Chính sách sản phẩm du lịch

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh nghệ an giai đoạn 2000 – 2010 (Trang 130 - 132)

Hạn chế của du lịch Nghệ An hiện nay là phần lớn các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có, chưa có sự đầu tư sáng tạo trong việc tạo ra một sản phẩm độc đáo, đặc sắc và hoàn chỉnh. Để tạo ra bước phát triển vượt bậc cho du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới, cần chú trọng việc xây dựng sản phẩm du lịch vừa phát huy được những tiềm năng độc đáo của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách.

- Tiến hành đánh giá về hiện trạng sản phẩm du lịch tỉnh Nghệ An về chất lượng, số lượng, khả năng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách. Đồng thời kiểm kê những tiềm năng có khả năng tạo sản phẩm chưa được khai thác. Từ đó, có kế hoạch xây dựng những sản phẩm mang tính đặc thù có chất lượng cao.

- Hai khía cạnh có giá trị nhất đem lại nét đặc sắc cho du lịch Nghệ An là văn hóa lịch sử và sinh thái. Đây được coi là cội rễ, nền tảng, là động lực để phát triển du lịch tỉnh. Từ đó, thúc đẩy công tác nghiên cứu các giá trị văn hóa – lịch sử và bảo tồn các cảnh quan sinh thái, tiến hành khai thác hợp lý và hiệu quả tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đối với các giá trị sinh thái, các sản phẩm như: du lịch mạo hiểm kết hợp với các địa hình núi cao, thác nước;du lịch biển, du lịch kết hợp nghiên cứu hệ sinh thái... hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách. Với các giá trị văn hóa – lịch sử, hiện nay mảng lễ hội vẫn chưa được khai thác nhiều, đây là một khía cạnh có nhiều tiềm năng, cần có biện pháp triển khai phát triển.

- Sản phẩm du lịch không chỉ được xây dựng trên nền tảng các nguồn tài nguyên, một bộ phận có tính chất quyết định chất lượng sản phẩm du lịch là cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Trong những năm qua tuy du lịch Nghệ An đã có những bước phát triển về cơ sở vật chất song đây vẫn còn là khâu yếu ảnh hướng đến chất lượng sản phẩm, hạn chế khả năng níu chân khách và tác động đến chi tiêu du lịch. Cần nhanh chóng đánh giá, phân loại hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ, ban hành các quy định cụ thể, chặt chẽ về tiện nghi và chất lượng dịch vụ trong hệ thống các khách sạn, nhà hàng; thường xuyên tiến hành kiểm tra để đảm bảo chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phát triển đồng bộ. Khuyến khích mở rộng các loại hình vui chơi giải trí và các hoạt động thể dục thể thao như rạp chiếu phim, sân tenis, bóng bàn, hồ bơi; mở rộng các điểm mua sắm, đặc biệt là các cơ sở bán hàng lưu niệm với các sản phẩm địa phương…Việc quan tâm đầu tư, nâng cấp các cơ sở vật chất kỹ thuật không chỉ có tác dụng đáp ứng nhu cầu của khách mà còn góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan của điểm đến.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh nghệ an giai đoạn 2000 – 2010 (Trang 130 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)