Truyện là tên gọi để chỉ một loại hình tự sự văn học, một trong số các loại hình tự sự đa dạng và phong phú hiện nay. Truyện bao gồm các thể loại: truyện kể dân gian (thần thoại, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn.... truyện chí quái, phiêu lưu, truyền kì... thời trung cổ); và tiểu thuyết (gồm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài...).
Trong một tác phẩm tự sự cần phải phân biệt giữa truyện và cốt truyện. Truyện là mạch phát triển của một tình tiết, từ lúc phát sinh cho đến lúc kết thúc. Mỗi nhân vật có một truyện của nó, nên tiểu thuyết thường có nhiều truyện còn truyện ngắn chỉ đề cập đến một truyện. Còn cốt truyện là các giai đoạn phát triển cơ bản của truyện. Chẳng hạn lâu nay ta vẫn coi trữ tình ngoại đề là truyện nằm bên ngoài cốt truyện nhưng thật ra nó vẫn là một yếu tố của cốt truyện.
Đối với thi pháp dựng truyện có 2 loại: một là loại truyện hành động, truyện được kể, mà tiêu biểu truyện cổ tích, truyện kể dân gian có các tình tiết 1,2,3... phát triển thuận chiều; hai là loại truyện ý thức, vận động của ý thức đã đưa đến kết thúc là một ý thức mới, các tình
tiết, thời gian đảo ngược một cách phức tạp. Chính sự đảo ngược làm mở rộng ý thức, hầu hết các truyện hiện đại, có giá trị sâu sắc như AQ chính truyện (Lỗ Tấn), Chí Phèo (Nam Cao) đều là những truyện bên ngoài là truyện kể, bên trong là dòng chảy của ý thức, nên có giá trị sâu sắc. Có nhiều truyện trong một cốt truyện. Điều quan trọng là tìm ra các tầng ý nghĩa, các mạch truyện để thấy cốt truyện phát triển với tất cả tư tưởng - nghệ thuật của chỉnh thể. Bỏ sót bất cứ một yếu tố, tình tiết mang tính chất truyện nào cũng đều đưa đến sự nhận thức sai lệch về tác phẩm.
Trước hết cần nói đến cốt truyện, theo Lại Nguyên Ân trong 150
thuật ngữ văn học thì cốt truyện là: “Một phương diện của lĩnh vực hình thức nghệ thuật, nó trỏ lớp biến cố của hình thức tác phẩm. Chính hệ thống biến cố (tức cốt truyện) đã tạo ra sự vận động của nội dung cuộc sống được miêu tả trong tác phẩm. Tính truyện (cốt truyện) là một phẩm chất có giá trị quan trọng của văn học, sân khấu điện ảnh và các nghệ thuật cùng loại. Trong các thể loại văn học, cốt truyện là thành phần quan trọng thiết yếu của tự sự và kịch nhưng thường không có mặt trong các tác phẩm trữ tình” [5;113]. Cốt truyện là một hiện tượng phức tạp. Trong thực tế văn học cốt truyện các tác phẩm hết sức đa dạng, kết tinh truyền thống dân tộc, phản ánh những thành tựu văn học của mỗi thời kì lịch sử, thể hiện phong cách tài năng nghệ thuật của nhà văn. Cơ sở chung của mọi cốt truyện xét đến cùng là những xung đột xã hội được khúc xạ qua các xung đột nhân cách. Nhưng cũng sẽ sai lầm nếu đồng nhất xung đột xã hội với cốt truyện tác phẩm văn học. Xung đột là cơ sở khách quan, là đối tượng nhận thức, phản ánh, trong khi đó cốt truyện lại là sản phẩm sáng tạo độc đáo của chủ quan nhà văn.
Cốt truyện có hai tính chất cơ bản. Đó là tính liên tục hữu hạn trong trật tự thời gian, sự kiện này đặt sau sự kiện trước và cứ thế cho đến kết thúc. Và các sự kiện trong chuỗi có mối quan hệ nhân quả hoặc quan hệ bộc lộ ý
nghĩa. Các sự kiện trong đời sống có vô vàn mối quan hệ và không biết đâu là mở đầu, đâu là kết thúc. Hai tính chất nêu trên là thuộc tính nghệ thuật làm cho cốt truyện văn học tách ra khỏi mối quan hệ chằng chịt trong cuộc sống để tập trung thể hiện ý nghĩa nào đó mà nhà văn muốn thể hiện.
Cốt truyện có vai trò thực hiện các chức năng rất quan trọng trong tác phẩm. Nó gắn kết các sự kiện thành một chuỗi và tạo thành lịch sử của một nhân vật. Nó bộc lộ các xung đột, mâu thuẫn của con người. Nó tạo ra một ý nghĩa về nhân sinh, và quan trọng nhất là tạo hấp dẫn cho tác phẩm. Chính vì vậy, nắm bắt đúng các chuỗi sự kiện là bước khởi đầu để hiểu nhân vật, hiểu bức tranh đời sống và hiểu ý nghĩa của tác phẩm.
Về nghệ thuật dựng truyện, để tạo dựng một câu chuyện, một cốt truyện, tất yếu cần có chi tiết, sự kiện, mô típ và tình huống. Chi tiết là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời thể hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó, chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn thú vị, vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng. Như chúng ta đã biết, để tạo ra sự kiện cho câu chuyện, nhà văn sử dụng nhiều chi tiết. Chi tiết có thể là một lời nói một cử chỉ, một hành động của nhân vật, hoặc một nét chân dung... Những chi tiết đặc sắc tập trung thể hiện rõ nét sự việc tiêu biểu trong mỗi câu chuyện. Bên cạnh đó, tình huống là “cái tình thế xảy ra truyện”, là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, “một khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người” (Nguyễn Minh Châu). Tình huống còn được hiểu là mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh và môi trường sống, qua đó, nhân vật bộc lộ rõ tâm trạng, tính cách hay thân phận của nó, góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác phẩm. Sự kiện là yếu tố không thể thiếu để xây dựng truyện. Những tình tiết phát triển thành sự kiện. Sự kiện trong truyện khác với sự kiện được nói tới trong các tin tức về đời sống xã hội. Truyện kể dân gian chú trọng đến những tình tiết phát triển
thành những sự kiện hơn là xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại. Dù vậy, truyện là một chuỗi sự việc xảy ra được kể ra do phát hiện thấy một ý nghĩa, mối liên hệ bên trong. Do vậy, qua sự kiện được xâu chuỗi trong tác phẩm, chúng ta có thể “đọc” ra ý đồ nghệ thuật của tác giả. Trong truyện, dù truyện ngắn hay truyện dài, mô típ có ý nghĩa tư tưởng nghệ thuật. Theo A.N.Vênêxêlôpxki: “Mô típ là những công thức trả lời cho các vấn đề mà giới tự nhiên đặt cho con người từ những thuở ngưyên sơ, khắp mọi nơi, hoặc là những ấn tượng về hiện thực được đúc kết nổi bật, hoặc tỏ ra quan trọng và được lặp lại”. Thống kê hệ thống mô típ trong văn học phương Đông, người ta có thể kể ra hơn con số 23 mô típ. Điều đáng nói là hệ thống mô típ và ý thức hệ có mối liên hệ hết sức khăng khít, tạo thành tính quan niệm của truyện... Vì vậy, để tạo dựng một câu chuyện, nhà văn thường rất chú trọng kỹ thuật kể chuyện, cụ thể là tạo ra người kể và lời kể phục vụ ý đồ nghệ thuật của mình. Bởi lẽ, qua cách xưng gọi, cách miêu tả, điểm nhìn trần thuật, các biện pháp tu từ, người đọc có thể nắm bắt rất nhiều thông tin về tình cảm, thái độ khuynh hướng thẩm mỹ và phong cách độc đáo của nhà văn.