Nước sạch và vệ sinh

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI NGHÈO ĐA CHIỀU TRẺ EM TỈNH ĐIỆN BIÊN (Trang 57 - 58)

Do đặc điểm địa chất của tỉnh, ở các xã vùng cao, người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên như nước suối và mạch lộ cho sinh hoạt, trong khi ở các vùng thấp của thung lũng Mường Thanh chủ yếu sử dụng nguồn nước dưới đất. Theo Điều tra Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản quốc gia năm 2006, khoảng 58% số hộ trong tỉnh phụ thuộc vào nguồn nước suối, 19,5% dùng nước giếng, 12,5% sử dụng các nguồn nước khác (ví dụ như các sông suối gần đó), trong khi đó chỉ có dưới 1% dân số nông thôn sử dụng nước máy. Điều tra này cũng ghi nhận việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh năm 2006 còn ở mức thấp, với 42% số hộ sử dụng nhà tiêu đào không hợp vệ sinh và 51% hộ gia đình không có nhà tiêu/không sử dụng nhà tiêu.

Trong những năm gần đây, Điện Biên đã đạt được tiến độ ổn định trong việc mở rộng cung cấp nước sạch nhưng các chỉ tiêu vệ sinh tiếp tục tụt hậu phía sau. Theo số liệu thống kê năm 2008 của Trung tâm Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 72% hộ gia đình nông thôn ở Điện Biên được tiếp cận nguồn nước sạch và 39% có nhà tiêu hợp vệ sinh so với tỷ lệ toàn quốc là 75% và 51%. Theo một báo cáo năm 2009 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 75% dân số nông thôn và 78% dân số đô thị hiện nay được tiếp cận nguồn nước sạch. Tuy nhiên, nhiều cư dân ở các xã miền núi và các thôn bản ở Điện Biên vẫn còn thiếu nước sạch nhất là vào mùa khô khi tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong vùng là phổ biến. Ở các bản vùng sâu, vùng xa trên 90% các hộ gia đình không có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn trong khi ở thành phố hoặc các vùng ven khoảng 10% các hộ gia đình không có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Cán bộ y tế xã tại Điện Biên thường xuyên cho rằng điều kiện nước sinh hoạt vệ sinh hộ gia đình không đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh thông thường ở trẻ em. Một điều tra Kiến thức, thái độ và hành vi thực hiện bởi UNICEF cho thấy phần lớn người dân không nhận thức được những hậu quả có thể xảy ra của việc thực hành vệ sinh không đúng và không ý thức được các bệnh nghiêm trọng. Nghiên cứu này cho thấy giáo dục và thu

nhập hộ gia đình là những yếu tố quyết định quan trọng nhất khi vấn đề kiến thức về thực hành vệ sinh cơ bản được quan tâm. Những người có trình độ trung học có mức độ nhân thức cao gấp đôi so với mức nhận thức trung bình của mẫu. Về tổng thể giới trẻ có ý thức nhiều hơn so với người lớn trong thực hành vệ sinh và phòng chống dịch bệnh.

2.4.2.6. Vui chơi giải trí

Tỷ lệ nghèo trẻ em từ 0 – 4 tuổi trong lĩnh vực giải trí đặc biệt cao. Ở các bản thuộc vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ trẻ em không có đồ chơi (khoảng 85%) gần gấp đôi tỷ lệ trẻ em không có ít nhất một cuốn truyện hoặc sách thiếu nhi (khoảng 45%). Điều này tương đối khác biệt khi quan sát số liệu của MICS về tình hình chung của cả nước và của các vùng khi mà tỷ lệ trẻ em không có đồ chơi thường thấp hơn tỷ lệ trẻ em không có ít nhất một cuốn truyện hoặc sách thiếu nhi. Nguyên nhân là do, ở các xã vùng cao hiện nay, tại các trường học và trung tâm xã, sách báo và truyện thiếu nhi đã được cung cấp miễn phí, được cho mượn về nhà làm cho việc tiếp cận của trẻ em cao hơn. Còn khi được phỏng vấn về vấn đề này, gần như 90% người dân tộc thiểu số trả lời rằng không có đồ chơi cho con của mình, trong khi tỷ lệ này ở dân tộc Kinh chỉ khoảng 0,63%. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em ở thành thị nếu không có đồ chơi mua thì không có đồ chơi nào khác. Ngược lại, trẻ em ở nông thôn có nhiều loại đồ chơi khác như đồ chơi tự làm, nguyên liệu tự nhiên hoặc vật dụng trong nhà. Hai loại đồ chơi sau cùng này không được xem là đồ chơi thích hợp cho trẻ. Một nguyên nhân có thể là do cha mẹ không chú trọng đến việc trẻ có những thứ đồ này. Chúng được coi là xa xỉ hơn là đồ cần thiết đối với sự phát triển đầu đời của trẻ trong hoàn cảnh còn thiếu thốn, nghèo khó của các gia đình này. Để có thể giảm tỷ lệ nghèo trẻ em về giải trí, cần phải nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của các hoạt động giải trí đối với trẻ em.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI NGHÈO ĐA CHIỀU TRẺ EM TỈNH ĐIỆN BIÊN (Trang 57 - 58)