Trần Đức Tiến sinh ngày 02 tháng 05 năm 1953, quê ở làng Cao Đà - xã Mỹ Nhân - huyện Phủ Lý - tỉnh Hà Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 1975, sống và làm việc ở Hà Nội từ năm 1970 đến năm 1986. Cuối năm 1986 thì ông chuyển vào sống ở Vũng Tàu, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, ông còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996, và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8, Trưởng ban công tác nhà văn khu vực miền Đông Nam Bộ.
Văn chương là con đường không phải dễ dàng. Có người đánh cược cả cuộc đời mình với trò chơi chữ nghĩa, trĩu nặng hai vai từ khi còn quẫy đạp trong nôi cho đến khi nằm yên dưới mồ như một chiếc nôi úp lại, khép kín cuộc đời, mà vẫn chưa hiểu luật chơi. Cũng có người do số phận đưa đẩy đến với văn chương, sách viết ra có thể xếp cao ngang ngực, nhưng hóa ra chỉ toàn chữ chứ chẳng thấy văn chương đâu, cuối cùng phải ngậm ngùi vì lực bất tòng tâm. Nhưng cũng có người, số này ít thôi, mới ấn nhẹ tay vào cánh cửa văn học, thì lập tức có văn, trở thành nhà văn được mọi người chú ý. Trần Đức Tiến là một trong những trường hợp hiếm hoi đó. Văn chương đến với ông giống như một duyên
nợ, ông coi nó “không sang trọng hơn bất cứ nghề chân chính nào trên đời, vẫn luôn là một trong những nghề cực nhọc nhất. Nó tạo ra khoái cảm nhưng đồng thời cũng hành hạ người ta đến cạn kiệt, đến dằn vặt mất ăn mất ngủ”.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nam, nhưng phần lớn cuộc đời mình Trần Đức Tiến lại sống và viết ở Vũng Tàu. Mảnh đất có biển, có nắng, và gió ấy đã trở thành nơi ra đời cho nhiều tác phẩm văn học của ông. Không giống như các nhà văn khác khi sự nghiệp văn chương bắt đầu có dấu hiệu rực rỡ, ông lại bỏ Hà Nội, bỏ đất Bắc vào thẳng Vũng Tàu chốn phồn hoa về du lịch thời cả nước đói kém. Ở nơi mọi thứ đẹp hoàn hảo, ồn ào náo nhiệt và vô vàn hấp dẫn thì cứ để trầm tư, mặc tưởng thỏa sức sáng tạo của người cầm bút. Thông thường, khi mới sống ở một vùng đất mới con người bị ngợp rồi dần tan biến vào không khí xa lạ hoặc phải mất rất nhiều thời gian mới hòa nhập mình với cuộc sống, với văn hóa của vùng đất đó. Vậy mà, Trần Đức Tiến lại vượt qua nhanh đến vậy. Bởi trong ông cái nguyên khối văn hóa Bắc Bộ, văn hóa vùng Sơn Nam Hạ thâm trầm, bí ẩn - nơi sản sinh ra hàng chục cây bút tiêu biểu của văn học nước nhà như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nam Cao… đã ăn sâu vào trong “huyết quản”.
Trong giới văn chương, Trần Đức Tiến được xem là người có duyên với các cuộc thi. Ông sở hữu bộ sưu tập hàng chục giải thưởng như: giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1987 và 1980), giải nhất truyện ngắn báo Người Hà Nội (năm 1986), giải nhất cuộc thi tiểu thuyết và truyện ngắn của Nhà xuất bản Hà Nội (năm 1993), giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 2004), giải nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục - Đào tạo (2005), giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức...
Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có: Linh hồn bị đánh cắp (tiểu thuyết, 1990 - in lại 2006), Bụi trần (tiểu thuyết, 1992 - in lại 2004, 2006), Bão đêm (tập truyện ngắn, 1993), Mười lăm năm mưa xói (tập truyện ngắn, 1997), Tuyệt đối yên tĩnh (tập truyện ngắn, 2004), Lỏng và tuột (tập truyện ngắn, 2010), Vương quốc vắng nụ cười (tập truyện thiếu nhi, 1993), Dế mùa thu (tập truyện thiếu nhi, 1997), Thằng Cúp (tập truyện thiếu nhi, 2001), Làm mèo (truyện vừa thiếu nhi, 2003), Trăng vùi trong cỏ (tập truyện thiếu nhi, 2006)…
Như vậy, trong quá trình sáng tác văn chương, số lượng truyện ngắn của ông tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho bạn đọc để mắt tới. Truyện ngắn của ông có giá trị về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Nó được giới phê bình đánh giá rất cao trong tìm tòi đổi mới thi pháp mới. Và quan trọng hơn nó mang về cho ông nhiều giải thưởng có giá trị quan trọng, giúp ông ghi tên mình vào đội ngũ nhà văn Việt Nam trong tiến trình vận động của văn chương đương đại.