Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh; theo báo cáo khảo sát, đánh giá năm 2010 tại 03 huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên Đông số trẻ em phải làm việc xa gia đình và phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại là 4.340 trẻ ... Phần lớn đối tượng này sống trong các hộ gia đình ở vùng cao, gia đình nghèo thiếu lao động là nguyên nhân chính khiến trẻ em phải bỏ học tham gia lao động sớm.
Lao động trẻ em là một vấn đề phổ biến ở nông thôn. Trẻ nhỏ thì tham gia các công việc gia đình (như lấy củi, xách nước,…). Trẻ lớn hơn thì đảm nhiệm các công việc đồng áng và chăn nuôi gia súc gia cầm, cũng như các hoạt động tăng thu nhập (như hái măng, nhặt củi, săn thú đem bán,…). Hơn nữa, lao động trẻ em thường gắn liền với việc bỏ học tạm thời trong lúc mùa vụ, từ đó dẫn đến bỏ học vĩnh viễn. Công việc của trẻ em thường là đóng góp một phần trong chiến lược sinh kế hộ gia đình nhằm đối phó với rủi ro và giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương, đồng thời cũng là để tăng cơ hội cho gia đình. Các hộ gia đình nông thôn đông con có thể sử dụng chiến lược cho đứa lớn đi làm thêm để hỗ trợ gia đình, còn những đứa bé vẫn tiếp tục đi học. Một cách khác là đầu tư cho ít nhất một đứa đi học để có công việc tốt sau này. Đó là những quyết định sinh kế quan trọng của các gia đình nhằm cân bằng giữa cầu lao động với việc đảm bảo cơ hội học tập cho ít nhất một hoặc hai trẻ trong gia đình, đồng thời cũng là giúp cải thiện viễn cảnh kinh tế hộ gia đinh về lâu dài.
2.4.2.8. Thừa nhận và bảo trợ xã hội
Đăng ký khai sinh là một yếu tố quan trọng đảm bảo nhiều khía cạnh về phúc lợi sau này của trẻ cũng như cơ hội sinh kế tiếp theo như giáo dục, chăm sóc y tế và việc làm. Năm 2006 tỷ lệ trẻ em đăng ký khai sinh và khai sinh đúng hạn chỉ đạt 40%, năm 2010 đạt 70%. Các xã, phường, thị trấn vùng thấp đạt trên 90%, các xã vùng cao đặc biệt khó khăn đạt chỉ đạt khoảng 30%. Tại các địa bàn nghiên cứu, nhiều người cho biết nhiều gia đình chỉ khai sinh khi con đi học hay bị ốm phải đi làm thẻ khám chữa bệnh. Cả xã chỉ có khoảng 40% trẻ được khai sinh. Bố mẹ nào nhận thức tốt thì cho con mình đi khai sinh sớm còn phần đa là họ không khai sinh. Hiện không có số liệu để nói lên nhóm dân tộc nào có tỷ lệ đăng ký khai sinh thấp. Một số cán bộ địa phương nhận xét việc không đăng ký khai sinh khá phổ biến trong các cộng đồng dân tộc thiếu số như H’Mông, Khơ Mú. Tuy nhiên ngay cả những xã và huyện phát triển và đi lại dễ dàng và ngay cả nơi có nhiều người Thái sinh sống như huyện Điện Biên thì tình trạng không đăng ký khai sinh cũng vẫn cao. Nhiều bằng chứng cho thấy việc không đăng ký khai sinh đặc biệt phổ biến hơn ở những nhóm nhập cư tại các xã vùng giáp biên.
KẾT LUẬN CHƯƠNG II
Chương II của bài nghiên cứu đưa ra tổng quan về nghèo đa chiều của Việt Nam qua đó thấy được những phát hiện tương đồng trong đặc điểm nghèo đa chiều giữa tỉnh Điện Biên và Việt Namnhư tỷ lệ nghèo đa chiều cao hơn nghèo vật chất, tỷ lệ nghèo đa chiều trẻ em cao hơn ở nông thôn, miền núi và ở dân tộc thiểu số. Cũng qua phân tích ở chương II, việc nghiên cứu nghèo đa chiều ở tỉnh Điện Biên là cần thiết với những đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh, vị trí của tỉnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và những tiềm ẩn nghèo đa chiều đối với trẻ em của tỉnh. Cũng trong chương này, tình hình chung, cái nhìn tổng quan về nghèo đa chiều trẻ em được đưa ra thông qua phương pháp thu thập thông tin, số liệu của Sở LĐTBXH tỉnh và UNICEF Việt Nam nhằm đưa ra đặc thù về nghèo ở các lĩnh vực của tỉnh. Đồng thời những tính toán về nghèo đa chiều của trẻ em tỉnh đã chứng tỏ những khác biệt trong nghèo đa chiều trẻ em với cả nước và rõ ràng là ở mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nội dung này sẽ là cơ sở khoa học cho các khuyến nghị ở chương III.
CHƯƠNG III: MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ GIẢM NGHÈO ĐA CHIỀU TRẺ EM TỈNH ĐIỆN BIÊN