Kiến nghị đối với Nhà nước

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro trong quá trình xuất khẩu cá ngừ đại dương ở Việt Nam (Trang 72 - 77)

- Nhà nước nên hổ trợ các nhà sản xuất và xuất khẩu bằng cách đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng; những tuyến đường quốc lộ chính, sân bay quốc tế để vận chuyển cá ngừ đại dương đi tiêu thụ. Bởi vì, vào vụ mùa vấn đề vận chuyển cá ngừ đại dương rất khó khăn lắm lúc làm phát sinh thêm chi phí xuất khẩu.

- Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như ngư dân sớm đưa mô hình các chợ đấu giá công khai cá ngừ đại dương vào hoạt động vì một khi chợ đấu giá đi vào hoạt động nó sẽ minh bạch trong vấn đề mua bán, thu gom cá ngừ đại dương hạn chế được những thiệt thòi của ngư dân tránh trình trạng tranh mua, tranh bán của các tổ chức xuất khẩu cũng như các nậu, vựa.

- Hiện nay, cả nước có một số ít doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương tươi nguyên con vì nó chứa đựng nhiều rủi ro, tuy nhiên có một số doanh nghiệp thành công do có năng lực tài chính và có kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường cá ngừ đại dương thế giới. Tuy nhiên thời gian qua Nhà nước chưa quản lý lĩnh vực này nên nhiều doanh nghiệp chưa đủ năng lực, chưa đủ kinh nghiệm và sự hiểu biết nhất định về các thị trường. Kết quả là rất nhiều doanh nghiệp, nậu, vựa và cả người dân thua lỗ nặng và thậm chí bị phá sản. Chính vì vậy, Nhà nước nên đưa ra những điều kiện cụ thể để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia nhằm giảm thiểu những rủi ro trong kinh doanh, đồng thời hạn chế những người tham gia khi không đủ tài lực và kiến thức cần thiết tham gia vào thị trường có những rủi ro nhất định này.

- Vấn đề thông tin: Có thể nói vấn đề thông tin của cá ngừ đại dương chúng ta hiện nay là rất yếu. Hiện tại thông tin về giá cả của chúng ta chỉ phụ thuộc vào giá của các công ty thu mua đưa ra chứ chưa có một cơ sở gì để kiểm chứng. Tuy nhiên, những thông tin trên chưa quan trọng bằng việc khả năng dự báo thị trường, ngoài những thông tin trên chúng ta phải tiếp cận những thông tin về dự báo thời tiết tại những quốc gia có khai thác và chế biến cá ngừ đại dương trên thế giới như: mưa, bão, lũ lụt,... từ đó đưa ra những dự báo chính xác về thị trường cá ngừ đại dương. Thực tế cho thấy tại những vùng khai thác cá ngừ đại dương trọng yếu chỉ cần có những nhận định bất lợi hay thuận lợi về tình hình thời tiết thì lập tức trong ngày hôm đó sẽ tác động mạnh đến giá cả của thị trường cá ngừ đại dương. Do vậy, để phân tích và xử lý những thông tin này một cách chính xác thì không dễ chút nào mà cần có một tổ chức mang tầm cỡ quốc gia, tập hợp những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực để phân tích và dự báo thị trường, cung cấp những thông tin

mới nhất cho những ngư dân và các doanh nghiệp nhằm có những định hướng tốt cho việc khai thác và xuất khẩu cá ngừ đại dương.

- Hiện nay, giá cả các yếu tố đầu vào ngày càng tăng làm cho ngư dân đã khó càng thêm khó hơn, chính vì thế để ngư dân bám biển khai thác tiềm năng kinh tế nhằm phát triển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bù lỗ chi phí nhằm giúp ngư dân yên tâm khai thác tài nguyên. Vận động ngư dân tham giam bảo hiểm tài sản nhằm giảm thiếu rủi ro khi nó xảy ra.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn cho nên Nhà nước cần phải có các chính sách ưu đãi:

Ưu đãi về thuế: Xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước.

Ưu đãi về vay vốn Ngân hàng:

+ Lãi suất cho vay: Ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động với chi phí sử dụng vốn thấp, mức vốn cho vay: Được vay phần vốn còn thiếu của dự án đầu tư, sản xuất sau khi cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác.

+ Thời hạn vay vốn: Phù hợp với chu kỳ sản xuất cá ngừ xuất khẩu (từ giai đoạn chuẩn bị nuôi cho đến khi thu hoạch, chế biến để xuất khẩu).

- Chính sách tỷ giá phù hợp

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa nói chung và cá ngừ đại dương nói riêng có thể cạnh tranh với các đối thủ ở những quốc gia khác trên thế giới như: Thái lan, Inđônêxia, Mêhicô,... Nhà nước cần phải có chính sách tỷ giá phù hợp. Vì khi chính sách tỷ giá không phù hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp, cụ thể giá của đồng nội tệ quá cao làm cho giá cả hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với những quốc gia khác, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất khách hàng do giá bán cao hoặc đồng nội tệ bị giảm giá làm cho ngoại tệ thu được từ nguồn hàng xuất khẩu không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh phải trả tại thị trường trong nước như: điện, nước, tiền lương, vật liệu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu,… Nhà nước nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể sử dụng được công cụ phòng ngừa rủi ro như option, forward,… được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn

nhằm giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có thể yên tâm sản xuất và xuất khẩu hàng hóa vì không lo sẽ bị lỗ do sự thay đổi của tỷ giá.

Nhà nước nên xem xét các thỏa ước khi gia nhập các khối liên minh nhằm tạo rào cản để bảo hộ các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ trong nước cũng như tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp có thể cạnh tranh cùng với các đối thủ khi xuất khẩu cá ngừ đại dương.

Tóm tắt chương 3

Chương 3 là phần quan trọng nhất của đề tài nghiên cứu này, từ những mục tiêu cần đạt tới, dựa trên những định hướng phát triển của nền kinh tế, của cá ngừ đại dương, thực trạng rủi ro và các nguyên nhân rủi ro của các doanh nghiệp trong thời gian qua, tác giả đề xuất những giải pháp theo hướng ứng dụng những kinh nghiệm hoạt động của những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị đối với hiệp hội cá ngừ đại dương trong việc hoàn thiện rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu; Đối với Nhà nước trong việc định hướng cho ngư dân trong vấn đề khai thác, bảo quản cũng như đầu tư tốt cơ sở hạ tầng nhằm giảm chi phí vận chuyển; đưa ra hành lang pháp lý cho vấn đề kinh doanh thị trường và cung cấp thông tin dự báo.

KẾT LUẬN

Tìm hiểu “quản trị rủi ro trong quá trình xuất khẩu cá ngừ đại dương ở Việt

Nam” chúng ta thấy:

Trong cơ cấu các mặt hàng thủy sản, cá ngừ đại dương luôn giữ vai trò đặc biệt vì giá trị dinh dưỡng của nó. Trong số các sản phẩm thủy sản, cá ngừ luôn giữ vị trí quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn thế giới. Chính vì vậy, việc khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương đã trở thành mục tiêu kinh tế của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Tuy cá ngừ đại dương xuất hiện vào khoảng những năm 90 của thế kỷ XX ở Việt Nam nhưng đây là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, chỉ đứng thứ ba sau tôm và cá tra, hàng năm thu về cho đất nước một nguồn ngoại tệ lớn góp phần tạo nên sự khởi sắc cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng trong năm 2010, nhờ hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương đã mang lại 287 triệu USD cho đất nước, đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục vạn lao động, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa tổ chức có hệ thống, theo quy mô công nghiệp đã đưa đến nhiều rủi ro trong lĩnh vực này, nguyên nhân gây nên rủi ro là do ngư dân thiếu kinh nghiệm đánh bắt cá ngừ đại dương; do máy móc, thiết bị lỗi thời, lạc hậu, gần như đều sử dụng lại máy cũ; do biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn vào sự sinh tồn của loài cá này, ảnh hưởng đến sản lượng khai thác hằng năm của ngư dân; do ngư trường đánh bắt còn hạn chế, chủ yếu là tập trung xung quanh vùng biển gần quần đảo Trường Sa; do thiếu vốn, ngư dân phụ thuộc vào Nậu, dẫn đến tình trạng ép cấp, ép giá, thiệt thòi cho ngư dân; do trình độ công nghệ, kỹ thuật thấp, bảo quản cá còn sơ sài, vệ sinh an toàn thực phẩm kém; do đội ngũ kiểm định thiếu kinh nghiệm; thị trường tiêu thụ xa; chưa có cơ sở bảo quản chất lượng đủ tiêu chuẩn; do sự biến đổi giá; do sản phẩm kém chất lượng; do thuế xuất khẩu cao; chưa có bộ phận quản trị làm tốt công tác quản trị rủi ro.

Do đó, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro trong quá trình xuất khẩu cá ngừ đại dương là vấn đề cấp bách nhất hiện nay đối với các ngư dân, doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương.

Để góp phần vào thực hiện công việc trên, chúng ta cần phải phát triển vùng nuôi cá ngừ đại dương, đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại và hỗ trợ vốn cho ngư dân; chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường công tác kiểm soát và quản lý chất lượng, đăng ký thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị và công tác xúc tiến thương mại; làm tốt công tác đào tạo để phát triển nguồn nhân lực; tổ chức dịch vụ hậu cần trên biển; thành lập bộ phận quản trị hiệu quả rủi ro trong từng khâu khai thác, chế biến và xuất khẩu.

Việc thực hiện giải pháp khắc phục những rủi ro trong quá trình xuất khẩu cá ngừ đại dương ở Việt Nam hiện nay là một quá trình, nó đòi hỏi phải có sự thống nhất và quyết tâm cao từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, doanh nghiệp và ngư dân trên cả nước.

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro trong quá trình xuất khẩu cá ngừ đại dương ở Việt Nam (Trang 72 - 77)