2.2.1.1. Nhân vật và vai trò của nhân vật trong truyện ngắn
Nghệ thuật là một sự ý thức về đời sống, nên nó hướng về đối tượng trung tâm với một đặc trưng rất cụ thể. Để phân biệt với triết học, lịch sử hay chính trị về con người… thì văn học lại nhận thức con người như một chỉnh thể sinh động toàn vẹn trong các quan hệ đời
sống. Đó là những con người đáng yêu thương, đáng trân trọng hay đáng căm thù, đáng được cảm thông hay đáng được lên án. Con người trở thành trung tâm của các quan hệ xã hội được phản ánh trong văn học. Và văn học lấy con người làm đối tượng miêu tả chủ yếu, dựa vào con người để nhìn ra toàn thế giới. Bởi hiện thực trong văn học là hiện thực được miêu tả qua cái nhìn của con người. Con người trong đời sống và con người trong văn học là những trung tâm giá trị, sự kiện, kinh tế, chính trị - xã hội và trung tâm kết tinh của các kinh nghiệm quan hệ. Mọi sự vật, hiện tượng đều được nhìn qua con mắt của nhân vật và người trần thuật. Vì vậy nhân vật là hạt nhân trung tâm trong tác phẩm tự sự, là con người được miêu tả bằng phương tiện văn học. Nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác. Nhân vật không chỉ bộc lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Thành bại của một đời nhà văn, của một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật”.
Theo Từ điển văn học: “Nhân vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, tiêu điểm để bộc lộ chủ đề và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa” [22;202]. Nhân vật là hình tượng nghệ thuật về con người “một trong những dấu hiệu về sự tồn tại của con người trong nghệ thuật ngôn từ [27;249]. Bất cứ tác phẩm văn học nào tồn tại cũng không thể thiếu nhân vật. Nhân vật văn học là con người được các nhà văn miêu tả và sáng tạo trong tác phẩm bằng phương tiện ngôn từ.
Trong văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó miêu tả thế giới một cách hình tượng. Bản chất văn học là mối quan hệ với đời sống, nó chỉ tái hiện đời sống qua những chủ đề nhất định đóng vai trò như một tấm gương cuộc đời. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu
biết những ước ao và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó. Nói cách khác nhân vật là phương tiện để khái quát hiện thực, tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng.
Nhân vật văn học có ý nghĩa quan trọng giúp người đọc hiểu rõ tính cách đa dạng khác nhau trong xã hội loài người. Trong Nghệ thuật thi ca, Aritot viết: “Tôi hiểu tính cách là cái lí do mà chúng ta gọi nhân vật bằng một cái tên nào đó. Nhân vật sẽ là có tính cách, nếu trong lời nói hay hành động bộc lộ một huynh hướng ý chí nào đó, bất kể nó tốt xấu như thế nào” [39;64]. Tính cách được hiểu là đặc điểm của nhân vật, khuynh hướng xã hội và quy luật hành động của nhân vật. Những nhân vật được khái quát nổi bật những tính cách có ý nghĩa phổ biến sâu xa là những nhân vật điển hình. Nhưng ý nghĩa của nhân vật lại không chỉ thể hiện ở tính cách. Vì mỗi tính cách là kết tinh của một môi trường, cho nên nhân vật còn là người dẫn dắt ta vào một thế giới đời sống. Việc tìm ra nhân vật mới bao giờ cũng là chìa khóa mở rộng các mảng đề tài mới. Bên cạnh vai trò khái quát tính cách và các mảng đời sống gắn liền với nó, thì nhân vật văn học còn giúp tác giả thể hiện quan niệm về tính cách và tư tưởng trong tác phẩm. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện một tư tưởng, một cái nhìn, về cuộc sống.
Nếu không có nhân vật nhà văn không thể tái tạo được cuộc sống “muôn hình vạn trạng”. Nếu không có nhân vật, nhà văn không thể khái quát được quy luật cuộc sống của con người. Do đó có thể xem nhân vật là một yếu tố then chốt của tác phẩm tự sự. Một tác phẩm có thể không có cốt truyện hay cốt truyện đơn giản nhưng không thể không có nhân vật. Tuy nhiên, nhân vật trong đôi mắt của mỗi nhà văn không bao giờ giống nhau. Trong mỗi tác phẩm loại hình nhân vật bao giờ cũng rất phong phú đa dạng: có nhân chính, có nhân vật phụ, có nhân vật loại hình, nhân vật lí tưởng mà tác giả muốn đề cập đến.
Tóm lại, nhân vật chính là linh hồn của mỗi tác phẩm văn học, là người dẫn dắt người đọc đi vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định. Với nhà văn, nhân vật vừa là đơn vị nghệ thuật mang tính ước lệ, vừa thể hiện quan niệm nghệ thuật nhưng đồng thời thể hiện ý đồ, tư tưởng và giá trị nhân văn của thời đại. Và nó còn là yếu tố hàng đầu của tác phẩm, làm nên phong cách của mỗi nhà văn, thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn trên hành trình sáng tạo nghệ thuật.
Nhân vật của truyện ngắn thường hiện thân cho một quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Nếu nhân vật trong tiểu thuyết là cả một thế giới nhân vật thì nhân vật trong truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới nhân vật đó. Do dung lượng có hạn nên hệ thống nhân vật trong truyện ngắn không nhiều như ở tiểu thuyết. Nhưng không phải vì thế mà nhân vật truyện ngắn không chuyển tải được quan niệm nghệ thuật cũng như lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Nhà văn Vũ Thị Hường - người chuyên viết truyện ngắn cũng cho rằng: “Truyện ngắn sống bằng nhân vật. Điều tối quan trọng là nhân vật ấy phải có hồn và đấy là yếu tố để phân biệt nhân vật này với nhân vật khác. Nó cũng là tiêu chuẩn cơ bản để nhà văn lựa chọn chi tiết”. Bởi vậy, truyện ngắn không thể thiếu nhân vật, là phương tiện để nhà văn chuyển tải thông điệp của tác phẩm và tìm tòi những nét mới của thể loại trên phương diện thi pháp.
2.2.2.2 . Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn
Nhân vật là yếu tố cơ bản thuộc hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Vì thế văn học không thể thiếu đi nhân vật bởi đó là hình thức cơ bản để miêu tả thế giới một cách hình tượng. Tài năng của nhà văn đều gắn liền với nhân vật mà họ tạo nên. Vì vậy, “nói đến nhân vật là nói đến con người được miêu tả thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học” [27;277].
Trong văn học, nhân vật được biểu hiện rất phong phú. Đó là những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh… hay các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ Dì ghẻ… có nhân vật là người tốt, có nhân vật là người xấu, cũng có nhân vật trung lập cả tốt lẫn xấu ở trong con người… Họ đều là những biểu hiện đa dạng một cách ước lệ về đời sống và con người. Đôi khi nhân vật lại hiện ra đầy đủ các đặc điểm như ngoại hình, tính cách, hành động… nhưng cũng có khi lại chỉ tồn tại dưới dạng cảm xúc tâm trạng. Có lúc là các nhân vật nguyên mẫu, có lúc chỉ là tưởng tượng hư cấu của nhà văn. Vì vậy, nhân vật chính là yếu tố nghệ thuật nhằm khái quát những quy luật cuộc sống và con người.
Nếu như nhân vật truyền thống được xây dựng bằng những chi tiết sự kiện, bằng hành vi ứng xử trước hoàn cảnh, thì văn xuôi ngày nay chú trọng đến tâm lý. Trong văn học kháng chiến trước 1975, nhân vật thường được xây dựng dưới ánh sáng sử thi và cảm hứng lãng mạn nên nhân vật thường hiện lên đẹp đẽ và lộng lẫy mang vẻ đẹp lý tưởng, nhằm ca ngợi cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi chủ nghĩa xã hội. Vì thế, nhân vật trong truyện ngắn ít được khắc họa kỹ về đời sống nội tâm, không gian đời tư bị nhà văn thu hẹp. Về cơ bản con người trong văn học trùng khít với con người xã hội và thực hiện tốt những nhiệm vụ mà xã hội giao phó.
Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, nhờ cơn gió lành của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, đời sống văn học có nhiều thay đổi, quan niệm về con người thay đổi, đòi hỏi phải xây dựng những chân dung văn học mới. Với tư duy tiểu thuyết và của hiện thực đời sống, con người không còn là minh họa đơn giản một chiều cho những tư tưởng và lợi ích chung của cả dân tộc. Con người trở về đúng nghĩa của nó, con người cá nhân được xem xét với những chiều sâu mới, con người biết day dứt trăn trở, biết sung sướng, biết thỏa mãn, biết trục lợi, cơ hội… Có phần thiên thần xen lẫn ác quỷ, lương thiện và độc ác,
cao cả và thấp hèn. Con người chứa đựng một đời sống nội tâm phong phú, phức tạp và khó nắm bắt. Viết về con người mới đã thôi thúc nhà văn ý thức rõ sự thay đổi về nhân vật văn học. Nhà văn tập trung khai thác cảm hứng thế sự đời tư, đặc biệt quan tâm sâu sắc tới thế giới nội tâm để xây dựng nên hình tượng con người cá nhân trong đời sống. Nhân vật đã chuyển tải nội dung của đời sống làm nên sự phong phú của những trang văn chương. Văn xuôi sau 1975 khám phá con người trong chính bề sâu của nó với những hình thức khác nhau.