Áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều đối với bộ số liệu MICS(Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ) và VHLSS (Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam) năm 2006 cho thấy, khoảng 1/3 số trẻ em dưới 16 tuổi là nghèo, tương ứng khoảng 7 triệu trẻ em. Không có sự khác biệt nào đáng kể giữa trẻ em nam và nữ, nhưng có sự khác biệt lớn giữa khu vực thành thị - nông thôn, và sự khác biệt giữa các vùng miền. Các lĩnh vực đáng quan tâm nhất của nghèo trẻ em là dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, vui chơi giải trí và y tế. Một phần ba trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi. Cứ 3 em thì có hơn 1 em không được tiêm chủng đầy đủ trước 5 tuổi. Gần một nửa số trẻ em không được tiếp cận với các công trình vệ sinh gia đình và 2/3 không có lấy một quyển
truyện thiếu nhi hoặc truyện tranh để đọc.
Tính chung trong phạm vi cả nước, tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều (28,9%) cao hơn tỷ lệ trẻ em nghèo vật chất (20,7%) (năm 2008). Điều này chứng tỏ những đứa trẻ có thể không nghèo vật chất, tức là sống trong các hộ gia đình có mức thu nhập hoặc chi tiêu bình quân đầu người cao hơn chuẩn nghèo nhưng vẫn không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển theo các lĩnh vực trên và vẫn thuộc diện nghèo đa chiều.
Hình 2.1. Tỷ lệ nghèo đa chiều so với nghèo vật chất ở trẻ em và nghèo đói
Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn (khoảng 34%) cao hơn so với khu vực thành thị (khoảng12,5%) (năm 2008). Tỷ lệ nghèo đa chiều cũng cao hơn nghèo vật chất tính chung ở thành thị và nông thôn.
Hình 2.2. Tỷ lệ nghèo tiền tệ và đa chiều trẻ em ở thành thị và nông thôn (%)
(Nguồn: GSO Kết quả khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2008)
Theo vùng, tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất ở Tây Bắc (64.6%), thấp nhất ở Đồng bằng sông Hồng (12%) (năm 2008).
Hình 2.3. Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều (%)
(Nguồn: GSO Kết quả khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2008)
Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều theo 7 lĩnh vực (năm 2008) cho thấy các lĩnh vực y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường, vui chơi giải trí có tỷ lệ nghèo cao nhất.
Hình 2.4. Tương quan tỷ lệ trẻ em nghèo các lĩnh vực(%)
Hình 2.5. Tỷ lệ trẻ em nghèo tiền tệ và nghèo đa chiều theo dân tộc
(Nguồn: GSO - Kết quả khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2008)
Sự chênh lệch về tỷ lệ nghèo đa chiều và tỷ lệ nghèo vật chất của trẻ em đối với trẻ em dân tộc thiểu số là không đáng kể trong khi điều này là rất rõ nét ở trẻ em dân tộc Kinh/Hoa. Điều này chứng tỏ thông thường, đối với trẻ em dân tộc thiểu số, nếu như đã thiếu thốn về các lĩnh vực phi kinh tế (y tế, giáo dục, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh, lao động, vui chơi giải trí, nhà ở, hòa nhập xã hội) thì hầu như là các em khó khăn về kinh tế.