3.2.2.1. Ngôn ngữ đời thường
Văn học thời kì 1945 - 1975 với cảm hứng sử thi bao trùm, ngợi ca cái cao cả, cái tốt đẹp, cái hào hùng cái siêu phàm, cái hoàn hảo. Để phù hợp với nội dung biểu đạt, ngôn ngữ văn học giai đoạn này lựa chọn ngôn ngữ đầy chất thơ, đẹp đẽ, trang trọng, mực thước và được mỹ lệ hóa.
Sau 1975 con người trở về với hiện thực muôn mặt của cuộc sống đời thường, văn học cũng nhạt dần tính sử thi và tăng dần tính tiểu thuyết. Cảm hứng thế sự giai đoạn này đòi hỏi ngôn ngữ phải thay đổi. Văn chương giờ đây không né tránh cái xấu, cái ác, những mặt tối, những mặt khuất lấp của hiện thực nữa, mà nhu cầu được “nói thẳng”, “nói thật”, những mặt phức tạp, bê bối nhức nhối của đời sống là cao hơn bao giờ hết. Ngôn ngữ văn xuôi giai đoạn này bắt đầu “bớt đi vẻ trang trọng, ít du dương, ít rào đón mà gần gũi với đời thường, chân thật trong giọng điệu, thô nhám trong từ ngữ” (Nguyễn Thị Bình), ngôn ngữ trở nên góc cạnh, nhiều sắc thái đời thường, thô nhám xù xì, nhiều thành phần ngôn ngữ khác như “nói mỉa”, “nói ngược” với những chất sâu cay, khắc khổ của đời sống được bổ sung thêm.
Tập truyện ngắn Lỏng và tuột viết về những con người nằm trong vòng xoáy của quá trình đô thị hóa, con người luôn ý thức được mình là ai và sâu thẳm trong tâm hồn họ là một khao khát, một nhu cầu tâm sinh lí rất con người. Hơn hết là cuộc sống hiện thực đầy rẫy quanh ta được nhà văn góp nhặt thổi hồn vào tác phẩm trở nên sinh động giàu chất nhân văn. Ngôn ngữ văn chương của Trần Đức Tiến không phải thứ ngôn ngữ mượt mà, trong sáng, đầy lí tưởng mà là thứ ngôn ngữ đời thường của con người trí thức luôn cảm thấy bức bối khó chịu khi gánh trên vai một các mác quá lớn, và luôn cảm thấy không được tự do phát ngôn ra những điều mình cần.
Phùng trong Một cuộc phỏng vấn không thể kiềm chế được cảm xúc đành nói ra một sự thật hết sức trần trụi “Anh rất thèm được ngủ với em” [64;12].
Hắn của Lỏng và tuột “say bò ra nhà, say đái ra quần”. Hay thậm chí “mấy giọt nước tiểu còn lại són ra chiếc quần lót”. “Mảng quần lót còn dinh dính vào háng. Đó là những miêu tả chân thực đến trần trụi của nhà văn về đời sống sinh hoạt đời thường của con người.
“Không xác định được nhiêu phần trăm vì chuyện mua bán, bao nhiều phần trăm vì cặp vú thả rông như hai con thú nhởn nhơ. Một bộ ngực tự do như vậy không hiểu sẽ bùng nổ theo cách nào, nếu được đánh thức” [64;52]. Nhà văn sử dụng ngôn ngữ miêu tả sinh động cơ thể người phụ nữ qua cái nhìn thèm khát của nhân vật Hắn (Thiên đường chớp mắt).
Để miêu tả bộ phận sinh dục nam nhà văn không ngần ngại đưa vào tác phẩm ngôn ngữ rất đời thường “Hắn chưa kịp nghe ngóng xem nó là cái gì thì trong đũng quần lại xảy ra chuyện phiền toái khác. Nóng. Vướng. Tức bụng nhưng không phải mót đái” [64;70] (Chuông chùa Bạch Vân).
Hay tả hành động của bức tượng Đức Ngài (Cõi tục), Trần Đức Tiến nói một cách bụi bặm “đứng gân cốt ra như thế suốt ngày này qua ngày khác thì cũng mỏi và mót bỏ mẹ” [64;218].
Trần Đức Tiến có một lối viết khá táo bạo: “Hắn kinh ngạc sung sướng, ngất lịm đi khi bụng dưới thót lại trong cảm giác dịu dàng khôn tả, rồi từng đợt tinh dịch phun trào, đẫm nóng như phún thạch, loang ra khắp bụng và từ từ chảy xuống háng” [64;74]. Không những vậy, trong tập truyện Lỏng và tuột xuất hiện những trang tả thực đầy bất chấp: “Dài như một con cá mực! Hắn trố mắt, thầm kêu trong đầu khi ả vừa kéo tuột cái quần sịp xuống. Bàn tay túm chặt thằng bé của hắn từ từ nới ra” [64;76] (Chuông chùa Bạch Vân). “Vết nhựa xoài dính trên vú nàng. K chăm chăm nhìn vào chỗ đó hồi lâu. Rồi ông cúi xuống, chậm rãi thè lưỡi, liếm. Vết nhựa dần dần biến mất. K liếm rộng ra xung quanh” [64;23]
(Mưa núi). Đó là những từ ngữ “trần sì”, “trắng trợn”, “sù sì” được nhà văn đưa vào văn chương.
Trong Cõi tục nhà văn xâm nhập miêu tả những ý nghĩ của bức tượng trần tục: “Đứng gân cốt ra như thế suốt ngày này qua ngày khác thì cũng mỏi và mót bỏ mẹ”. Hay ở Chuông chùa Bạch Vân những phát ngôn của vị sư trụ trị không theo hướng nhà phật “Nam mô A di đà phật” mà giống như người bình thường “Hướng, hướng, hướng đi đâu? Đất nhà anh ở mặt phố thì làm nhà phải quay mặt ra đường, chứ chẳng lẽ lại quay đít ra đường à”. Thậm chí là còn tệ hơn khi văng tục nơi chốn “nhà chùa”, chốn linh thiêng “Con mẹ này lần sau lên chùa quần áo hớ hênh vừa vừa thôi. Xôi oản mày bày cả ra thế làm Phật nhà cụ rối trí.”
Có thể thấy, sự đối lập giữa bản chất và hiện tượng trong một chỉnh thể ngôn ngữ này rõ ràng là thứ ngôn ngữ góc cạnh - thứ ngôn ngữ của văn chương đương đại. Nhà văn không nhằm mục đích gây cười, phê phán… mà chỉ nhằm mục đích thể hiện sự mâu thuẫn giữa hiện tượng và bản chất của hiện thực đã đặt ra trong mỗi tác phẩm. Để từ đó tìm ra bản chất thật của con người, của cuộc sống hiện thực.
Vì vậy, ngôn ngữ trong tập truyện ngắn Lỏng và tuột là thứ ngôn ngữ gai góc, sắc nhọn ít được gọt dũa và trần trụi. Nó phản ánh đúng đối tượng được miêu tả, đúng hiện thực cuộc sống phức tạp, bề bộn nhiều chiều. Nó đi sâu vào những mảng khuất lấp ở mỗi con người một cách trực diện không kiêng nể, không né tránh sự thật hay phải sợ sệt. Và dường như khi soi mình vào mỗi nhân vật chúng ta lại tìm ra cho mình một bản ngã chân thực. Với lối nói kiểu đời thường này, Trần Đức Tiến đã góp phần tái hiện chân thực bức tranh của đời sống với một gam màu lạ, thể hiện được sự đa dạng và sống động của cuộc sống.
3.2.2.2. Ngôn ngữ đối thoại
Đối thoại là một hình thức ngôn từ, một phương tiện thể hiện mối liên hệ giữa các nhân vật. Thông qua đối thoại, để nhà văn bộc lộ tính cách,
phẩm chất cũng như bản chất xã hội của con người. Nhà văn không áp đặt tư tưởng của mình cho nhân vật. Gia tăng tính đối thoại và sự cọ xát giữa các nhân vật, nhà văn tạo ra môi trường thuận lợi để nhân vật tự bạch, tự nói lên nguyên tắc sống và ứng xử của mình. Đối với truyện ngắn Trần Đức Tiến sử dụng ngôn ngữ đối thoại là để con người xích lại gần nhau về mặt tâm hồn cũng như thể xác, và quan trọng là để cho mọi người nghĩ tình dục cũng là một vấn đề có văn hóa. Ngoài ra nó còn là nhu cầu giao tiếp của mỗi người. Cuộc đối thoại giữa Miên và Phùng trong Một cuộc phỏng vấn :
“Nói gì bây giờ?
Anh thích nói gì thì nói.
Thế có những cái không đợi phải hỏi?... Thôi nói đi” [64;10]. Bên cạnh đó còn có những câu hỏi Miên dành cho Phùng: “Thưa ông, ông có thể vui lòng cho bạn đọc biết một ngày làm việc của ông thường bắt đầu như thế nào?” [64;10]. Hay “ông có bao giờ nói ra những sự thật tăm tối, khuất lấp trong chính con người mình” [64;14]. Những câu hỏi đó khiến cho người đọc phải suy nghĩ một cách thấu đáo và nghiêm túc về lẽ sống và lối sống của con người thời hiện đại.
Hay cuộc đối thoại của hắn với tay bác sĩ trong Khối u:
“Không có gì lạ. Tim gan phèo phổi ngon lành. À à … có một hòn sỏi! Ở đâu?
Mật. Sỏi mật à Sỏi mật …….
Nhưng tôi đau ở sườn bên trái ? Có cái gì ở bên đấy đâu?
………
Chính xác là một khối u
Tưởng gì! khối u thì anh nào chẳng có. Này thì u này!” [64;89]
Qua đoạn đối thoại này, chúng ta nhận thấy tình trạng đạo đức của con người nhất là đội ngũ y bác sĩ xuống cấp một cách nghiêm trọng, đau chỗ này nói chỗ khác, gãy chân trái thì đè chân phải ra bó bột. Con người giống như một sinh vật đưa ra dùng để thí nghiệm.
Và cũng có những cuộc đối thoại mang tính gượng ép xã giao, hai người nói chuyện với nhau nhưng mỗi người lại theo đuổi ý nghĩ riêng.
Cuộc đối thoại giữa “Y” và Lão vòi nước trong truyện ngắn Lỏng và tuột: “Anh uống gì?
Thế cậu uông gì? Em kêu rồi cà phê đá.
Cho tớ li bưởi ép” [64;108].
Trong lúc cả hai người chờ đợi nước uống, Y không tìm đâu ra câu hỏi nào hay hơn, có ý nghĩa, Y đành phải hỏi:
Uống cà phê buổi tối mà anh không sợ mất ngủ hả à?
Tớ dùng cà phê buổi sáng thì đến đêm mất ngủ. Còn dùng buổi tối thì đến sáng hôm sau mới thấy tỉnh như sáo” [64;108]
Ngoài ra, ở ngôn ngữ đối thoại của tập truyện ngắn Lỏng và tuột còn có ngôn ngữ của người câm. “Ây!Ây!Ây!Ây! Toàn thân K, cuồn cuộn, nhịp nhàng chuyển động. Ông buột miệng thốt lên những âm thanh của người câm. Ây!Ây! Ây!.. Nàng cũng hưởng ứng bằng giọng lanh lảnh (Mưa núi), ngôn ngữ thể hiện sự bất lực của nhân vật trong cuộc sống thực lẫn cuộc sống ảo, bất lực trước việc thay đổi cuộc sống hiện thực, dẫn đến bị luẩn quẩn trong vòng tròn ảo tưởng do mình tạo ra. Hay: “Một Con điếm! Tôi giật mình, kinh ngạc nhìn gương mặt M đang trắng bệch ra. Cậu bảo gì? Tớ nói: con bé ấy là một con điếm! (Đi bộ và chạy).
Ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn của Trần Đức Tiến được cá thể hóa sâu sắc. Nhiều lớp từ mới được hình thành, quan niệm về lời nói cũng được bổ sung nhiều sắc thái biểu cảm mới. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, những trạng thái tâm lí của con người có chiều sâu và hiện thực cuộc sống được cụ thể hóa, sống động hơn. Có thể thấy ngôn ngữ đối thoại trong tập truyện Lỏng và tuột là một thứ ngôn ngữ vô cảm. Con người đang mải mê tìm kiếm tình người, tình dục, chạy theo thế giới hư ảo mà dần quên đi thế giới thực tại. Thông qua ngôn ngữ đối thoại Trần Đức Tiến muốn nhấn mạnh, tất cả các mối quan hệ của con người luôn cần được quan tâm chia sẻ, cảm thông, nếu không các muối quan hệ đó sẽ lỏng ra và dần “rụng” hết, và con người sẽ chết dần chết mòn trong cái thế giới ảo tưởng với nỗi cô đơn triền miên.
3.2.2.3. Ngôn ngữ độc thoại
Nếu như ngôn ngữ đối thoại là một cách miêu tả nhân vật trong sự đối mặt của nó với người khác, thì độc thoại là khu vực ngôn ngữ nhân vật để nhân vật tự nói với chính mình. Độc thoại trở thành thủ pháp nghệ thuật khi nhà văn diễn tả quá trình ý thức của nhân vật, cho phép đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm đầy bí ẩn và khó hiểu của nhân vật.
Độc thoại nội tâm thường gắn với kiểu nhân vật cô đơn luôn ý thức được mình, với những trạng thái tâm lí căng thẳng, mâu thuẫn, bất an... Trong Lỏng và tuột chúng ta nhận thấy các nhân vật “hăn”, “Y”, “tôi” - người kể chuyện và hình bóng cái tôi tác giả nhiều khi có sự trùng khít chuyển hóa cho nhau. Điều này khiến cho mạch tự sự như lời tự bạch của nhân vật. Trong Thiên đường chớp mắt nhân vật hắn lý giải về việc mua bán nhà. Hắn chưa bao giờ nghĩ đến việc phải mua nhà vì từ lâu hắn tin ở số mệnh “con người ta có số cả. Đến vận khắc lên”. Và cũng bởi một lí do, những người sống trong khu tập thể cơ quan hắn trước đây cũng không hề lăn tăn, suy nghĩ bon chen “Một dãy nhà cấp bốn chung vách chung tường. Mái chung. Cống tiêu nước chung. Dãy hành lang chạy thông thống từ nhà
nọ qua nhà kia. Chủ nhật mọi người hè nhau làm vệ sinh, dọn hô ga, giặm lại mái ngói… Cho đến khi từng căn hộ được hóa giá, biến thành nhà riêng của từng người”. Và mọi thứ bổng chốc thay đổi, con người trở nên xa lạ với nhau “hành lang xây bít lại. Cổng rào dây kẽm gai”, thậm chí nhà nào sống biết nhà đó. Con người trở nên ích kỉ nhỏ nhen “đóng cái đinh trên tường thì như đâm, như thọc vào óc hàng xóm. Một đứa trèo lên mái nhà sửa ăng ten ti vi, mười đứa đứng dưới lấm lét canh chừng sợ bị thay ngói. Láng giềng chỉ chực phá hoại hay làm gián điệp”. Khi cuộc sống thay đổi kéo theo đó là con người thay đổi. Con người trở nên nhỏ nhen, ích kỉ đến tầm thường. Bên cạnh đó là những cuộc độc thoại nội tâm về những khao khát dục vọng của nhân vật. Vừa gặp cô gái chủ nhà hắn nghĩ ngay đến việc mình sẽ lên giường và “cô ả đó hoàn toàn thuộc về hắn”.
Ở Lỏng và tuột nhân vật hắn mãi mê suy nghĩ về những cuộc điện thoại hay các cuộc tình chớp nhoáng. Y luôn sống trong kí ức về các cô gái đã đi qua, nhưng đọng lại vẫn là cái tên Lê Thị Kim Yến. Nhà văn cho nhân vật độc thoại nội tâm bằng những giấc mơ “Y vẫn ngỡ rằng mình chưa ra khỏi cơn mơ”. Y vẫn cố nhớ, hình dung ra Kim Yến là ai, hắn thấy thấp thoáng ở đâu đó nhưng không hình dung ra cụ thể: “Nàng khoảng bốn mươi. Một viên chức nhà nước hẳn hoi thậm chí còn là một viên chức nhà nước ở một cơ quan sang trọng” [64;114]. Với ngôn ngữ độc thoại của nhân vật, Trần Đức Tiến đã cho chúng ta thấy đời sống chán ngắt, tẻ nhạt, vô vị của một anh trí thức nhà nước, nhưng lại luôn khao khát một cuộc sống đích thực.
Độc thoại nội tâm vốn là một khu vực ngôn ngữ nhạy cảm và thoải mái nhất để nhân vật tự nói lên tâm tư, suy nghĩ tình cảm, khát vọng của mình. Nếu như đối thoại là những lời hô đáp nhau khó cho thấy hết bề sâu tâm hồn và bản chất của con người thì độc thoại nội tâm là việc tổ chức những tiếng nói khác nhau trong tác phẩm một cách dễ dàng nhất. Để cho nhân vật chìm sâu vào thế giới của riêng mình, Trần Đức Tiến đã xây dựng
nhân vật có nhiều trải nghiệm về đời sống tình dục, về các mối quan hệ trong xã hội, để nhân vật tự bộc lộ bản chất con người thật. Thông qua ngôn ngữ độc thoại, tác giả muốn nhấn mạnh: con người luôn tồn tại trong hai mặt, mà ranh giới của nó như một tờ giấy trắng, chỉ cần “lỏng” đi một tý là “tuột”, là biến mất, là nhòe nghĩa. Vì thế, ranh giới giữa tốt và xấu, giữa thực và ảo lẫn lộn không thể phân định rõ ràng. Mọi giá trị trở nên mờ nhòe mà con người không sao hiểu được. Bởi vì thế, con người ta trở nên cô đơn, muốn trốn chạy vào thế giới ảo - thế giới của sex: “K từ tốn vùi mặt vào mớ tóc rối bù của nàng, hít một hơi thật sâu mùi tóc hôi khét. Thần kinh ông giãn dần. Cảm giác phạm tội cùng một thoáng ghê tởm biến đâu mất. Những người đàn bà ngẫu nhiên chập chờn hiện ra trong đầu ông. Từ khi nào chẳng rõ, điều đó đã trở thành thói quen - một thói quen không cần rào đón” (Mưa núi). Con người vô tình đã tạo cho mình một thói quen xấu - thói quen tham của lạ, và nó càng ăn sâu chi phối đến đời sống tinh thần, khiến cho con người cảm thấy bế tắc, cô đơn và lao theo như con “thiêu thân” mong có thể tìm thấy một niềm an ủi, để thay đổi cuộc sống thực tại vốn nhàm chán, rời rạc. Nhưng điều đó lại không xảy đến với họ: “Cái đầu rụng tóc, trơ ra mảng da trắng hếu. Quái quỷ! Đấy chính là đầu vợ K… Ông rùng mình mở choàng mắt” (Mưa núi).