồng bằng khác khu vực ven biển, những xã điểm xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều điểm mới lạ so với các xã khác. Với lí do đó, công tác tuyền truyền cũng nên

“nhập gia tuỳ tục”, thích ứng với điều kiện từng nơi, nhưng vẫn giữa được

nguyên tắc công việc, và nắm được những nét chung có tác động lâu dài tới công tác của tỉnh thuần nông giáp biển như Thái Bình. Cũng giống nhiều nơi khác trong cả nước, thành phần dân cư ở nông thôn Thái Bình đa phần là nông dân, đây sẽ là đối tượng chủ yếu của công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Nhưng mục tiêu của Chương trình này là hướng tới tất cả người dân ở nông thôn, nên ngoài những người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ra, công tác tuyên truyền không thể quên số lượng đáng kể của công

nhân, những người buôn bán, ngư dân, và cả đội ngũ cán bộ, lão thành về hưu…Mỗi loại đối tượng này đều có phần ít hoặc nhiều gắn liền lợi ích với chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài ra, họ còn có những nhu cầu, nhận thức, vai trò, tâm lí khác nhau khi tham gia chương trình. Nên cần một sự thận trọng, nghiên cứu kĩ lưỡng, để công tác kịp thời thích ứng, điều chỉnh cho phù hợp với từng kiểu đối tượng trên.

Thời gian hiện tại và sắp tới, tỉnh nên tập trung xác định rõ quan điểm của công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tuyên truyền, các loại hình tuyên truyền; trong đó, tuyên truyền miệng giữ vai trò nòng cốt, kèm theo là việc nâng cao tính chuyên nghiệp, nhạy bén của loại hình tuyên truyền thông tin đại chúng, tính sâu sắc, bền vững và tầm ảnh hưởng của tuyên truyền qua hoạt động văn hóa, văn nghệ và sự hỗ trợ tích cực của loại hình tuyên truyền trực quan sinh động. Cụ thể sẽ tiến hành tuyên truyền sâu các vấn đề về xây dựng nông thôn mới thông qua các hình thức hỏi – đáp, trao đổi kinh nghiệm, tọa đàm với các chuyên gia, lãnh đạo các ngành, địa phương, người nông dân… Mỗi đơn vị cơ sở phải chủ động, tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách làm mới cho hiệu quả cao; coi trọng tuyên truyền bằng sân khấu hóa, tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh, vì đây là công cụ rất quan trọng ở cơ sở, có nội dung phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Con người bình thường từ lúc “bé lên ba cả nhà tập nói”, tới lúc từ biệt thế giới này, luôn luôn, liên tục dùng tới lời nói; trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, lời nói chính là công cụ vận hành của hình thức tuyên truyền miệng. Đối chiếu vào đặc điểm dân cư, nông thôn Thái Bình, tuyên truyền miệng nhất thuyết cần đi sâu hơn nữa vào nêu lên những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh. Đây là cách thuyết phục đặc sắc bằng người thật, việc thật, với đầy đủ những bằng chứng

sống đa dạng, cụ thể. Tạo hoá ban cho chúng ta 2 mắt để nhìn, 2 tai để nghe, nhưng chỉ có một miệng để nói, như vậy lời nói có giá trị liên thành, nhưng lại “chẳng mất tiền mua”. Khi tuyên truyền miệng “hãy bớt lải nhải về chính

trị, mà quan tâm hơn nữa đến những sự vật bình thường nhất nhưng sinh động rút ra trong đời sống và được đời sống kiểm nghiệm” (Lênin), nói

những điều mà người dân cần, người dân sẽ làm, để có được một nông thôn mới như trong mơ ước mới là điều quan trọng nhất. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu, và ý kiến rút ra từ hai cuộc phỏng vấn ở hai xã điểm, có những phương cách tuyên truyền xây dựng nông thôn mới rất đặc sắc đã được áp dụng ở Thái Bình, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhân dân và đội ngũ cán bộ tuyên truyền. Thứ nhất là kiểu tuyên truyền “mưa dầm thấm đất” mọi lúc, mọi nơi, không ngừng tăng về cả cường độ và nhịp độ, lồng ghép vào các sinh hoạt mang tính cộng đồng; tiêu biểu như việc công khai đặt bản đồ quy hoạch chi tiết nông thôn mới tại 8 xã điểm ở những nơi công cộng để nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu chủ trương, chính sách hơn. Thứ hai, phát huy vai trò là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, thứ nghệ thuật dân gian thú vị đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ con em Thái Bình, nên khi những làn điệu chèo mượt mà được phổ lời về nội dung nông thôn mới cất lên, kết hợp với hệ thống loa phóng thanh, các buổi biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt đoàn hội, thì dù ai có bận, có thiếu quan tâm thế nào đi nữa, cũng không thể không chú ý, yêu thích, tiếp thu nội dung, ý nghĩa gửi gắm trong đó được.

Tóm lại, mọi sự đơn điệu, dập khuôn trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới đều là sai lầm và bất hợp lí. Nhất là ở giai đoạn hiện nay, khi Chương trình đang được xúc tiến khẩn trương, thành một phong trào sâu rộng trên thực tế, thì hơn lúc nào hết công tác này phải tích cực, nhanh chóng làm mới, phong phú các loại hình, cách thức cho hoàn hảo, phát huy tác dụng hơn nữa.

Một phần của tài liệu Khoá luận tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở tỉnh thái bình hiện nay (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w