Sau khi làm rõ các khái niệm, thì có thể hiểu: Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là một hoạt động của công tác tuyên truyền, nhằm giới thiệu, đưa chủ trương, nội dung chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến với tất cả nhân dân cả nước, đặc biệt là với người dân sống ở nông thôn; giúp họ có cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của phong trào này; tạo đòn bẩy thúc đẩy người dân tham gia một cách tích cực vào phong trào, đồng thời xây dựng được cho họ ý thức, vị thế làm chủ trong công cuộc kiến tạo nông thôn mới.
1.3. Sự cần thiết phải tiến hành công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới nông thôn mới
Theo phép duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, khi xem xét mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, hoạt động xã hội, cần nhìn chúng trong sự tác động qua lại, tính chất phản ánh lẫn nhau. Do đó, nói tới sự cần thiết của công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, cần có cái nhìn tổng thể, tránh phiếm diện, phải coi đây như là mối tương tác từ cả hai phía – công tác tuyên truyền và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ở đất nước ta, Đảng đại diện cho tất cả quần chúng nhân dân lãnh đạo xã hội. Trong các công tác Đảng, thì công tác tư tưởng là một công tác cực kì quan trọng, bởi đây là sợi dây vô cùng hữu hiệu kết dính khối đoàn kết máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Đặc biệt, nằm trong công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền luôn thể hiện được vai trò trọng yếu của mình, là một trong những con đường ngắn nhất, kênh thông tin đáng tin cậy nhất của Đảng và Nhà nước. Do đó, theo lẽ hiển nhiên, với một chương trình lớn như xây dựng nông thôn mới, thì rất cần sự vào cuộc tham gia của đa dạng các lực lượng, tổ
chức, trong đó công tác tuyên truyền là một nhân tố không thể thiếu. Chương trình này được coi là một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trên địa bàn nông thôn trong thời gian hiện tại và sắp tới; vì vậy, nhiệm vụ tiên phong, mở đường tư tưởng và bám sát, vận động tích cực quần chúng của công tác tuyên truyền sẽ đảm bảo sự thành công cho công cuộc xây dựng nông thôn mới khi triển khai tại từng địa phương.
Thực tế sau một thời gian triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước, công tác tuyên truyền đã đem lại những kết quả khả quan bước đầu cho Chương trình. Hệ thống tuyên truyền đã có thể lay chuyển, tác động sâu sắc vào tâm tư, tình cảm của từng người dân nông thôn, từng cán bộ, Đảng viên, tạo cho họ sự hiểu biết đầy đủ, niềm tin mạnh mẽ và ý chí hành động khi thực hiện Chương trình này ở chính quê hương mình. Nhờ sự “khai
thông” tinh thần, tư tưởng ấy, Chương trình đã được triển khai nhanh chóng,
hiệu quả trên địa bàn cả nước, nông thôn Việt Nam đang từng ngày khang trang, sạch đẹp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, bầu không khí chính trị ở làng quê luôn toát lên sự phấn khởi, tin tưởng. Tuy nhiên, công tác này cũng vấp phải không ít khó khăn, hạn chế khi thực hiện, tất cả đều được bộc lộ rõ ràng. Sự lúng túng trong triển khai Chương trình như ở một số địa phương, người ta đã bán đất công để lấy tiền xây dựng nông thôn mới theo cách hiểu của họ là đường bê tông, là xây mới chùa chiền, khôi phục lễ hội tràn lan… Nhiều nơi phát triển theo kiểu tự phát, tầm nhìn hạn chế, thiếu đồng bộ và bền vững, thậm chí còn đánh mất đi bản sắc vốn có. Không ít cấp uỷ, chính quyền và người dân chưa nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của Chương trình cũng như vai trò chủ thể của chính người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực bên ngoài; công tác hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo thiếu chủ động; bộ máy quản lý, điều hành chưa thống nhất; năng lực của cán
bộ còn bất cập; sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn lỏng lẻo. Khó nhất là làm thế nào hình dung được phương pháp thực hiện khi ngay cả khái niệm nông thôn mới cũng không đơn giản, không có sẵn. Lý luận về nông thôn mới bắt nguồn từ thực tiễn tổng kết nên đòi hỏi vừa làm thực địa, vừa phải khái niệm lên. Tức là để có một mô hình chung, chuẩn là rất khó và không đơn giản. Nông thôn mới xây dựng trên tiến trình lịch sử lâu dài, chứ không chỉ ở giai đoạn này. Ngày nay, việc tuyên truyền, làm công tác tư tưởng có nhiều thuận lợi vì nhận thức của người dân đã được nâng lên; các kênh thông tin, tuyên truyền ngày càng phong phú, và hiện đại đã thâm nhập vào tận những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất nên không quá khó khăn để người dân tiếp thu những chủ trương mới, những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền xây dựng nông thôn, công tác này đôi khi còn chậm trễ, đi sau thực tiễn.
Về bản chất, xây dựng nông thôn mới không phải theo kiểu dự án, chính sách mà Đảng, Nhà nước sẽ trực tiếp bắt tay vào thực hiện, vai trò của hệ thống chính trị ở đây chỉ là hỗ trợ, hướng dẫn. Người dân mới chính là những người trực tiếp thực hiện Chương trình này, quyết định bộ mặt môi trường sống sau này của họ. Mà người dân nông thôn, chủ yếu là nông dân đa phần có trình độ học vấn hạn chế, có đóng góp to lớn cho xã hội, nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống và ít được hưởng lợi nhất từ các thành quả của cách mạng; do vậy công tác tuyên truyền phải đi theo sát sao quá trình xây dựng nông thôn mới như hình với bóng, nhanh chóng và đầy đủ định hướng tư tưởng, hướng dẫn cách thức, phổ biến chủ trương tới mọi tầng lớp nhân dân, để họ dễ dàng hiện thực hoá chương trình một cách đúng đắn hơn.
Từ tất cả những dẫn chứng, nguyên do trên, cho thấy tuyên truyền là yếu tố vô cùng cần thiết để đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Khép lại chương 1, hàng loạt phạm trù đã được khóa luận làm rõ. Đầu tiên là khái niệm tuyên truyền với các yếu tố lịch sử, phân loại, nguyên tắc, chức năng, nhiệm vụ; tiếp đến nông thôn (khái niệm, phân loại, đặc trưng, vai trò) và nông thôn mới được cụ thể thông qua việc nghiên cứu về quá trình hình thành chủ trương xây dựng nông thôn mới, khái niệm nông thôn mới, các tiêu chí, mục tiêu, đặc trưng, giải pháp, nguyên tắc, phương châm, kết quả bước đầu của Chương trình này. Ngoài ra, khóa luận còn tổng kết, đưa ra định nghĩa về tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Sau đó nêu bật sự cần thiết phải tiến hành công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Những khái niệm, phạm trù, cũng như bản chất của sự cần thiết trên đã phần nào làm sáng tỏ, tạo điều kiện dễ dàng cho việc đi sâu vào nghiên cứu đề tài tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình hiện nay.