3.1.1. Giọng điệu và nghệ thuật tổ chức giọng điệu của truyện ngắn
Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn sáng tạo ngôn từ. Nó được cá thể hóa đến mức trở thành quy luật ngữ pháp riêng, giọng điệu riêng của từng người chứ không chỉ tuân theo quy luật ngữ pháp chung của ngôn ngữ. Trong văn chương, người đọc không chỉ để hiểu, để cảm, nghĩa là sẽ nhận lấy toàn bộ những gì nhà văn gửi gắm đằng sau những hàng chữ, vượt ra khỏi nghĩa của từng từ, từng chữ. Đối với văn chương, nếu chỉ bám vào những kí hiệu trực tiếp, thì đó chỉ là cuộc tìm kiếm vô bổ trong “nghĩa địa” của ngôn từ. Do đó giọng điệu văn chương, cũng xuất phát từ ngôn ngữ, song nó có nghĩa rộng hơn nhiều, nó bao hàm cả ngữ cảnh, thái độ, quan niệm, cách ứng xử... và cá thể hóa đến mức trở thành tài sản riêng của một sinh thể tư duy, như giọng điệu riêng của người ấy trong cuộc đời.
Giọng điệu là một cái gì đó rất riêng, rất đặc biệt ở mỗi nhà văn. Trong mỗi một tác phẩm văn chương nhà văn đều tạo cho mình nét riêng biệt nào đó không trộn lẫn hòa với ai.
Nếu như điểm nhìn nó thiên về trả lời cho câu hỏi “ai nhìn”, thì giọng điệu trả lời cho câu hỏi: Nhìn như thế nào? Nói cách khác giọng điệu chính là thái độ tình cảm, lập trường tư tưởng của nhà văn đối với các hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn. Giọng điệu thể hiện con người thật của tác giả cũng như tài năng của người cầm bút. Nó phản ánh lập trường tư tưởng quan điểm nhận thức của người viết. Ngoài ra giọng điệu còn phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách của nhà văn và tác dụng truyền cảm hứng đến cho độc giả. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn
chưa thể cho ra đời một tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và cách sắp xếp hệ thống nhân vật.
Giọng điệu còn là một hiện tượng nghệ thuật nên thường không đồng nhất với giọng điệu tác giả vốn có ngoài đời. Trong thơ ca giọng điệu thuộc về chủ thể trữ tình, gần gũi với tác giả, phản ánh cái tôi thứ hai của tác giả. Đối với truyện ngắn giọng điệu phức tạp hơn, thể hiện qua giọng của người kể, mà người kể ấy có thể là nhân vật xưng tôi hay người kể chuyện vô hình nhưng cũng thể hiện kín đáo cái tôi thứ hai của tác giả.
Giọng điệu thể hiện ở cách xưng hô, cách dùng từ ngữ nhằm biểu hiện tình cảm thành kính, thân mật hay xa lạ, khinh bỉ, châm biếm, giễu nhại. Không những vậy giọng điệu còn mang trong mình tư tưởng của thời đại được thể hiện ở từng giai đoạn, tác giả, tác phẩm. Nổi bật trong truyện ngắn của Nam cao là giọng xót xa chua chát trước thực tại đắng cay. Nổi bật trong truyện ngắn Thạch Lam là giọng đồng cảm, trữ tình. Trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan nổi bật là giọng trào lộng, hài hước... Bên cạnh đó, Nguyễn Huy Thiệp nổi bật với giọng suồng sã, phỉ báng đôi khi còn man mác xót xa, thương cảm cộng thêm là triết lí vô sự với tạo hóa về tình yêu, tình bạn và cuộc đời.
Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. V.Bêlinxki từng nói: “Cảm hứng chủ đạo là gì? - Sáng tác đó không phải là trò đùa, và tác phẩm nghệ thuật không phải là sản phẩm của nhàn hạ hay tùy hứng, nó đòi hỏi lao động của nghệ sĩ... cảm hứng là một sức mạnh hùng hậu. Trong cảm hứng nhà thơ là người yêu say đắm tư tưởng, như yêu cái đẹp, yêu một sinh thể, đắm đuối vào trong đó và anh ta ngắm nó không phải bằng lí trí, lí tính, không phải bằng tình cảm hay một năng lực nào đó của tâm hồn, mà là bằng tất cả sự tràn đầy và toàn vẹn của tồn tại tinh thần của mình, và do đó tư tưởng xuất hiện trong tác phẩm không phải là những suy nghĩ trừu tượng, không phải là hình thức chết cứng, mà là một sáng tạo sống động”.
Cảm hứng xuất hiện khi tác giả nói đến một cái gì cao cả, có ý nghĩa đối với tồn tại con người, nói đến niềm vui, nỗi đau, lòng căm giận có ý nghĩa sâu rộng. Nếu cảm hứng là cao cả thì giọng điệu cũng trở nên cao cả. Nhà văn sẽ sử dụng các từ cao cả, to lớn, những từ ngữ cổ kính có âm hưởng biểu hiện thống thiết, về cú pháp sẽ sử dụng các câu hỏi, câu cảm thán, câu mệnh lệnh, câu kêu gọi... Tác phẩm sử thi, thơ tụng ca, hành khúc thường có giọng điệu như vậy. Các hình thức đó thể hiện niềm tin, khát vọng, ý chí của tác giả. Nếu nhà văn có cảm hứng chính luận, phê phán, bất mãn với thực tại thì nhà văn sẽ có giọng điệu lên án mỉa mai, tố cáo, lúc đó anh ta sẽ sử dụng các biện pháp mỉa mai châm biếm, nhại. Bên trong cảm hứng là thái độ của người nghệ sĩ đối với đối tượng miêu tả và đối với người đối thoại trong hay ngoài tác phẩm, là chất giọng bắt nguồn từ bản chất đạo đức của tác giả, là tiếng nói riêng của mỗi nhà văn - tiếng nói đa phong cách của văn chương nghệ thuật.
Giọng điệu truyện ngắn hiện đại rất đa dạng: có giọng man mác thương cảm, trữ tình; có giọng suồng sã, phỉ báng; giọng xót xa chua chát, bi thương, giọng ỡm ờ, giọng suy tưởng, triết lí... Giọng điệu triết lí thường được thể hiện qua tính chất khẳng định (phủ định) để nhấn mạnh những vấn đề mà nhà văn cần thông điệp, triết luận với người đọc. Ý kiến được đưa ra trở thành chân lí. Triết lí về cái chết; Triết lí về danh vị, quan trường; Triết lí về tình yêu; Triết lí về sống nhờ, sống mượn… Ở nhiều tác phẩm, giọng triết lí gắn liền với cách cắt nghĩa mới hay cung cấp thêm ý nghĩa cho một khái niệm đã quen thuộc của người kể chuyện. Nhiều triết lí bắt nguồn từ những cách nghĩ riêng. Sau năm 1986, ngày càng xuất hiện nhiều truyện ngắn đề cập sâu sắc những vấn đề triết lí nhân sinh, về thân phận con người. Số phận cá nhân, bi kịch cá thể trở thành vấn đề nổi bật trong nhiều tác phẩm. Con người ngày càng cảm nhận sâu sắc về chính con người thật của mình. Quan tâm đến đời tư, nhiều truyện ngắn chạm tới những vấn đề sống chết của
con người. Nhiều tác phẩm trở thành những triết luận của nhà văn về sự sống, cái chết, ở đó giọng chủ là giọng triết lí, và có phần phi chính thống. Những lời bàn luận như thế thường khiến “chuyện” trở nên mới mẻ, bất ngờ. Người đọc hoặc gật gù đồng ý hoặc cau mày nghi ngại song đều phải ngẫm nghĩ. Tính “vấn đề” của tác phẩm, chiều sâu của “chuyện” được nâng cao.
Xã hội Việt Nam sau chiến tranh hiện ra với tất cả những mặt, ngổn ngang phức tạp của nó. Con người cá thể được văn học đương đại đặc biệt quan tâm. Từ cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, con người ngày càng ý thức hơn về bản ngã và càng khao khát tìm kiếm bản ngã.
Sau năm 1986, truyện ngắn Việt Nam ngày càng nhạt dần chất sử thi, đi vào đời sống, tiếp xúc suồng sã đến thô bạo hiện thực. Sự mở rộng các phạm trù thẩm mỹ khiến truyện ngắn gần với đời thường hơn. Cái bi không còn phải dè dặt né tránh; tinh thần hài hước gia tăng. Cái nhìn ở thì hiện tại không hoàn kết, con mắt - truyện ngắn đã nhìn trực diện hiện thực cuộc sống đương đại. Khi những chuẩn mực bị lệch pha, cái hài xuất hiện, cái nhìn phi thành kính, suồng sã, giễu nhại thì giọng điệu trở thành phương thức nghệ thuật chuyển tải tư duy của nhà văn. Vì vậy, giọng điệu truyện ngắn hết sức đa dạng. Ví dụ như: giọng điệu hài hước, giọng điệu châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu cay (Nguyễn Khải), giọng trào lộng, châm chích (Tạ Duy Anh), giọng tự trào, giọng giễu nhại (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài)... Tất cả đã tạo thành bản hợp xướng “đa âm”, cả “hoà âm” và “nghịch âm” trộn lẫn nhưng không xô bồ mà chứa đựng những giá trị thẩm mỹ đích thực.
Nhìn chung, giọng điệu chính là thước đo để đánh giá thành công của tác phẩm, và còn đánh giá cả một giai đoạn văn học. Giọng điệu mang đến cho người đọc cách nhìn đời sâu sắc mà nhà văn đề cập đến trong tác phẩm. Chính vì vậy, giọng điệu đóng một vai trò không nhỏ cho sự thành bại của một tác phẩm nói riêng và một nền văn học nói chung.