Truyện ngắn của Trần Đức Tiến luôn ở ranh giới giữa thực và ảo, giữa một bên là cuộc đời bề bộn, huyên náo, ngầu lên là những dục vọng nhưng đầy bất trắc, đầy nguy cơ biến mất với một bên là những gì chỉ thoáng hiện, không dễ xác định nhưng lại luôn có cơ hội tồn tại phi thời gian. Một mặt nó báo động về nguy cơ mọi thứ bị xoá trắng do ô nhiễm tinh thần được tạo ra bởi vô vàn thói hư tật xấu mà con người thản nhiên mắc phải hoặc hồn nhiên chấp nhận. Đó là những cám dỗ vật chất. Đó là sự thác loạn về đạo đức. Khi con người lao theo hoặc bị cuốn theo chủ nghĩa duy lợi, khi lòng tham, thói ích kỉ trở nên vô độ, nó tất yếu bị nhấn chìm trong tội ác. Khi đó bộ mặt cuộc sống là hình ảnh đáng sợ nhất - hoặc hài hước nhất, hài hước đến độ bi thảm - mà con người có thể phải chứng kiến. Nhưng mặt khác nó lại đều có thể là những bản nhạc giao hưởng say đắm
ca ngợi cuộc đời này, với đầy cảm xúc về cái đẹp “nhục dục”, nhiều đam mê mãnh liệt.
Có thể thấy, truyện ngắn của Trần Đức Tiến là thứ truyện “nguyên chất” gần sát với cuộc sống, vừa lột tả sâu xa con người, vừa giàu tính nhân bản. Nhiều tác phẩm văn xuôi đẹp như thơ, những thân phận con người gai góc, phức tạp được Trần Đức Tiến chuyển tải vào trong truyện ngắn. Nhưng không phải vì thế mà người đọc không nhớ lâu. Chính những thứ tưởng chừng như chẳng có gì đặc biệt ấy, từ ngôn ngữ, đề tài, không - thời gian, nhân vật… ở bất kể chổ nào đó, xó xỉnh nào được nhà văn để mắt tới là nhặt được ngay một tập truyện ngắn. Ở đó nhân vật không có tên, không có tuổi, không rõ khuôn mặt, ngoại hình, quê quán… sẽ là thứ nhân vật đồng dạng của tâm hồn nhà văn cũng như mỗi chúng ta. Vì vậy, đối với nhiều nhà văn truyện ngắn là thể loại được lựa chọn hàng đầu khi bước chân “tập tễnh” vào nghề, nhưng ở Trần Đức Tiến tiểu thuyết mới là thể loại lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, hai cuốn tiểu thuyết Linh hồn bị đánh cắp và Bụi trần không gây được sự chú ý đến độc giả. Cho đến khi, tập truyện ngắn Bão đêm, Mười năm mưa xói ra đời thì tác phẩm của ông mới được người đọc biết đến, và có chỗ đứng trong giới văn chương.
Sau tập truyện ngắn Tuyệt đối yên tĩnh Trần Đức Tiến tiếp tục ra mắt bạn đọc Lỏng và tuột (Nxb Hội Nhà văn 2010) với 15 truyện ngắn đặc sắc như thứ “hàng hiếm”, là thứ “của trời cho” và “xuất hiện theo từng mùa” đối với đời sống văn học Việt Nam hiện nay. Với thể loại truyện ngắn, Trần Đức Tiến đang dần khẳng định ngòi bút, phong cách trong giới văn học Việt Nam.
Trong tập truyện ngắn Tuyệt đối yên tĩnh Trần Đức Tiến đã khám phá chiều sâu, bí ẩn của tâm hồn con người, những khía cạnh tinh tế mà lâu nay trong những bon chen xô bồ của cuộc sống thường nhật mà chúng ta bỏ quên. Tác phẩm cư trú trên làn ranh giữa thực và thư, thức và ngủ, quá khứ - hiện tại… các nhân vật luôn lấp lửng ở đường biên
nhị trùng, thiếu đi hẳn sự rạch ròi. Họ muốn như thế này nhưng lại thích thế kia, đang ở trong không gian này lại ngỡ ngụ cư một vùng đất mơ hồ nào khác, hiện thực đang lồ lộ thế kia lại cứ tơ tưởng đến một thế giới mới lạ u nguyên tận trời trăng nào. Do đó, các nhân vật cũng ít khi mang rành rẽ họ tên. Họ là những P, M, nó, lão, chàng, bố… mơ hồ và không khu biệt. Họ là họ nhưng cũng là chúng ta. Một chúng ta “lõa lồ” trong thực tại như hiện thực của hiện tại.
Ở tập truyện ngắn Tuyệt đối yên tĩnh Trần Đức Tiến khai thác truyện ngắn ở khía cạnh trạng thái. Không phải văn xuôi phân tích tâm lí dài dòng rườm rà như ta vẫn thường thấy, mà là văn xuôi trạng thái, rất thích hợp với thể loại truyện ngắn. Trần Đức Tiến nắm trúng một - một vài tâm trạng của nhân vật trong một hoàn cảnh đặc thù, từ đó câu chuyện tự phơi mở. Sự sợ hãi là có thực, đôi lúc nó mang hình hài và có địa chỉ hẳn hoi: “tôi sợ sự nhạt nhẽo của câu chuyện giữa tôi và M, nhất là điều đó lại đến với chúng tôi vào lúc đầu ngày”, hoặc cụ thể hơn: “lão sợ về hưu” [66;252], nhưng ngay cạnh đó là sợ hãi chuyển thành mơ hồ khó nắm bắt: “Sợ một cái chết từ từ, chán ngắt” [66;252], hay thứ sợ vừa quen thuộc vừa xa lạ: cái chết! “Chưa bao giờ lão sợ chết đến như vậy” [66;250]. Sự sợ hãi mang nhiều hình thù, thoắt biến thoắt hiện mọi nơi mọi lúc, trơn trợt khôn lường. Nó có thể đeo khuôn mặt một tình địch mặt chuột tưởng tượng, hay một con mèo vô tội để anh phải bị ám ảnh điên cuồng bởi cái bẫy. Anh cố gắng chinh phục nó, nhưng bất khả. Nó có đó - sát sườn anh và xung quanh anh, dù anh “không biết đích xác nơi cư trú của nó trong căn phòng này” [66;98] nhưng sự có mặt của nó sẵn sàng gây cho anh “khó chịu”, cồn cào. Anh muốn giằng ra khỏi nó, vứt nó ra khỏi anh dẫu phải “bằng một tiếng chửi” [66;255] bất lực. Có thể anh nghĩ nó là cái gì ngoài anh, nhưng thực tế nó ở trong anh, nó là chính anh: khuấy đảo và đục phá tâm hồn anh. Hằng ngày! Và không bao giờ anh đạt đến “tuyệt đối yên tĩnh” khi
anh chưa chinh phục được sự sợ hãi kia. Vì vậy, “Lạ! Bình yên tuyệt đối, nghỉ ngơi vĩnh cửu, hoàn toàn yên tĩnh”… được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tập truyện ngắn này.
Với Lỏng và tuột nhà văn mang đến cho người đọc một cơn gió lạ. Nhà văn cũng sử dụng không khí truyện nửa hư nửa thực, nhưng lại có sự đồng hiện cả hiện tại quá khứ và sự tưởng tượng với những ước mơ thèm khát ở tương lai. Nhân vật luôn khao khát thay đổi những bế tắc của hiện thực. Vì thế mọi hành động, suy nghĩ trở thành cuộc phiêu lưu của tâm tưởng. Con người khuất lấp bên trong mỗi chúng ta dường như đối lập với con người hiện hữu. Những ý nghĩ trần trụi của con người dường như chưa được văn học khai thác, hoặc khai thác một cách dè dặt thì Trần Đức Tiến lại không ngần ngại phơi bày. “ Những người đàn bà ngẫu nhiên chập chờn hiện ra trong đầu ông. Từ khi nào chẳng rõ, điều đó đã trở thành thói quen - một thói quen không cần rào đón - K. lần lượt ân áo với họ”(Mưa núi). Hay là người đàn bà chỉ chạm mặt trong cuộc ngã giá đất đã nghĩ ngay đến chuyện lên giường: “ hắn còn biết chắc là sẽ ngủ vào buổi chiều. Phố vắng, lặng tiếng xe tiếng người. Ở dưới gầm giường, chỉ có tiếng rúc thanh bình của lũ chuột”(Thiên đường chớp mắt). Một người tình trẻ đẹp quen trên đường đi bộ chỉ mình hắn nhìn thấy và yêu nàng, còn tất cả cho rằng đó là ma (Chuông chùa Bạch Vân). Đó là những con người vô hình - luôn đối lập và tồn tại trong chính con người với ám ảnh chạy trốn nỗi cô đơn nhưng lại đồng loã nỗi thèm khát đàn bà. Con người khuất lấp bên trong mỗi chúng ta là thứ khách quan không kiểm soát được. Vì thế, khi đưa vào tác phẩm cái trần trụi mà chỉ mình nhân vật biết và vĩnh viễn trở thành bí mật là sự dũng cảm của tác giả, không phải ngòi bút nào cũng dám đề cập đến. Có lẽ, đó cũng là một dạng “đấu tranh sinh tồn” của con người thực tại được nhà văn nhân vật hoá trước cuộc sống đầy bon chen, bất ổn, nhợt nhạt. Họ đã đi qua tuổi trẻ, nếm trải mọi vui buồn
đắng cay thất bại, muốn thay đổi hiện tại nhưng bất lực như tên của tập truyện Lỏng và tuột.