Đối với lĩnh vực dinh dưỡng, mặc dù kinh phí dành cho các hoạt động triển khai nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em khá cao nhưng lại không đều qua các thời kỳ nên thường xảy ra tình trạng thiếu kinh phí thường xuyên để thực hiện đồng bộ các hoạt động tại địa phương. Vì vậy, cần thiết phải thành lập một quỹ chung đảm bảo hoạt động gọi là Quỹ dinh dưỡng cho trẻ em. Thật vậy, nếu các lĩnh vực khác có thể chỉ cần đầu tư một lần là đủ thì dinh dưỡng đòi hỏi cần có sự quan tâm đầu tư liên tục trong thời gian dài, phải tiến hành đồng bộ, nhất là trong điều kiện đời sống còn rất khó khăn của những người nghèo. Nếu như muốn giáo dục đảm bảo chất lượng thì ít nhất trẻ em cần đảm bảo có đủ sức khỏe, thể lực và trí lực thì mới có thể tham gia học tập tốt được. Ngoài ra, từ thực trạng các nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em ở Điện Biên, bài nghiên cứu xin đưa ra các giải pháp sau:
- Bà mẹ và gia đình thiếu kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ em là một thực trạng rất phổ biến ở đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặc dù, các trạm xá xã đã định kỳ tổ chức trình diễn, truyền thông về bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ nhưng có hai vấn đề đã phát sinh. Một là, hạn chế về ngôn ngữ đối với các bà mẹ dân tộc thiểu số, tức là, họ đa phần không nói được tiếng Kinh, trong khi các khóa tập huấn và tài liệu truyền thông không làm bằng tiếng dân tộc thiểu số. Nhiều cán bộ lại không nói được tiếng dân tộc. Hai là, cho dù các bà mẹ có hiểu về bài giảng truyền thông nhưng theo một cán bộ y tế huyện Tủa Chùa, họ đi nghe về rồi quên. Những điều này cho thấy hiệu quả công tác truyền thông về dinh dưỡng cho trẻ em là chưa cao dù kinh phí cho các hoạt động này là không nhỏ. Vì vậy, khuyến nghị là, các chuyên gia khi thiết kế các tài liệu tập huấn và truyền thông cho người dân tộc thiểu số nên sử dụng hình ảnh tối đa, kết hợp với những chú thích bằng tiếng dân tộc. Thêm vào đó, cần thành lập các nhóm cộng tác viên, tập huấn cho họ tiếng dân tộc để họ có điều kiện tiếp xúc và tuyên truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Mặt khác, những bà mẹ có con nhỏ
hoặc mới sinh cần được phát trực tiếp các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng để họ không quên như trong trường hợp trên.
- Vì thu nhập của các hộ gia đình nghèo rất thấp nên các bà mẹ dù có kiến thức về thức về dinh dưỡng đi nữa thì họ cũng không có đủ khả năng để mua các thực phẩm dinh dưỡng cho con mình. Họ lại sống ở những vị trí cách xa trung tâm xã cũng như chợ. Họ lại nằm trong nhóm những gia đình đông người nên lượng thực phẩm chia cho mỗi người được rất ít. Vì vậy, khuyến nghị là nên cung cấp gói dinh dưỡng hàng tháng dành riêng cho những gia đình có trẻ nhỏ từ 0-4 tuổi và vận động những gia đình khó khăn có con nhỏ đến lấy ở trung tâm xã hàng tháng. Mặc dù ở xa, nhưng vì được cung cấp miễn phí nên các gia đình sẽ có động lực đến lấy các gói dinh dưỡng này. Hơn nữa, mô hình này cũng sẽ tạo ra một ngoại ứng tích cực khi nó khiến các bậc cha mẹ bắt buộc phải làm đăng ký khai sinh cho con mình để xuất trình khi nhận gói dinh dưỡng này, tức là góp phần làm giảm tỷ lệ nghèo trẻ em theo lĩnh vực thừa nhận và bảo trợ xã hội.
- Như đã đề cập ở trên, vào mùa khô, tình trạng thiếu nước trở nên rất trầm trọng ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Vì vậy, vào thời những thời điểm này, người dân thiếu nước trồng rau và các loại thực phẩm khác, nên phần nào hạn chế khả năng đảm bảo dinh dưỡng cho con em mình. Một trong những giải pháp được đưa ra là như đã nói ở lĩnh vực nước sạch và vệ sinh, đó là, nghiên cứu xây dựng, hoặc áp dụng những mô hình cấp nước sạch vào mùa khô cho người dân ở vùng cao. Và giải pháp tình thế lúc này, vẫn nên là xây dựng mô hình cấp gói dinh dưỡng hàng tháng cho trẻ em.
- Cuối cùng, trẻ bị suy dinh dưỡng do các vấn đề sức khỏe và môi trường xung quanh, cụ thể là do vấn đề nước sạch và vệ sinh không được đảm bảo khiến trẻ bị rối loạn và nhiễm trùng tiêu hóa thường xuyên – tiêu chảy và bệnh giun sán. Vì vậy, nếu giải quyết tốt vấn đề nước sạch và vệ sinh thì tỷ lệ nghèo trong lĩnh vực dinh dưỡng chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.
3.2.2.4. Vui chơi giải trí
Hiện nay, ở các trung tâm xã, tủ sách đã được hình thành tạo nên nguồn sách, báo, truyện tuy không nhiều nhưng đáp ứng được văn hóa đọc của các thôn bản. Tuy nhiên các sách báo truyện ở đây chủ yếu dành cho đối tượng là những người biết tiếng Kinh, biết đọc, hơn nữa các sách không được phân loại và hầu như không có sách, truyện cho trẻ nhỏ. Khuyến nghị ở đây là cần có các quyển sách truyện sử dụng tối đa hình ảnh phục vụ cho những trẻ nhỏ. Muốn
vậy, cần trích một khoản kinh phí cho đầu tư, mở rộng phạm vi hoạt động của các tủ sách. Tức là, các tủ sách không chỉ còn ở riêng trung tâm xã nữa mà đến được các thôn bản xa xôi, kết hợp với việc phát cho mượn sách định kỳ cho trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số hàng tháng.
Đồ chơi mua cho trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số hầu như là không có. Thế nhưng, ở các huyện này, ngay cả ở trung tâm xã cũng không có khu vui chơi cho trẻ em. Vì vậy muốn giải quyết tạm thời cái nghèo về lĩnh vực này, cần trích một phần ngân sách giành quỹ đất, xây dựng các khu vui chơi, công viên cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số có thể được vui chơi, kích thích trí sáng tạo của mình và hơn nữa, để tránh các em tham gia vào các hình thức vui chơi nguy hiểm dẫn đến tai nạn thương tích thương tâm như đuối nước, côn trùng cắn,…