viết, trong thi pháp. Đây là một thứ truyện ngắn được “trời cho”, giống như thứ nước tinh khiết chỉ có mỗi trời mới ban tặng cho con người. Lỏng và tuột là một tập truyện ngắn đặc sắc nhất trong hành trình sáng tác truyện ngắn của Trần Đức Tiến.
1.2.3. Lỏng và tuột - Thành tựu nổi trội về truyện ngắn của TrầnĐức Tiến Đức Tiến
Với độ dày hơn 217 trang, Lỏng và tuột của Trần Đức Tiến gồm mười lăm truyện ngắn, được nhà xuất bản Hội Nhà văn in thành sách năm 2010 và được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học một năm sau đó. Ở tuyển tập 15 truyện ngắn nhà văn không chỉ dành cho người đọc bất ngờ mà còn là một sự ổn định nhuần nhị và đầy đặn của phong cách cũng như nội dung thể loại, sau nhiều năm lặng lẽ theo đuổi viết hàng chục truyện ngắn cũng không kém phần duyên dáng, phóng túng được đăng tải rải rác trên các báo, tạp chí, góp phần khẳng định tài năng cũng như bản lĩnh văn xuôi Trần Đức Tiến trong tiến trình văn xuôi đương đại.
Hầu hết các truyện ngắn không còn dựa vào những tình tiết, sự kiện mô phỏng đời sống đang diễn ra, mà nhà văn trực tiếp miêu tả những vấn đề tâm lý tình cảm riêng biệt, rất cá nhân, bằng chính những diễn biến nội tâm, cảm xúc, vừa cô đọng, vừa biến hoá bất ngờ. Vấn đề đạo đức mà nhà văn đặt ra trong các truyện ngắn của mình cũng hoàn toàn xa lạ với những quan niệm tuy hiển hiện bàng bạc, thấp thoáng, nhưng lại có sức ăn sâu bén rễ đến độ đã trở thành “một hoà điệu chính thống” của thứ đạo đức áp đặt, sáo rỗng, công thức hoá con người. “Đạo đức” của Trần Đức Tiến là một vấn đề hoàn toàn cá nhân. Trần Đức Tiến muốn xem xét con người theo những thang bậc hoàn toàn không định kiến, mà chỉ có sự cá nhân hoá một cách quyết liệt nhất mới dẫn đến khả năng lật giở, soi rọi những vi tế “cao
quý” hay “thấp hèn” nhất của con người. Chính vì thế, nhân vật của Trần Đức Tiến không có một hình ảnh hay giá trị quy chiếu nào song song tồn tại, thường chỉ tự đối diện với những trải nghiệm riêng biệt, không phán xét hay tự phán xét.
Nhân vật trong mười lăm truyện ngắn thường là những gã trung niên ngả về già, đã chán chường thừa mứa cái màu mè nhạt nhẽo của thị thành cũng như đời công chức hẩm hiu, bợt bạt, lệ thuộc, nhưng lại tiềm tàng bao nhiêu sự đểu cáng, dị hợm, quay quắt. Điều thú vị nhất trong truyện ngắn Trần Đức Tiến, có thể nhận thấy là hầu hết nhân vật của ông đều bị đẩy tới ranh giới giữa ý thức và vô thức, chập chờn, nhập nhoạng, ý thức nhiều khi chỉ càng khiến mọi điều thêm tù mù. Vô thức lại mở ra những cánh cửa còn đau đớn hụt hẫng hơn của dục vọng không được thoả mãn, bản năng sinh vật trần trụi mù quáng hay có khi, đột nhiên bất chợt tìm lại thiên bẩm trong trẻo, thánh thiện như một ân sủng hiếm hoi đến lạc điệu. Trong thế giới tù mù giữa ý thức và vô thức ấy, chuyện đi lại, yêu đương, ăn nằm với ma quỷ, yêu tinh, hay một cảm giác huyền hoặc khó lòng lý giải về đời sống cũng như con người, đã trở thành cái thông thường, dễ hiểu, không cần lên gân, dụng ý. Càng cố gắng dùng ý thức đánh dấu chi li sự kiện bề mặt của đời sống, thì nhân vật của Trần Đức Tiến càng rơi vào mê cung của những rãnh mòn, mất phương hướng, mất cảm giác: "K. rời khỏi nhà lúc 13 giờ 5 phút và nửa tiếng sau, khi ông đi ngang qua tòa nhà của cục Hải quan, trời bắt đầu mưa.
Những giọt mưa nong nóng, lác đác rơi.
Xe cộ vẫn nối đuôi nhau xuôi ngược trên đường. Mặt đường bốc hơi nóng hầm hập.
K. cắm cúi đi. ……
K. không hề nhận ra rằng, cứ đi mãi như thế này, ông sẽ lại quay về nhà, thậm chí về đúng chiếc giường mà cách đây ít phút ông đã phải thận trọng trườn qua người vợ để thoát ra ngoài” [64;17,18].
Trong tình trạng âm u, tê liệt của nhân vật, cái buồn thảm và cái tức cười, cái trong lành với cái sa đoạ, tha hoá, cái hồn hậu và cái khinh bạc, cái hư ảo lẫn cái có thể nỗ lực dùng nhận biết mà phân định, đan xen với nhau, lẫn lộn, không thể phán quyết rành mạch. Sự lẫn lộn, không phân giá trị trước hết xuất phát từ trạng thái chủ quan của nhân vật, nhưng nó là bước chuyển lớn khi cho thấy khả năng nhận thức và cảm xúc chủ quan của con người mới là cái quyết định đến hình ảnh “thực” của thế giới.
Nhân vật của tập truyện Lỏng và tuột có lẽ không chỉ gián tiếp phản ứng với hoàn cảnh bằng sự trơ ỳ hay ngây ngô của nó, mà còn tiềm ẩn, gợi lên những dấu hiệu ban đầu của một kiểu hiện thực, hiện thực của khả năng cảm nhận hay mất đi cảm nhận chủ quan của cá nhân. Tất cả trở thành một tập hợp của sự mờ nhoè các giá trị, mà không có cách nào khác, người ta phải dõi theo, và trở nên tinh tường hơn trong nhận biết.
Tập truyện ngắn Lỏng và tuột còn là sự tích hợp nhiều phương diện miêu tả, với các nhân vật “không trung tâm”, bí ẩn, chứa nhiều ý nghĩa chưa hiển lộ, như những hướng “mở” của truyện, đồng thời tạo ra hoà âm đa dạng của giọng kể. Giọng kể đang cay độc chua chát với gã đàn ông vừa yếm thế vừa lọc lõi, ma cô, bỗng chuyển thành thân tình, hài hước, phóng túng với sư cụ chùa Bạch Vân “giọng Mỹ Tâm nheo nhéo trong túi áo”, sang sảng giọng điều hành, bảo ban, mở ngay túi nhận tiền công đức…; và đột ngột đau đớn, khó hiểu, phi lý, hãi hùng với “con yêu nữ” trẻ măng, treo cổ chết tức tưởi không rõ nguyên do bị bọn nghiện xì ke cắm nhầm ống chích vào bắp chân vì tưởng là cành cây. Chuông chùa Bạch Vân,
Khối u, Mù tăm là những truyện ngắn xuất sắc của Trần Đức Tiến. Bên cạnh những truyện ngắn khai thác các vấn đề tâm lý một cách mạnh bạo,
khoát đạt, ông còn thể hiện một lối khắc hoạ đằm thắm, trầm lắng chỉ thông qua các phản ứng và thói quen, các chi tiết nhỏ nhặt của đời thường, mà
Mưa ở V, hay Đi bộ và chạy là những truyện chặt chẽ và thành công.
Tóm lại, với tập truyện ngắn Lỏng và tuột nhà văn đã bắt kịp giọng điệu hiện đại, có phong cách riêng, lại rất tinh tế, gợi và rất trẻ. Vì vậy, nó được ví “truyện ngắn là trời cho”. Lỏng và tuột chính là tập truyện ngắn thuộc hàng hiếm trong truyện ngắn Việt Nam đương đại.
Chương 2