Cốt truyện và nghệ thuật dựng truyện của Trần Đức Tiến

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Trần Đức Tiến nhìn từ thể loại (Qua khảo sát tập Lỏng và Tuột) (Trang 42 - 47)

Có thể thấy nét nổi bật trong nghệ thuật truyện ngắn của Trần Đức Tiến là tài dựng cốt truyện. Hầu hết truyện ngắn của ông thường là loại truyện không có chuyện, truyện không thể kể lại được, nhưng lại hấp dẫn ở cách viết, cách dẫn dắt, nhất là ở những chi tiết mà những chi tiết thường không có gì đặc biệt đầy rẫy quanh ta được nhà văn để mắt tới và sử dụng như một phản ứng hóa học bùng nổ dây chuyền, làm hiện lên căn cốt sâu xa của con người, của hiện thực cuộc sống. Trong truyện ngắn của Trần Đức Tiến sự thật cứ dần dần hiện ra đến gai cả người, đó là những trang cắt lớp về sự tha hóa và phân rã của con người.

Trong Mưa núi, cốt truyện chỉ xoay quanh chi tiết về một người đàn ông tên K nào đó rời khỏi nhà đi bộ lúc 13 giờ 5 phút, đi với trạng thái vô

thức. Khi bắt gặp nụ cười của một người đàn ông lạ khiến cho K bừng tỉnh và thay đổi hướng đi lên núi. Mấu chốt của truyện chính là sự đổi hướng đột ngột này. Nhưng sau đó chẳng có bất cứ điều gì đặc biệt ngoài những hạt mưa có từ trước nhưng bắt đầu nặng hạt, rơi đều theo mỗi bước chân ông. Và rồi ông gặp cô gái điên. K bị dẫn dắt bởi một ma lực nào đó để cuối cùng ông làm tình với cô ta. Tuy nhiên, đọng lại ở cốt truyện chính là sự phân rã cắt lớp của con người trong cuộc sống hiện đại. Còn ở Lỏng và tuột, chi tiết Y bấm nút điện thoại tìm kiếm một số điện thoại quen thuộc để nói chuyện, khi các con số nhảy trên màn hình thì Y chợt nhận ra “không ngờ trong máy của y lại lưu nhiều tên và số đến thế”, rồi bất chợt xuất hiện số máy với cái tên “Yến. Mở ngoặc: Lê Kim. Nhân vật này “lẻn” vào dòng ý thức của nhân vật cho đến lúc kết thúc câu chuyện. Những chi tiết đó ở rải khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Nhưng khi vào truyện nó làm xuất hiện thêm nhiều chi tiết khác chồng chéo lên nhau, và cứ thế bản chất sâu xa của con người cứ lộ ra mồn một.

Đối với Khối u, cốt truyện xoay quanh việc “Hắn” có một khối u ở trong bụng “chính xác là ở sườn bên trái”, nhưng bác sĩ khám cho hắn cứ khăng khăng bên bụng phải. Rồi Hắn như con ruồi mắc trong lưới nhện của cái hàng ngày: phố xá, bà bán vé số, những mơ ước và là một bà vợ với hai đứa con và bà mẹ vợ vừa chết ở tuổi 90 với biết bao nhiêu phiền toái… Và hắn có một cô bồ trẻ đẹp với dòng tin nhắn “Anh ơi em bị ướt hết rồi”. Nhà văn đã bóc trần cuộc sống trần trụi qua lăng lính suy nghĩ cũng như hành động logic của nhân vật.

Trong Thiên đường chớp mắt, cũng chỉ xoay quanh chuyện bán nhà, mua nhà nhưng hiện thực cuộc sống cứ lộ dần đến gai người. Thiên đường của hắn ở ngay trước mắt nhưng chớp mắt lại không thấy gì nữa. Con người rơi vào ảo ảnh, vào không gian của thực và mộng. Vì thế mà con người luôn chạy theo những mộng tưởng, suy nghĩ viễn vông để rồi cảm thấy hụt hẫng khi nghĩ về nó “thiên đường nhiều chuột của hắn - vừa bay qua”.

Bên cạnh đó, cốt truyện của tập truyện ngắn Lỏng và tuột còn có kiểu cốt truyện lắp ghép. Tác phẩm Thiếu phụ răng đen nhà văn sử dụng hai câu chuyện trong câu chuyện thông qua người kể chuyện xưng tôi. Anh ta kể về cuộc sống của giáo viên ở vùng quê nghèo, thiếu thốn đủ thứ đến nỗi nhà vệ sinh cũng chẳng có. Và một câu chuyện anh ta được nghe về bãi tha ma vốn đã có trước khi trường được xây dựng. Đó là nghĩa địa dành cho những người đàn bà mang tội chửa hoang “những ngôi mộ đó vĩnh viễn đào sâu chôn chặt”. Từ đó, nhiều câu chuyện truyền tai ly kỳ phát sinh về một người phụ nữ đêm nào cũng xuất hiện ở một phòng của khu tập thể. Cuộc sống của những con người ở đây ngổn ngang giữa ma ma người người, hư hư thực thực luẩn quẩn trong một vòng tròn khép kín do chính con người nơi đây tạo ra.

Ngoài ra, có những truyện cốt truyện đơn giản, trong Đi bộ và chạy

đơn thuần chỉ là câu chuyện phiếm giữa hai người đàn ông chạy thể dục, đi trước hai ông là một cô gái mà lúc đầu cứ tưởng là con gái nhà lành, muốn lên giường với cô ta, nhưng lại trò chuyện hỏi han nhau những câu chuyện không đâu vào đâu như: về huyết áp, về đốt sống thần kinh, và cuối cùng là bất ngời với việc cô gái đó hóa ra lại một gái điếm.

Trong truyện Cõi tục, Trần Đức Tiến sử dụng cốt truyện theo lối cấu trúc truyền thống gồm: phần trình bày (phần dẫn), tiền sử (lai lịch pho tượng Đức Ngài), Hậu sử (những sự kiện tiếp theo), mào đầu (cuộc phỏng vấn), và phần vĩ thanh. Tuy nhiên, có sự đan xen với cốt truyện liên văn bản. Với dạng liên kết này tác giả có thể đan xen nhiều thể loại vào trong truyện ngắn. Trần Đức Tiến đã sử dụng những cuộc phỏng vấn, những bài báo… Những yếu tố ngoài cốt truyện này được nhà văn đưa vào tác phẩm nhằm mục đích mở rộng thêm tính cách của nhân vật, mở rộng thêm giới hạn của truyện ngắn. Và quan trọng hơn đó còn là phương tiện để ông khám phá thể hiện thế giới tâm lí của nhân vật. Nó là hình thức để Trần

Đức Tiến chuyển tải những vấn đề đạo đức. Vì thế sử dụng kiểu cốt truyện này tác giả nhằm mục đích giải thiêng và nhại lại.

Có thể nói, Lỏng và tuột toàn là chuyện của cõi người, cõi đời trần tục (nhiều lúc như là cõi mê) nhưng nhiều khi nhuốm màu sắc kinh dị, huyễn hoặc, hoang đường như trong Mưa núi, Thiếu phụ răng đen, Thiên đường chớp mắt, Chuông chùa Bạch Vân, Mù tăm, Cõi tục. Nhưng “thực” hay “hư” khi đọc xong tập truyện, trong chúng ta đều cảm nhận về những câu chuyện được kể rất có duyên, về những kiếp người phôi pha trong cõi nhân gian này - đó là “cái xã hội con con bao gồm: những thân phận bần cùng này luôn sẵn lòng tin vào những điều mới lạ, bất ngờ, kể cả những điều hoang đường nhất” (Cõi tục)... Con người ta tồn tại trong cái quy luật nghiệt ngã của tạo hoá (“sinh, lão, bệnh, tử”), vui buồn, gặp gỡ rồi chia lìa, cách trở âm dương, tất tật đều “có thể vì một sự dẫn dắt bí ẩn nào đó” (Thời kỳ mèo), nhiều khi có vẻ như hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng ngẫm cho kĩ lại là tất nhiên. Trong cái thế giới gọi là “cõi người ta” Trần Đức Tiến đã khéo léo lách vào từng “lát cắt”, do thể loại truyện ngắn quy định, nhà văn đã chú ý đến cả hai phương diện “thân phận” và “thân xác” của mỗi cá thể người dù họ ở lứa tuổi, địa vị xã hội, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế nào đi chăng nữa đều giống nhau ở chỗ, đều là “con người” trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Đối với thể loại truyện, thử thách khó khăn nhất với nhà văn là làm sao khi viết kết hợp được nhuần nhuyễn giữa “dựng” và “kể”, là bởi nhiều người chỉ say mê kể nên không tiết chế được ngòi bút khiến cho tác phẩm sa đà, trở nên “lỏng và tuột”. Nhưng dựng truyện lại là một kĩ thuật không mấy dễ dàng với những ngòi bút thiếu kinh nghiệm. Cái duyên của Trần Đức tiến là ở chỗ đó và nó là điểm mấu chốt của tác phẩm. Đọc Một cuộc phỏng vấn chúng ta thấy Trần Đức Tiến dựng truyện thật khéo léo, nhà văn biết chớp lấy cái “khoảnh khắc”, “cái chốc lát” (cái mà chúng ta thống nhất gọi là “tình huống”) trước lúc cặp tình nhân Phùng và Miên chia tay nhau,

cuộc chia tay mà mỗi người “chưa ai dám chắc đến lần gặp sau”. Trong đời của mỗi người có “những phút làm nên lịch sử” là thế, chỉ vẻn vẹn có hai giờ đồng hồ để họ trút cho nhau tất cả tình cảm của cả đời người nén dồn lại mấy chục năm, để sau đó cô nhà báo Miên sẽ quay về với chồng con, còn Phùng thì cũng về với cái “hang ổ” của mình. Người đàn ông tên K trong truyện Mưa núi cũng đã bất chợt gặp người đàn bà điên câm trong cơn mưa núi, họ đến với nhau như một bản năng nguyên thủy khiến cho “cảm giác phạm tội cùng một thoáng ghê tởm biến đâu mất”. Và cuối cùng cái hình ảnh như khắc như chạm của người đàn bà câm với “tấm thân tươi tốt, căng đầy sinh lực, sáng lên mờ mờ trong bóng tối tỏa ra từ khu rừng” đã làm dấy lên trong lòng K một “niềm vui sướng hoàn toàn mới lạ”. Đọc truyện ngắn Trần Đức Tiến chúng ta còn bị ám ảnh bởi cái “không khí Liêu trai”, cái không khí của những câu chuyện mang màu sắc lúc thì kinh dị (Thiếu phụ răng đen), lúc thì kì ảo (Chuông chùa Bạch Vân), lúc thì ma mị (Mưa núi, Thiên đường chớp mắt), lúc thì hoang đường (Cõi tục)… Những câu chuyện bịa y như thật đó lúc nào cũng như “những câu hỏi treo lơ lửng trong đầu. Ma ma người người, hư hư thực thực, chẳng biết lối nào mà lần” (Thiếu phụ răng đen). Đúng là “cõi người ta” trong truyện ngắn Trần Đức Tiến là một “mảnh đất lắm người nhiều ma”. Chúng ta đang sống trong một thế giới ảo, vì thế lằn ranh giữa “thực” và “hư” là hết sức mong manh.

Ngoài ra nhà văn còn sử dụng cách kết thúc để ngỏ dành cho độc giả cùng suy ngẫm và chiêm nghiệm. Cách kết thúc truyện Khối u, với một dòng tin nhắn của cô bồ trẻ đẹp gửi cho Hắn: “Anh ơi em ướt hết rồi”… gây cho người đọc sự khó hiểu. Có thể, coi đây như một cơn gió lạ thổi mát cuộc đời ngột ngạt của hắn. Cũng có thể coi, đó là “một chút mặt trời trong nước lạnh”. Hoặc cũng có thể coi là một giễu cợt của hoàn cảnh bi hài đang đùa giỡn với Hắn. Lỏng và tuột lại kết thúc “nửa tiếng sau ở nhà hàng Con Lừa, giữa những người đồng hương xa lạ, y giật mình phát hiện ra khóa quần vẫn mở…” [64;16]. Phải chăng nhân vật Y đang lo sợ giật mình vì

mọi thứ có trong tay đang tuột dần? Hay phát hiện ra các mối quan hệ trong xã hội của mình đang dần lỏng và thậm chí là tuột. Nhà văn sử dụng kết thúc truyện như bỏ dở, như muốn nhấn mạnh, mỗi người trong chúng ta phải thận trọng khi đưa ra những phán quyết sáng suốt có tính quyết định về cuộc đời mình. Tuy nhiên những cách kết thúc của Trần Đức Tiến trong tập truyện ngắn Lỏng và tuột, mang lại chúng ta một niềm lạc quan về cuộc sống và con người thời đại hiện đại hóa: “Phùng mỉm cười, ứa nước mắt” (Một cuộc phỏng vấn), hay “một niềm vui sướng hoàn toàn mới lạ, bí mật tràn ngập tâm hồn K” (Mưa núi)… Thậm chí ngay cả đến cái kết bị coi là tục như trong truyện Khối u, khi tiếng cười thư giãn bật lên bởi một cái tin nhắn trên màn hình máy điện thoại di động, cũng có tác dụng như một “phép vệ sinh tinh thần” cần thiết cho mỗi người trong một đời sống quá nhiều áp lực và “stress” như hiện nay.

Nhìn chung, cốt truyện trong tập truyện Lỏng và tuột đơn giản, truyện không có truyện nhưng cách kể và dựng truyện lại độc đáo lối cuốn người đọc. Từ những chi tiết đầy rẫy xung quanh cuộc sống hàng ngày nhưng dưới bàn tay nhào nặn của Trần Đức Tiến câu chuyện trở nên phong phú sinh động. Ở từng truyện người đọc như được thấy, “soi” được con người khuất lấp bên trong - con người mà bấy lâu nay chúng ta đang muốn dấu nó đi, cho nó chìm vào thế giới của ảo tưởng - thế giới mộng.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Trần Đức Tiến nhìn từ thể loại (Qua khảo sát tập Lỏng và Tuột) (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w