nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình
2.1.1. Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên
Với vị trí một tỉnh ven biển nằm ở phía đông nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, Thái bình có toạ độ địa lí từ 20°17′ đến 20°44′ độ vĩ bắc, 106°06′ đến 106°39′ độ kinh đông. Tỉnh giáp vịnh Bắc bộ ở phía đông, phía tây và tây nam giáp tỉnh Nam Định và Hà Nam, phía bắc giáp tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng. Theo quy hoạch phát triển kinh tế, Thái Bình thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, vào loại nhỏ so với các tỉnh trong toàn quốc (từ tây sang đông dài 54 km, từ bắc xuống nam dài 49 km).
Thái Bình là tỉnh duy nhất của miền Bắc không có đồi núi, địa hình tương đối bằng phẳng. dốc từ tây bắc xuống đông nam, độ cao phổ biến 1 – 2 m trên mực nước biển, ở đây vừa có cảnh quan vùng trung tâm đồng bằng vừa có cảnh quan miền duyên hải. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa duyên hải rõ rệt, nhiệt độ trung bình trong năm của tỉnh là 23 - 240C. Tổng lượng mưa hàng năm khoảng 1.700 - 2.200 mm, với độ ẩm duy trì ở mức 80- 90%.
Ðất Thái Bình được hình thành do phù sa bồi đắp và chia làm 4 nhóm đất chính: đất phù sa, đất cát, đất phù sa nhiễm mặn, đất phèn. Trong đó đất phù sa là chủ yếu. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh khoảng 1.546 km2 – bằng 0,5% diện tích đất đai của cả nước. Đất canh tác nông nghiệp chiếm 106.000 ha. Đặc biệt với lợi thế miền duyên hải, hiện nay tỉnh còn trên 16 nghìn ha đất vùng triều ven biển thuộc 2 huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải, trong đó đã đưa vào nuôi trồng thuỷ sản trên 4.000 ha và trồng 7.000 ha rừng ngập mặn.
Về thuỷ văn, bao bọc xung quanh Thái Bình là hệ thống sông, biển khép kín. Bốn con sông lớn lần lượt là sông Hóa dài 35,3 km ở phía bắc và đông bắc, phía bắc và tây bắc có sông Luộc (phân lưu của sông Hồng) dài 53 km, phía tây và nam là đoạn hạ lưu của sông Hồng dài 67 km, sông Trà Lý (phân lưu cấp 1 của sông Hồng) chảy qua giữa tỉnh từ tây sang đông dài 65 km. Phía đông là bờ biển dài 52 km của biển Đông. Tổng chiều dài các con sông, ngòi của Thái Bình lên tới 8492km, mật độ bình quân từ 4 - 6km/km2. Diện tích ao hồ của tỉnh gần 6.575ha, chiếm 4,25% đất đai. Có hệ thống thuỷ văn dày đặc, chia cắt như thế, mảnh đất Thái Bình vừa như một hòn đảo nổi mà lại vừa như một “chiếc võng” được đan bởi các dòng sông.
Với đặc trưng không có đồi núi nên nhóm cây tự nhiên của tỉnh rất nghèo nàn chủ yếu là cây trồng (lúa, cam, ổi, chuối, nhãn…). Điểm đáng chú ý nhất là tỉnh có 2 trong số 5 khu vực đa dạng sinh học được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng từ năm 2004; bao gồm: Rừng ngập mặn Thái Thuỵ và Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Ngoài ra còn có Cồn đen, Cồn thủ, Cồn vành và nhiều bãi sú, vẹt, với gần 5.000 ha rừng vừa giữ đất, chắn sóng, vừa tạo môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên du lịch ven biển. Thái Bình có trên 200 loại hải sản như tôm, cua, cá và tảo biển; 149 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quí hiếm như hạc trắng, cò thìa, mồng biển đầu đen. Đặc điểm địa lý Thái Bình ít có quỹ đất cho thực vật tự nhiên phát triển, vì vậy khó có chỗ trú ẩn cho các loài thú tự nhiên. chỉ có một vài loài cáo, chồn nhưng rất hiếm.
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến năm 1969, tỉnh chính thức được sáp nhập thành 7 huyện (Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thuỵ) và một thị xã (nay là thành phố Thái Bình) như bây giờ. Hiện nay, Thái Bình bao gồm 286 đơn vị cấp xã gồm 10 phường, 9 thị trấn và 267 xã.
Theo thống kê, tổng sản phẩm GDP trong tỉnh năm 2010 đạt gần 12.500 tỉ đồng (chỉ số giá năm 1994). Hệ thống giao thông của tỉnh rất thuận lợi, số km đường giao thông ô tô đi được là 1200 km. Cảng Diêm Điền là cảng quốc gia, đang đầu tư xây dựng để tàu 1000 tấn có thể ra vào. Thái Bình có mỏ khí đốt Tiền Hải đã được khai thác từ năm 1986 với sản lượng khai thác hàng năm vài chục triệu m³ khí thiên nhiên. Mỏ nước khoáng Tiền Hải ở độ sâu 450 m, trữ lượng khoảng 12 triệu m³, đã khai thác từ năm 1992, với các nhãn hiệu nước khoáng Vital, nước khoáng Tiền Hải. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 của tỉnh ước đạt trên 20.000 tỷ.
Là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt cánh đồng 5 tấn/ha trong thời kì chống Mĩ. Ngày nay, Thái Bình vẫn là một tỉnh nông nghiệp trọng điểm của đồng bằng sông Hồng, nhân dân Thái Bình vẫn mệt mài, cặm cụi từng ngày bám đất, xây dựng quê hương. Đất đai Thái Bình phì nhiêu màu mỡ, nổi tiếng “bờ xôi ruộng mật” do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Diện tích cây
hàng năm là 94.187 ha. Hầu hết đất trồng lúa có thể cấy được 3 - 4 vụ/năm, diện tích có khả năng làm vụ đông khoảng 40.000 ha. Ngoài ra, đất đai Thái Bình rất thích hợp cho các loại cây: Cây thực phẩm (khoai tây, dưa chuột, sa lát, hành, tỏi, lạc, đậu), cây công nghiệp ngắn ngày (cây đay, cây dâu, cây cói), cây ăn quả nhiệt đới (cam, táo, ổi bo, vải thiều, nhãn, chuối), trồng hoa, cây cảnh…
Tiềm năng về nguồn thủy sản là một trong những thế mạnh của tỉnh. Thái Bình có 3 thủy vực khác nhau. Nước mặn chiếm khoảng 17 km2, tổng trữ lượng hải sản vùng ven biển Thái Bình tương đương 26.000 tấn. Vùng nước lợ là 20.705 ha, hiện đã đưa vào khai thác 3.629 ha để nuôi trồng thủy sản: tôm, cua, sò, hến, trồng rau câu…Tổng diện tích vùng nước ngọt có khả năng nuôi thủy sản là 9.256 ha, đưa vào sử dụng khoảng 6.020 ha.
Hiện nay ở Thái Bình có tất cả 229 làng nghề, trong đó ngoài những nghề truyền thống (chạm bạc ở làng Đồng Xâm, dệt lụa ở làng Bộ La, dệt
chiếu ở làng Hới) còn du nhập thêm nghề đan, móc sợi, làm hương, đan hạt cườm, chế tác đá mỹ nghệ….Thái Bình có cảnh quan thiên nhiên tương đối thuần khiết của miền đồng bằng ven biển. Đặc biệt là biển Đồng Châu thuộc huyện Tiền Hải, với bãi biển dài 5 km, bầu không khí trong lành rất thích hợp cho hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng.
2.1.3. Dân số - dân tộc, văn hóa – xã hội
Quy mô dân số của tỉnh lớn, trên 1.814.500 người, đứng thứ 9 toàn quốc; mật độ dân số đông - 1205 người/km2 (đứng thứ 3 cả nước), trong đó có 86% dân số sống ở nông thôn; thu nhập bình quân theo đầu người năm 2010 đạt khoảng 16,1 triệu/năm. Thái Bình cũng là một trong 9 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS đầu tiên vào năm 2002.
Trong điều kiện môi trường của một vùng đồng bằng sông nước với cư
dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước, đánh bắt thuỷ hải sản và một số nghề phụ tiểu thủ công nghiệp khác; thành phần dân cư chủ yếu của tỉnh là nông dân, ngư dân. Dân tộc trong tỉnh có độ thuần nhất cao, đa số là dân tộc Kinh, các dân tộc khác chỉ có khoảng trên dưới 100 người.
Qua số liệu thống kê di tích toàn tỉnh vào tháng 7/2007, Thái Bình hiện còn 2176 di tích văn hoá, tiêu biểu có Chùa Keo (Thần Quang Tự) tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một trong 10 kiến trúc cổ tiêu biểu và là một trong ba ngôi chùa tiêu biểu của Việt Nam; đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) được xây dựng từ thời vua Duệ Vương (đời Hùng Vương thứ 18), là ngôi đền có quy mô kiến trúc lớn nhất Thái Bình, được xây dựng trên diện tích 6000 m2; đình Nho Lâm (Đông Lâm, Tiền Hải), là địa điểm xuất phát cuộc biểu tình nông dân Tiền Hải 14/10/1930. Trong các di tích khảo cổ ở Thái Bình, khu phế tích của nhà Trần thuộc địa phận xã Tiến Đức (Hưng Hà) – vùng đất Ngự Thiện xưa là mang nhiều ý nghĩa lịch sử và giá trị khoa học nhất.
Đi kèm theo đó, mảnh đất Thái bình còn sản sinh ra nhiều đặc sản nổi tiếng như bánh cáy làng Nguyễn, canh cá Quỳnh Côi, gỏi nhệch Thái Thuỵ, sứa muối Tiền Hải, ổi bo Thành phố. Đặc biệt, tỉnh còn là một trong những cái nôi của các làn điệu chèo tinh tế dung dị (nổi tiếng nhất là chiếu chèo
làng Khuốc), với không khí ngày hội rộn ràng “sáng rối - tối chèo”.
Tất cả những giá trị vật chất - tinh thần đó đã làm nên một phong vị rất riêng và thú vị cho Thái Bình – miền quê lúa của đồng bằng sông Hồng.