3.2.1. Giọng điệu và nghệ thuật tổ chức giọng điệu của tập truyệnLỏng và tuột Lỏng và tuột
Mỗi nhà văn đều có một giọng điệu riêng không ai giống ai. Nó làm nên cốt lõi sáng tạo của nhà văn và thành công cho tác phẩm. Nếu như mỗi người có một giọng nói riêng thì nhà văn cũng có một giọng điệu riêng để không lẫn vào ai, và khi đọc tác phẩm đó chúng ta biết đó là của ai. Trần Đức Tiến cũng vậy! luôn tạo dựng cho mình nét độc đáo ngay từ khi bước chân vào văn đàn. Ở Trần Đức Tiến người đọc nhận ra sự đa dạng hòa âm về giọng điệu đậm chất thẩm mỹ. Ông luôn tìm tòi, trau chuốt cho đứa con tinh thần độc đáo, đa thanh. Không chỉ với tiểu thuyết mà với truyện ngắn Trần Đức Tiến cũng không ngừng trăn trở cách viết, giọng điệu sao cho bắt kịp với lối viết của văn chương thế giới, nhất là trong thời kì hội nhập. Vì vậy, trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là “tập truyện ngắn Lỏng và tuột vừa ra mắt bạn đọc cho thấy anh đang nỗ lực tìm tòi cho mình một giọng điệu mới” [69].
3.2.1.1. Giọng trữ tình
Trần Đức Tiến luôn sử dụng những chi tiết động hơn là tĩnh, có các yếu tố li kì, ma quái nhưng không phải là để câu khách mà để con người đồng cảm với nhau, cũng như để nhận thức một hiện thực đến gai người về con người trong cuộc sống hiện đại.
Mặc dù không phải là nhà văn nữ nhưng giọng trữ tình vẫn là lựa chọn của Trần Đức Tiến. Nó thể hiện cái nhìn giàu cảm xúc của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước mọi đối tượng và số phận mà ông phản ánh. Chất trữ tình trong văn Trần Đức Tiến thể hiện qua những suy nghĩ, rung động tinh tế của đời sống nội tâm. Đọc truyện ngắn của ông, chúng ta nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống hiện đại mà con người đang bị cuốn vào vòng xoáy của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt là cách đối nhân xử thế trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Thiếu phụ răng đen là truyện ngắn được viết bằng giọng trữ tình. Giọng văn nhẹ nhàng của nhà văn khi kể về cuộc sống của những người đàn bà xấu số ở một vùng quê “heo hút” lúc còn sống mắc phải tội chửa hoang: “Con gái làng này vốn đẹp có tiếng. Eo thon, vai rộng, cổ cao. Nhưng đàn ông lại rặt một lũ đui què mẻ sứt. Có lẽ vì thế mà cái bản năng thèm yêu khát sống của các bà các cô bị dồn nén, đầy ứ, đến nỗi con trai làng khác cũng chẳng bén mảng qua đây vào những trưa vắng người. Đói thì ăn vụng… Bị lộ, một số chị em liều mình bỏ làng ra đi. Một số khác ở lại làng, không chịu nỗi nhục vì tai tiếng, đành tìm cách quên sinh. Cái thẻo đất thấp tè lạnh lẽo ở góc nghĩa địa ấy quanh năm hương tàn khói lạnh”. Số phận người phụ nữ luôn bị định kiến xã hội đè nặng, khiến cho cuộc sống của họ trở nên bi đát hơn bao giờ hết. Giọng văn như ứ lại, thương cảm cho số phận những người thiếu phụ đã chết, lại còn mang tai tiếng đến muôn đời. Những ngôi mộ của họ chỉ là cái thẻo đất thấp tè lạnh lẽo ở một góc nghĩa quanh năm hương tàn khói lạnh. Nó gợi cho chúng ta nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Du:
Đau đớn thay phận đàn bà Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Người phụ nữ trong truyện ngắn Trần Đức Tiến luôn khao khát được yêu ngay cả khi còn sống và đã chết đi. Đó là một nhu cầu bản năng của con người nhất là người phụ nữ. Giọng kể của Trần Đức Tiến không ủy mị thướt tha nhưng cũng khiến cho người đọc lắng lại, cùng suy ngẫm về một kiếp người, để có một cái nhìn cảm thông sâu sắc hơn đối với người phụ nữ trong xã hội xưa và nay.
Sắc giọng đằm thắm, trầm lắng được tác giả thể hiện rõ khi viết về những thói quen, những chi tiết nhỏ nhặt rất đời thường của nhân vật (Mưa ở V hay Đi bộ và chạy). Trong Đi bộ và chạy đơn giản chỉ là một câu chuyện tầm phào của hai người đàn ông về một cô gái đi trước, xen lẫn vào đó là những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày. Từ chuyện hỏi han nhau về sức khỏe, mọi vấn đề về đời sống dần dần được phơi bày bằng một giọng văn tâm tình, có một chút cảm thông. Với giọng điệu này, nhân vật bộc lộ các xúc cảm, suy tư về cuộc đời với tâm trạng của một con người từng trải. “Tôi cố nén thở dài. Những nhịp cầu mơ hồ… Không, quả thật chưa khi nào tôi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu. Giữ chân tôi lại, không hẳn là lòng nhát sợ, mà có lẽ chính vì cảm giác tuyệt vọng. Tôi luôn luôn tuyệt vọng trước một người đàn bà đẹp, cũng như trước tất cả những gì hoàn hảo, tuyệt vời. Tôi biết mình tầm thường, thô lậu và đầy khiếm khuyết” [64;199]. Bản thân mỗi con người luôn muốn thay đổi cuộc sống hiện thực nhưng lại bất lực sợ hãi. Bởi vì, cuộc sống hiện đại có quá nhiều sự nhá nhem, pha tạp, thật giả lẫn lộn, tốt xấu đan xen. Con người không thể phân biệt được đâu là thật đâu là giả, đâu là tốt đâu là xấu. Thậm chí một cô gái điếm mà họ cứ ngỡ đó là cô gái con nhà lành, và từng có nghĩ sẽ ngủ với cô ấy. Lúc nhân vật phát hiện ra điều đó, giọng văn của người kể chuyện trở trầm ngâm lắng lại, xót xa lẫn cay đắng. Nó khiến cho nhân vật tôi từ bỏ thói quen chạy bộ hàng ngày không phải vì lười nhác mà vì “sợ sự
nhạt nhẽo trong những câu chuyện giữa tôi và M, nhất là điều đó lại đến với chúng tôi vào lúc đầu ngày” [64;205].
Mỗi một câu chuyện trong tập truyện ngắn Lỏng và tuột là những điều nhỏ nhặt nhất xung quanh chúng ta, được nhà văn nhặt nhạnh thổi vào đó những luồng sinh khí làm cho câu chuyện cựa quậy trở nên sinh động, đưa đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc hơn về hiện thực cuộc sống đời thường. Cuộc sống hiện đại cuốn con người vào những guồng quay của nhịp sống hối hả. Vì vậy, cuộc sống của con người trở nên gấp gáp vội vàng. Vì thế, con người trở nên vô cảm, thờ ơ, xa lạ với mọi thứ xung quanh. Xập xèng là tác phẩm mà nhà văn đã dựa trên những âm thanh vang vọng trong không gian tĩnh lặng của màn đêm. Nhưng nó đã khái quát được cả một kiếp người sống “dưới đáy” của xã hội. Giọng kể của nhà văn đầy xót xa, cảm thông cho số phận những con người đó: một người đàn ông làm nghề tẩm quất, một cô gái điếm. Cuộc sống và công việc hàng ngày của họ qua giọng kể tâm tình của nhà văn càng hiện lên đậm nét: “Mỗi tối, tầm từ chín giờ trở đi, nó bắt đầu vang lên, thoạt đầu còn dè dặt, rồi dần dà trở nên tự tin hơn, lang thang qua những phố nhỏ ngõ vắng, đánh thức cơn nhức mỏi trong từng khớp xương, từng bắp thịt, giống như tiếng xực tắc của người bán bánh mì gõ đánh thức cơn đói muộn” [64;207]. Và đôi khi tiếng xập xèng bị đứt quãng như chính tiếng nấc của nhân vật về cuộc sống hiện tại. Đằng sau tiếng nấc ấy là những ước ao, thèm khát một cuộc sống đầy đủ ấp áp qua các ô cửa sáng đèn, hay đơn thuần chỉ là có một chút cảm thông chia sẽ những ấm áp đó. Chúng ta nhận thấy một điều, khi viết về những cô gái bán hoa giọng kể của nhà văn xót xa, thổn thức cho số phận của một kiếp người kiếm sống bằng thân xác. Một cái nghề “khốn nạn”, lúc thì “ế thiu ế chảy”, lúc thì “khách bu vào như đỉa đói”. Một cái nghề mạt hạng, cái nghề mua vui, làm trò chơi, đồ vật cho hết người này đến người khác dày vò, bóp nát, bầm dập cả một đời hoa. Bên cạnh đó, trong tác phẩm xen lẫn giọng trữ tình còn có giọng triết lý: “Xập xèng xập xèng. Đã
trót sinh ra đời thì phải cố mà sống”, nói lên sự bất lực của con người trước đời sống hiện thực. Một hiện thực ngổn ngang của xã hội hiện đại. Những con người làm cái nghề hèn kém ấy thường bị xã hội coi rẻ, khinh thường, hoặc coi như một thứ đồ chơi qua đường được miễn phí: “Cái thằng khách no rượu đói tình đang lảm nhảm kia bỗng như sực tỉnh, chuồn lẹ ra cổng, nhảy lên xe máy rồ ga phóng mất dạng”. Hay một công cụ xoa bóp miễn phí: “Hắn vội vàng lĩnh ra cửa, quên ngay cả đòi tiền”. Hắn không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ biết hắn bị người ta đuổi ra khỏi ra nhà, quỵt mất tiền công. Nhưng trên khuôn mặt hắn không buồn mà lại tủm tỉm cười. Tuy nhiên, đằng sau nụ cười ấy là một nụ cười xót xa, nhục nhã, ê chề cho số phận bạc bẽo, hẩm hiu. Bằng giọng văn tâm tình, nhà văn đã miêu tả chân thực cuộc sống của những con người thường hoạt động về ban đêm. Hiện thực cuộc sống được cắt lớp về sự tha hóa và phân rã. Thông qua giọng điệu trữ tình, nhà văn muốn nhấn mạnh một điều, đừng mặc danh nghề nghiệp với con người, bản thân con người khi sinh ra không ai chọn cho mình một gia đình, một nghề nghiệp hay số phận sướng - khổ. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn mọi người bằng đôi mắt thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia không phân biệt tầng lớp, địa vị trong xã hội. Đặc biệt, qua những con người trong Xập xèng tác giả đưa đến cách nhìn mới về con người dưới đáy của xã hội. Họ là những con người luôn ý thức về bản thân, nhưng số phận cứ trêu người họ, ai đã trót dấn thân theo cái nghề này thì khó lòng mà vùng vẫy ra được chốn nhơ nhớp ấy.
Với giọng kể trữ tình nhà văn mang lại cho người đọc một cái nhìn sâu sắc về những kiếp người trôi nổi trong xã hội hiện đại, mà chúng ta đang dần lãng quên đi sự có mặt của họ trên cõi đời này.
3.2.1.2. Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh
Khi viết truyện ngắn Trần Đức Tiến không có chủ định gây cười cho người đọc. Nhưng khi đọc lên chúng ta vẫn thấy phảng phất của lối viết hài hước, hóm hỉnh. Mỗi nhân vật là một số phận riêng biệt, dù ở họ có những
điểm chung mà không phải ai cũng nhận ra. Đó là những anh viên chức nhà nước, những cô gái điếm, sư cụ hay những cô gái không tên khác… và mỗi người đều chọn cho mình những cuộc chạy trốn nỗi cô đơn, chạy trốn cuộc sống hiện thực khác nhau. Tuy nhiên, ở đó giọng điệu của họ lại hài hước khác nhau, bởi mỗi một người là một thế giới tâm hồn riêng biệt.
Trong Chuông chùa Bạch Vân, giọng hài hước hóm hỉnh của nhà văn tập trung vào sư cụ trụ trì của nhà chùa. Bản thân sư cụ khiến cho người đọc bật cười khi có tiếng Mỹ Tâm cất lên nheo nhéo trong túi áo: “Ước gì cho thời gian trở lại. Ước gì ta đừng có giận hờn… Cụ thọc tay vào túi, móc ra con di động, bấm nút ok rồi quát sang sảng vào máy “Sáng mai! Sáng mai! Bảy giờ! Điếc à”. Giọng của cụ lại cười hề hề khi biết Biểu bị con yêu gốc me ấy lấy mất hồn. Có thể thấy, giọng của cụ thay đổi theo từng cung bậc cảm xúc lúc thì từ giọng điều hành, bảo ban, mở ngay túi tiền nhận tiền công đức rồi đột ngột chuyển sang giọng đau đớn, khó hiểu, phi lý, hãi hùng với “con yêu nữ” trẻ măng, treo cổ chết tức tưởi không rõ nguyên nhân, bị toàn bọn xì ke cắm nhầm ống chích vào bắp chân vì tưởng là thân cây. Cái chết của cô gái qua giọng kể của sư cụ nghe vừa hài hước nhưng sau cùng là tiếng thở dài xót xa cho một lớp thế hệ trẻ, cứ thấy bế tắc là tìm đến cái chết. Họ tự hủy hoại cuộc sống, tương lai, hạnh phúc trong tay. Họ “đùa với cái chết”. Hay thậm chí là “chết rồi vẫn còn đùa”. Còn trong Một cuộc phỏng vấn, một ông nhà văn Phùng ngủ với một cô nhà báo trong một cuộc tình khách sạn. Xen giữa những rung động thực của xác thịt là những lời lẽ giọng điệu giả cho một cuộc phỏng vấn: “Miên giãy lên nhõng nhẽo: Thế sao có những cái không đợi phải hỏi?..”
Ở Cõi tục, khi viết về nhân vật thần thánh sắc giọng của nhà văn hài hước mà không phải tôn nghiêm, thành kính. Hình ảnh Đức Ngài dưới con mắt của một ả điếm - Thúy Lảnh dáng vẻ tầm thường “hai chân chùng, lưng khom, hai tay thu bụng dưới”. Đức Ngài đang làm cái công việc giống như một người bình thường đó là “giải thoát ra khỏi cơ thể chất thải dưới
dạng nước”. Một “Đức Ngài” ban ngày là một con người uy nghi, oai phong, lẫm liệt là thế nhưng ban đêm lại trút bỏ thành một con người quá tầm thường: “Đứng gân cốt ra thế này thì cũng mỏi và mót bỏ mẹ” [64;218]. Cũng với giọng kể hài hước hóm hỉnh nhà văn lái người đọc vào câu chuyện lai lịch của pho tượng Đức Ngài. Bà Thảo Châu là người đã bỏ tiền ra để xây dựng pho tượng Đức Ngài - vốn xuất thân từ làm nghề bán sữa đậu nành. Và cô phất lên từ việc bán sữa đậu nành do có một bí quyết rất đặc biệt pha thêm vào sữa đậu nành một thứ “nước cốt đặc biệt” tiết ra từ “cặp vú chín mọng”. Vì thế, những ai đã trót uống sữa ở hàng cô thì không sao dứt ra được. Sau sáu tháng pho tượng được hoàn thành: “Đức Ngài hiện diện sừng sững ở giữa vườn hoa, đầu đội mũ gù, lưng mang gươm báu, trên mình chiến bào tung bay” [64;223]. Mọi người dân đều bàn tán về pho tượng, quy cho nó giống hết người này đến người khác trong bản danh sách đàn ông đã đi qua cuộc đời bà Thảo Châu. Nhưng rồi cuối cùng thiên hạ lại té ngửa: “Thì ra lâu nay mọi người cũng giống nhau đến thế mà không ai để ý” [64;223]. Đọc đến đây chúng ta có thể nhận thấy được nụ cười hóm hỉnh trên gương mặt nhà văn khi nhận xét bản chất bên trong sâu xa của con người. Lại nói về cô gái điếm Thúy Lảnh, sau khi được Đức Ngài tưới cho một ít nước thánh, cô trở nên đắt khách hơn. Tuy nhiên, Thúy Lảnh vẫn không quên sự kiện kỳ dị đó. Cô ta thông báo sự kiện giật gân cho tất cả mọi người. Tuy đây giống như một chuyện “tục tĩu” nhàm chán thường ngày nhưng “cái xã hội con con bao gồm những thân phận bần cùng này luôn sẵn lòng tin vào những điều mới lạ, bất ngờ, kể cả những điều hoang đường nhất, giống như quần chúng nông nổi tin vào những cuộc cách mạng hão” [64;225]. Giọng văn của tác giả từ chỗ hóm hỉnh hài hước chuyển sang giọng đả kích sâu cay. Và đặc biệt hơn nữa sau sự kiện này: “Một cuộc hội thảo khoa học lập tức được tổ chức. Tham gia hội thảo có các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia về văn hóa dân tộc, các học giả trứ danh, các điêu khắc gia tăm tiếng” [64;227]. Những
cuộc hội thảo diễn ra thường xuyên, những cuộc phỏng vấn, những bài báo ra gấp đôi ngày thường nhưng vẫn không thể lí giải về những bí ẩn của pho tượng. Và pho tượng Đức Ngài thì vẫn “trụ vững”, “hiên ngang như cũ lại được hưởng lộc vào các tuần rằm và mùng một, trong khi đó những người trong hội thảo khoa học đều không thể ở yên vị trí đó mà được cho về hưu. Có thể thấy, giọng kể của tác giả biến hóa đa dạng từ hài hước, hóm hỉnh, đến xót xa, lên án các giá trị đạo đức của con người và xã hội đang dần bị