Con người và cuộc đời

Một phần của tài liệu Từ láy trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (Trang 32 - 34)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Con người và cuộc đời

Về vấn đề tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu là vấn đề được bàn luận và tranh cãi từ hơn một trăm năm mươi năm nay, cho đến nay vẫn còn khá nhiều ý kiến bàn luận. Tuy nhiên đa số các tài liệu đều thống nhất:

Nguyễn Đình Chiểu tục gọi là Đồ Chiểu, sinh ngày mười ba tháng năm năm Nhâm Ngọ (1-7-1822) tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Cha ông là Nguyễn Đình Huy, giữ chức thơ lại tại Văn hàn ty tả quân dinh Lê Văn Duyệt ở Gia Định, lấy người vợ lẽ là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và sinh được bốn trai, ba gái, Nguyễn Đình Chiểu là con đầu lòng.

Cuộc đời ông sớm gặp bất hạnh. Vừa lớn lên, ông đã gặp cơn binh lửa. Năm 12 tuổi Nguyễn Đình Chiểu đã phải theo cha từ Nam ra Huế vì cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi. Cha ông đã gửi ông cho một người bạn ở Huế để ăn học. Khoảng 1840, Nguyễn Đình Chiểu trở về Nam và đến 1843 thi đỗ tú tài, đúng vào năm ông 21 tuổi. Có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.

Thành công bước đầu và niềm vui hứa hôn đã là động lực lớn cho ông thêm nỗ lực, ra công đèn sách. Năm 1847, ông lại ra Huế để chuẩn bị dự thi năm Kỷ dậu (1849). Ngày thi vừa đến thì ông được tin mẹ mất tại Sài Gòn. Ông bỏ thi để về Nam chịu tang mẹ. Dọc đường vất vả lại khóc thương mẹ nhiều, ông bị ốm nặng và mù cả hai mắt, ông đã phải xin trọ tại nhà của một thầy thuốc thuộc dòng ngự y ở Quảng Nam để chữa bệnh. Nhưng vì bệnh nặng, đôi mắt của ông đã vĩnh viễn không còn nhìn được nữa. Cũng chính trong thời gian này ông đã nghĩ đến cuộc đời, nghĩ đến con người, và mặc dù đã mù nhưng ông vẫn cố công học nghề thuốc, đó cũng là mục đích cao cả của ông, học thuốc không phải để mưu sinh hay màng danh lợi mà học để cứu người:

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 27

“Đứa ăn mày cũng trời sinh,

Bệnh còn cứu được, thuốc dành cho không”

Trở về quê nhà trong cảnh mù lòa, gia đình họ Võ trước kia hứa gả con gái cho ông nay kiếm cớ từ hôn. Những nỗi buồn lớn kế tiếp nhau đó cũng khó làm cho Nguyễn Đình Chiểu gục ngã. Không thể lập thân bằng con đường thi cử thì ông về quê mở trường dạy học và làm thuốc. Học trò theo ông rất đông, trong số học trò của ông có Lê Tăng Quýnh, cảm thông với nỗi nhà neo đơn và tình cảnh éo le của thầy, đã xin gia đình gả em gái thứ năm của mình cho thầy học. Khoảng năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu lấy vợ là bà Lê Thị Điền (người làng Thanh Ba, huyện Phước lộc, tỉnh Gia Định). Gần ngót chục năm ông vừa dạy học, vừa làm thuốc và cũng vừa sáng tác truyện “Lục Vân Tiên” và “Dương Từ Hà Mậu”, sống yên vui bên gia đình ấm cúng và trong tình yêu thương quý trọng của nhân dân và môn sinh của mình.

Năm 1859, quân Pháp sau khi đánh chiếm Đà Nẵng đã kéo vào Sài Gòn, tràn vào sông Bến Nghé, quan quân triều đình chống trả yếu ớt. Thành Gia Định bị giặc chiếm đóng (17-2-1859). Từ đây, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu chuyển sang trang để bắt đầu ghi nhận những sự kiện oai hùng của đất nước chống ngoại xâm.

Nguyễn Đình Chiểu sống ở Sài Gòn cho đến khi thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định (17-2-1859) ông lui về quê vợ tại làng Thanh Ba huyện Cần Giuộc. Bị mù, không trực tiếp cầm gươm giết giặc nhưng ông vẫn cùng với các lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định, Đốc binh Là bàn mưu định kế. Giặc đánh vào quê hương ông, ông lui về quê vợ. Khi giặc chiếm hết lục tỉnh, ông sức yếu lại bệnh tật, đành ở lại trong vùng giặc chiếm. Biết ông là người có uy tín lớn, giặc Pháp tìm mọi cách mua chuộc, nhưng ông vẫn nêu cao khí tiết, không chịu khuất phục.

Ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý, tức ngày 3 tháng 7 năm 1888, Nguyễn Đình Chiểu trút hơi thở cuối cùng. Nhân dân Ba Tri, trẻ già, gái trai cùng đông đảo bạn bè, học trò và các con cháu xa gần đến đưa tiễn ông rất đông. Cánh đồng Ba Tri rợp khăn tang khóc thương Đồ Chiểu.

Có thể nói cuộc đời Đồ Chiểu là một tấm gương sáng ngời về nghị lực và đạo đức, đặc biệt là về thái độ suốt đời gắn bó và chiến đấu không mệt mỏi cho lẽ phải,

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 28

cho quyền lợi của nhân dân, đất nước. Trong một Đồ Chiểu có ba con người đáng quý: một nhà giáo mẫu mực, đặt việc dạy người cao hơn dạy chữ, một thầy lang lấy việc chăm lo sức khỏe của nhân dân làm y đức, một nhà văn coi trọng chức năng giáo huấn của văn học trên cơ sở sáng tạo nghệ thuật và là ngọn cờ tiêu biểu của nền văn học yêu nước chống ngoại xâm đầu thời Pháp thuộc.

Một phần của tài liệu Từ láy trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (Trang 32 - 34)