Trong xu thế hội nhập ngày nay, mỗi quốc gia đều tìm cho mình những bước đi thích hợp nhưng giải pháp được lựa chọn nhiều nhất vẫn là phát triển nền kinh tế “mở”. Chiến lược 10 năm (2011 - 2020) của nước ta đặt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đi vào kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; trước tình hình đó cùng với những thuận lợi về tiềm năng và hạ tầng cơ sở cho sự liên kết giữa các vùng Bắc Trung Bộ, khu vực Đông Dương
và cả quốc tế, đặt ra yêu cầu cho ngành du lịch Nghệ An phải chủ động tăng cường hội nhập, hợp tác để tận dụng cơ hội, phát huy nguồn ngoại lực.
- Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Nghệ An cần chú trọng nâng cao nhận thưc, quán triệt quán điểm, định hướng vai trò và nhiệm vụ của công tác hợp tác phát triển du lịch từ các cơ quan ban ngành đến các cơ sở kinh doanh du lịch. Trên cơ sở đó, góp phần giúp các cơ quan, đơn vị định hướng đúng, xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả hợp tác. - Về mặt cơ chế và chính sách: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và luật pháp về du lịch theo hướng hội nhập, vừa đúng luật pháp nước ta, vừa rõ ràng minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các chính sách phát triển hỗ trợ sự hợp tác và liên kết giữa các khu vực, vùng bao gồm một số chính sách cụ thể như: chính sách phối hợp tổ chức quản lý các dự án, các chương trình trọng điểm có liên quan đến các tỉnh trong vùng; chính sách hình thành quỹ chung để phát triển vùng, đặc biệt là quỹ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu phát triển các dịch vụ du lịch. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế cho công tác quy hoạch. Các hành động cụ thể cần triển khai để tăng cường sự liên kết, hội nhập giữa các tỉnh, các vùng trong cr nước và quốc tế là:
+ Về xây dựng sản phẩm, cần phối hợp với các địa phương trong vùng, trong khu vực hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh, liên quốc gia; đồng thời xây dựng các chương trình du lịch có tính vùng, tập trung nguồn lực tạo ra một hình ảnh du lịch chung gây ấn tượng sâu sắc. Mặt khác, bản thân ngành du lịch của tỉnh trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch của riêng mình cũng cần phải khai thác được những thế mạnh điển hình để tạo ra hình ảnh du lịch riêng không bị nhẫm lẫn và có tính cạnh tranh cao.
+ Tích cực mở rộng thị trường bằng các biện pháp thu hút khách và các cơ chế thông thoáng, giản tiện. Gắn thị trường của tỉnh với thị trường của vùng, của cả nước và của khu vực nói chung.
+ Phối hợp chặt chẽ các hoạt động du lịch với các tỉnh lân cận, đặc biệt là hoạt động nhận – gửi khách được tiến hành đồng bộ hiệu quả, đem lại lợi ích chung cho ngành du lịch của các tỉnh. Đồng thời du lịch tỉnh Nghệ An cũng cần tranh thủ cơ hội trong việc học hỏi kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm kinh doanh và đào tạo phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh, các trung tâm phát triển du lịch.