Ngôn ngữ là một bộ phận của cấu trúc tác phẩm. Ngôn ngữ tác phẩm văn học xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ tự nhiên nhưng nó không chỉ phục tùng quy luật ngôn ngữ mà còn phục tùng quy luật cấu trúc tác phẩm với tư cách là hệ thống năng lượng, ngôn ngữ không chỉ là chất liệu mà còn là phương tiện kết hợp với hệ thi pháp - cũng là một năng lượng vật chất - tạo nên giá trị tác phẩm.
Khác với ngôn ngữ tự nhiên tác giả lời nói, chủ thể lời nói và ý thức lời nói là một; trong văn học tác giả là nhà văn, chủ thể lời nói là nhân vật. Ngôn ngữ văn học không chỉ là ngôn ngữ của hình tượng mà còn là hình tượng của ngôn ngữ... Bởi vì ngôn ngữ không chỉ là phương tiện vật chất để miêu tả mà còn là đối tượng để miêu tả.
Ngôn ngữ vốn là công cụ giao tiếp giữa người và người trong xã hội, lại trở nên là chất liệu cho nghệ thuật văn học. Ngôn ngữ văn học khác với các loại hình khác (hoặc là ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình như hội họa, điêu khắc, hoặc là ngôn ngữ biểu hiện như âm nhạc, kiến trúc, nhảy múa), vừa là ngôn ngữ tạo thành, vừa là ngôn ngữ biểu hiện, ở đó có thể nói các loại sử thi thiên về tạo hình, các loại thơ trữ tình về biểu hiện (và gần đây có cả văn xuôi nữa).
Truyện ngắn thường khai thác những câu chuyện trong đời sống thường ngày. Những câu chuyện vụn vặt được nhà văn nhào nặn, sử dụng chất liệu ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật để sáng tạo ra truyện. Do đó ngôn ngữ truyện ngắn trước hết là ngôn ngữ đời sống, bắt nguồn từ đời sống. Ngôn ngữ truyện ngắn chứa đựng nhiều phong cách, nhiều giọng nói xen lẫn nhau, hòa hợp nhau, tranh luận nhau và cả đối chọi nhau. Nó mạnh mẽ, khỏe khoắn và đầy sức sống. Tuy nhiên, ngôn ngữ của truyện ngắn cũng khác với ngôn ngữ của các thể loại khác như thơ, trường ca, tiểu thuyết… Nếu như ngôn ngữ thơ thường bay bổng có nhịp điệu, đậm tính nhạc thì ngôn ngữ truyện ngắn lại ở dạng phán ánh bản chất cuộc sống con
người, những lát cắt cuộc đời mang đến mọi sắc điệu, cung bậc của cuộc sống. Vì thế, ngôn ngữ trong truyện ngắn có khi du dương ngân nga, cũng có khi lại thô ráp một cách trần trụi.
Bên cạnh, những đặc điểm chung của văn xuôi tự sự, ngôn ngữ truyện ngắn có những đặc điểm riêng. Chính những nét đặc điểm này làm nên tính chất riêng của từng thể loại. Truyện ngắn khác với truyện vừa và tiểu thuyết ở tính cô đọng và độ kết tinh. Sự cô đọng, nhân vật, sự kiện, thời gian, không gian như vậy buộc truyện ngắn phải có một hình thức ngôn ngữ phù hợp.
Ngôn ngữ trong truyện ngắn nhiều khi đối thoại, tự tranh cãi. Cho nên, nó có tính chất nước đôi. Ngôn ngữ đối thoại truyện ngắn khiến cho truyện ngắn là một trong những hình thức nghệ thuật có khả năng mở rất lớn. Đây là một nét độc đáo đặc trưng của truyện ngắn hiện đại - truyện ngắn của những khả năng, bởi tự nó không đem đến cho ta một kết luận khẳng định hay bác bỏ, dứt khoát, áp đặt. Đối thoại là một dạng lời phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp. Trong truyện ngắn, hình thức đối thoại được sử dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong việc biểu đạt nội dung. Có kiểu đối thoại theo hình thức phân vai, có kiểu lời thoại được nhấn mạnh nhờ những chỉ dẫn của người trần thuật nhằm giản lược hoạt động giao tiếp... Tuy nhiên, người trần thuật vẫn có thể biến lời thoại của nhân vật thành lời của bản thân. Đây là một dạng phát ngôn đặc biệt, thể hiện tính chất nhiều giọng của ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương đại.
Mỗi nhà văn cầm bút viết truyện ngắn với những phong cách khác nhau thì có sự lựa chọn ngôn ngữ khác nhau. Một nhà văn đích thực phải ý thức mình như một nhà ngôn ngữ. Và ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên quy định cung cách ứng xử của nhà văn đó, là phương tiện để nhà văn giao tiếp với bạn đọc. Đối với văn chương ngôn ngữ không chỉ là cái vỏ của tư duy mà còn biểu hiện tài năng, cá tính và quan niệm
nghệ thuật của người sáng tạo. Vì vậy, đứng trước một thực tế sáng tác, một hiện thực đời sống khác nhau, nhưng mỗi nhà văn bằng trí tuệ, tài năng và phong cách, quan điểm của mình sẽ có những cách sử dụng vốn từ ngữ, cách kết hợp vốn từ ngữ ấy khác nhau. Từ đó đưa lại những hiệu quả nghệ thuật riêng. Phong cách nhà văn chịu sự chi phối của các yếu tố như thế giới khách quan, tâm lý khí chất và cá tính của mỗi người. Ngôn ngữ truyện ngắn là nơi nhà văn có thể thử nghiệm phong cách và sử dụng ngôn ngữ vừa là tài năng vừa là cá tính sáng tạo, vừa là hiệu quả thể hiện của mỗi một nhà văn để làm nên phong cách của riêng mình. Đối với truyện ngắn, có những truyện hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện li kì, đầy kịch tính, lại có những truyện lược bỏ cốt truyện, ưu tiên cho việc giải bày cảm xúc, liên tưởng đầy tính chủ quan của người viết. Có những truyện sắp xếp rất bài bản từng lớp ngôn từ (lời kể chuyện, lời đối thoại, lời độc thoại), lại có những truyện ngôn ngữ miên man như một giấc mộng, không phân biệt đâu là lời kể, đâu là lời thoại… Nhưng loại truyện nào cũng có ngôn ngữ riêng của nó. Vì vậy mới có thể nhận diện, chẳng hạn: ngôn ngữ trào phúng Nguyễn Công Hoan, ngôn ngữ truyện ngắn thủ thỉ, tâm tình của Thạch Lam.
Ngôn ngữ truyện ngắn, trước hết là ngôn ngữ của văn xuôi tự sự. Có thể nhận thấy ở truyện ngắn lời nhân vật kể chuyện, lời đối thoại hoặc độc thoại của nhân vật. Và dù là lời trần thuật hay lời đối thoại, ngôn ngữ truyện ngắn cũng hướng tới tính tự nhiên như ngôn ngữ đời sống. Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ của phong cách gọt giũa. Tuy nhiên đối với một cây bút văn chương, sự trau chuốt, gọt giũa thể hiện bằng nhiều phong cách khác nhau. Có thể cầu kì chải chuốt như Nguyễn Tuân, có thể mộc mạc, giản dị như Nam Cao, cũng có thể khô ráp góc cạnh như Vũ Trọng Phụng… Nhưng những sự khác biệt đó không loại trừ nhau, ngược lại, chúng càng làm cho truyện ngắn phong phú đa dạng, tạo thêm bức tranh đa phong cách trong văn học.
Trong sự chuyển động không ngừng của văn xuôi tự sự ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng đổi mới văn xuôi. Ngôn ngữ trong truyện ngắn hiện đại vốn mang nhãn quan hiện thực đời thường, ngôn ngữ bình dân. Vào đầu thế kỉ XX, nền văn học Việt Nam xuất hiện một loạt tác giả mới. So với các tác giả như Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Thiện Thuật với ngôn ngữ bác học biền ngẫu réo rắt, du dương, câu đối, nhịp nhàng thì ngôn ngữ của Hồ Biểu Chánh lại dân dã, thô mộc, trúc trắc. Nhưng, sau này lời văn bác học réo rắt du dương đã trở nên cũ kĩ đầy công thức khó tiếp nhận, còn ngôn ngữ dân dã, đời thường, có phần thô kệch của Hồ Biểu Chánh vẫn còn mới mẻ. Điều ấy có nghĩa là: lối nói theo đúng lời ăn tiếng nói tự nhiên hàng ngày, không qua công thức, chỉnh sửa, không qua “nghệ thuật hóa”, “bác học hóa” luôn giữ được vẻ lâu bền. Ngôn ngữ của Tự lực văn đoàn cũng chóng cũ hơn nhiều so với ngôn ngữ của Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài trước 1945. Ngôn ngữ của văn học Việt Nam sau 1945, từ thời kháng chiến chống Pháp lại rất gần với những cái hàng ngày, cái đời thường, không công thức, mà khá tự nhiên nên cũng khá hiện đại. “Ngôn ngữ đời thường” là kết quả của việc “tiếp xúc trực tiếp với hiện thực”, góp phần giải phóng truyện khỏi tất cả những gì “ước lệ, khô cứng” (M.Bakhatin). Đặc biệt sau 1975, chủ trương “nhìn thẳng sự thật”, “nói rõ sự thật” của Đảng đã góp phần đổi mới ngôn ngữ. Ngôn ngữ truyện ngắn bắt đầu bớt đi vẻ trang trọng, ít du dương, ít rào đón mà gần gũi đời thường, thẳng thắn trong các định danh định tính, suồng sã trong giọng điệu, thành phần khẩu ngữ gia tăng, cú pháp linh hoạt, mềm mại. Nó từ bỏ thứ ngôn ngữ diễm lệ, thi vị và lãng mạn. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một hiện tượng lạ với lối nói “cộc lốc sắc bén và hàm súc, câu văn ngắn gọn, dồn dập, hạn chế tối đa sự miêu tả và bình luận, chứa một năng lượng bùng nổ dữ dội làm rung chuyển lối văn mực thước trang trọng, rào đón đưa đẩy. Ngòi bút táo bạo này dường như không hề biết đến những thưa gửi kiểu cách, những nghi thức đôi khi rất khách sáo, mặc nhiên khẳng
định tư thế bình đẳng, dân chủ giữa con người với con người. Lối văn đó phù với hiện thực đời thường mà tác giả mô tả. Ví dụ như: “Đám cưới ngoại ô lố lăng và khá dung tục. Ba ô tô. Thuốc lá đầu lọc nhưng gần cuối tiệc hết sạch, phải thay bằng thuốc lá cuốn. Năm mươi mâm cỗ nhưng ế mười hai. Chàng rể mặc complê, carvat đỏ. Tôi phải cho mượn cái caravat đẹp nhất trong tủ áo. Nói là mượn, chắc gì đòi được. Phù rể là sáu thanh niên, ăn mặc hệt nhau, đều quần áo bò, râu ria rất hãi” (Tướng về hưu).
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, trong không khí dân chủ, cởi mở của xã hội, cùng với Nguyễn Huy Thiệp đã xuất hiện hàng loạt cây bút trẻ. Họ đã đem vào truyện ngắn thứ ngôn ngữ nhiều góc cạnh. Họ ít bị ràng buộc bởi những tín điều đạo đức, luân lí, vừa tự tin vào mình, vừa hoài nghi với cuộc đời. Truyện ngắn sau 1975 đã có những nỗ lực đổi mới ngôn ngữ. Những nhạt nhẽo, phẳng lặng, phi cá tính trong ngôn ngữ đang dần được cải thiện, mang lại sự hứng thú cho người đọc tránh tình trạng hờ hững với văn chương. Chưa bao giờ ngôn ngữ văn chương lại gần với ngôn ngữ sinh hoạt đời thường đến thế. Chưa bao giờ trong truyện ngắn những câu chửi thề, chửi tục, lối nói trần tục xuất hiện nhiều đến thế. Con người trong văn chương được sống thật hơn, những nhân vật đẹp đẽ không phải hiếm, chỉ có điều họ không đẹp theo kiểu “sạch sẽ”, “vô trùng như vẫn thường thấy trước đây”. Và ngôn ngữ vốn là phương tiện đã trở thành đối tượng miêu tả góp phần vào sự chân thực đó. Ngôn ngữ hiện nay quan tâm đến sự chính xác, không cầu kì hoa mỹ, chỉ cần “gọi đúng tên sự vật”.
Đi cùng với đặc tính gia tăng khẩu ngữ là lối sử dụng các đại từ nhân xưng: y, hắn, gã, thị. Nếu như trong truyện ngắn trước 1945 các đại từ này để bày tỏ sự thương xót đối với thân phận con người, để “thân mật hóa” sự tiếp xúc với đối tượng và quan trọng hơn là để làm nổi bật sự “bé nhỏ” của con người, thì trong truyện ngắn 1945 - 1975, hệ thống đại từ này chỉ được dùng để gọi kẻ thù, gọi nhân vật phản diện. Còn bây giờ chúng xuất hiện trở lại cũng với chức năng “thân mật hóa”. Ngoài ra chúng còn biểu lộ thái
độ phi thành kính, phi huyễn hoặc đối với đối tượng miêu tả. Vì vậy người đọc dễ dàng tìm được những câu văn như lời trò chuyện sinh động, dân dã: “Một anh nông dân suốt đời đi sau mông bò như lão thì là cái thá gì mà cũng đòi có một ngôi sao chiếu mệnh ở trên trời?” “cái lão Khúng này thiết đếch gì! Sao với chả trăng! Cho cái mặt trời ông cũng đếch thiết nữa là!” (Phiên chợ Giát - Nguyễn Minh Châu)…
Bên cạnh đó ngôn ngữ truyện ngắn tăng cường tính tốc độ, thông tin và tính triết luận. Nhu cầu gia tăng tính tốc độ và thông tin đặt ra như một đòi hỏi chính đáng và tất yếu ở thời đại bùng nổ thông tin, thời đại của công nghệ kĩ thuật cao với vi tính và Internet chuyển động siêu tốc, liên quan đến nhịp điệu của cuộc sống hiện đại, nhất là nhịp điệu của “cơ chế thị trường”. Tính tốc độ thể hiện rõ ở lối vào truyện nhanh, mạch truyện dồn dập, đặc biệt đối thoại giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự mở rộng cốt truyện, dẫn dắt liên tưởng, đối thoại nằm trong độc thoại. Dòng ý thức của Nhĩ (Bến quê - Nguyễn Minh Châu), Ông Diểu (Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp)… đầy rẫy những đối thoại trực tiếp, gián tiếp. Tính tốc độ thể hiện ở lối kể liệt kê, giản lược tối đa những lời bình luận, đánh giá, ở sự đậm đặc của chi tiết. Thông thường thì tốc độ nhanh của ngôn ngữ gắn với hứng thú diễn đạt dòng chảy ồ ạt, xô bồ, hỗn tạp của cuộc sống thường nhật nhiều lo toan, nhiều mối quan hệ chằng chéo và nội tâm con người phức tạp. Trong cuộc sống đó, một tình yêu, một hạnh phúc dồn nén trong khoảng thời gian thật chật chội, con người hành động thật gấp gáp (Năm ngày - Phạm Thị Hoài, Bảy ngày trong đời - Nguyễn Thị Thu Huệ, Khi người ta trẻ - Phan Thị Vàng Anh…). Nhìn chung, ưu thế về tốc độ - trong ngôn ngữ cũng như trong sinh hoạt - thuộc về lớp nhà văn trẻ. Nhu cầu tăng cường tốc độ, tăng lượng thông tin làm nảy sinh phổ biến lối nói giản lược, nói tắt và các tổ hợp ngôn ngữ mới. Ta có thể bắt gặp ở các nhà văn trẻ những cách nói thế này: “hôn
một cách chuyên nghiệp”, “tất yếu râu ria”, “mùi phấn sáp điêu toa”, “vóc dáng vi vu”… Ngoài ra thông tin cũng sẽ được tăng cường bằng thứ ngôn ngữ hàm súc cô đọng. Việc tăng khả năng thông tin cũng có nghĩa là biết cách dung nạp những thành phần ngôn ngữ mới, biết sử dụng các “điển cố” văn học mới trên cơ sở “tiền giả định” đúng đắn về trình độ tri thức của độc giả. Văn học trước 1975 đã làm được điều này. Và bây giờ các nhà văn tiếp tục phát huy với một sự tự ý thức cao hơn, ý thức xóa dần tính khu biệt và mở rộng khả năng diễn đạt các vấn đề của cuộc sống hiện đại.
Như vậy, ngôn ngữ truyện ngắn mang tính phức điệu, đa thanh, tính triết lý, và triết luận cao. Cùng với sự vận động tích cực của tư duy văn học, thì ngôn ngữ văn xuôi đặc biệt là ngôn ngữ truyện ngắn hiện đại đã linh hoạt sinh động và giàu chất đời thường.