Chỉ tiêu đánh giá sự phát triển du lịch

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh nghệ an giai đoạn 2000 – 2010 (Trang 33 - 38)

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Do đó, việc xây dựng bộ chỉ tiêu gồm các tiêu chí đánh giá sự phát triển du lịch là một việc làm quan trọng; đảm bảo việc đánh giá một cách tương đối đầy đủ và khách quan đối tượng du lịch qua các tiêu chí thành phần. Trong quá trình phát triển du lịch, nhận thấy có thể chia ra hai nhóm chỉ tiêu: chỉ tiêu nguồn lực phát triển và chỉ tiêu thực trạng phát triển du lịch.

1.1.4.1. Nhóm chỉ tiêu đánh giá nguồn lực phát triển du lịch

a. Vị trí địa lí: là chỉ tiêu quan trọng trong nhóm nguồn lực phát triển du lịch. Vị trí địa lí được đánh giá dưới hai khía cạnh:

- Về mặt giới hạn lãnh thổ, vị trí địa lí ảnh hưởng nhất định đến các đặc điểm tự nhiên và mức độ tập trung giá trị nhân văn của điểm du lịch, quyết định khả năng tiếp cận điểm du lịch; được đánh giá thông qua khoảng cách thời gian đi đường và các loại phương tiện giao thông có thể sử dụng đến điểm du lịch.

- Về mặt kinh tế - chính trị, điều kiện kinh tế và tình hình chính trị ổn định tại khu vực diễn ra hoạt động du lịch có tác động gây cản trở hay tạo điều kiện thuận lợi kích thích hoạt động này diễn ra mạnh mẽ.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, các vị trí địa lí đặc biệt (có cửa khẩu, hải cảng…) sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các tuyến du lịch xuyên quốc gia, thúc đẩy việc tiếp cận, trao đổi, giao lưu, thâm nhập sâu vào nền kinh tế văn hóa thế giới.

b. Tài nguyên du lịch: được đánh giá qua sự hấp dẫn, tính mùa vụ và độ bền vữngcủa điểm đến. Tiêu chí này đánh giá khả năng khai thác và quyết định mức độ hoạt động du lịch. Tùy theo đặc điểm của từng loại tài nguyên mà lựa chọn loại hình du lịch, hình thức kinh doanh và thời gian hoạt động du lịch phù hợp.

* Sức hấp dẫn: là một trong tiêu chí hàng đầu thể hiện được tính thẩm mỹ, đặc sắc, độc đáo, sự kết hợp hài hòa các yếu tố thành phần; góp phần thỏa mãn nhu cầu và đáp ứng tâm lý tìm đến với cái đẹp của du khách.

- Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên: tính hấp dẫn được đánh giá tổng hợp, với sự kết hợp hài hòa của các yếu tố địa hình, khí hậu, thủy văn và sinh vật. Mà cụ thể

là được xác định bằng sự phân hóa đa dạng hình thái địa hình kết hợp các dạng địa hình đặc biệt; điều kiện khí hậu tương đối ôn hóa phù hợp với đặc điểm sinh học của con người, vắng mặt các hiện tượng thời tiết bất thường; sự có mặt của hệ thống sông, ao, hồ, suối tự nhiên hoặc nhân tạo có giá trị tạo môi trường du lịch trong lành, tô điểm cho cảnh quan; và đặc biệt là các hệ sinh thái đặc hữu, điển hình tồn tại dưới dạng vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, các điểm tham quan sinh vật…

- Đối với tài nguyên du lịch nhân văn: tính hấp dẫn khách du lịch là tiêu chí có tính chất tổng hợp được xác định bằng nét độc đáo về mỹ thuật, nghệ thuật và kiến trúc của các công trình văn hóa (quốc tế, quốc gia hoặc địa phương); bề dày thời gian của di tích lịch sử (cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại); nét huyền bí, hấp dẫn trong các phong tục, nếp sống, trang phục, văn hóa nghệ thuật…của các tộc người; sự độc đáo, tinh tế của các làng nghề; các đặc sản địa phương và sự đa dạng phong phú, ấn tượng của các sự kiện văn hóa – thể thao khác.

* Tính mùa của hoạt động du lịch: tính chất mùa vụ là một trong những đặc điểm đặc trưng của hoạt động du lịch. Sự thường xuyên hay gián đoạn của hoạt động du lịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phương hướng khai thác, đầu tư, kinh doanh phục vụ du lịch. Thời gian hoạt động du lịch chủ yếu chịu sự chi phối của điều kiện khí hậu tại điểm, vùng du lịch. Được xác định bởi số thời gian thích hợp nhất của các điều kiện khí hậu đối với sức khỏe của khách du lịch và số thời gian thuận lợi nhất cho việc triển khai các hoạt động du lịch.

Trong những trường hợp mà số thời gian thích hợp nhất của điều kiện khí hậu với sức khỏe con người và số thời gian thuận lợi cho hoạt động du lịch có khác biệt thì lấy số thời gian thuận lợi cho hoạt động du lịch làm tiêu chí đánh giá.

* Độ bền vững của tài nguyên du lịch: là tiêu chí thể hiện khả năng bền vững của các thành phần, bộ phận tự nhiên và nhân văn trước áp lực của hoạt động du lịch, của khách du lịch và của các đối tượng khác hoặc thiên tai.

Tiêu chí này được đánh giá qua số lượng các thành phần tự nhiên bị phá hoại, khả năng phục hồi, sự cân bằng sinh thái và sự đảm bảo hoạt động du lịch diễn ra thường xuyên của các tài nguyên du lịch tự nhiên. Đồng thời còn được đánh giá qua

số lượng các công trình văn hóa, các di tích lịch sử còn được bảo tồn qua thời gian mà không bị phá hoại bởi môi trường nhiệt đới ẩm, thiên tai và chiến tranh; sự gìn giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa của các lễ hội, các dân tộc, các làng nghề, đảm bảo cho các hoạt động du lịch được diễn ra liên tục.

c. Cơ sở hạ tầng: tiêu chí này có ý nghĩa quyết định mức độ hoạt động du lịch. Đây là cơ sở để biến các tiềm năng du lịch trở thành hiện thực và hạn chế các tác động tiêu cực làm tổn hại đến môi trường tự nhiên cũng như môi trường nhân văn. Chỉ tiêu này được đánh giá qua sự có mặt cũng như chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách về mạng lười và phương tiện giao thông; khả năng cung cấp điện nước cho hoạt động sản xuất và kinh doanh du lịch; khả năng đáp ứng giao lưu trao đổi thông tin liên lạc cho các hoạt động kinh tế và du lịch.

1.1.4.2. Nhóm chỉ tiêu đánh giá thực trạng phát triển du lịch

Với chức năng nghiên cứu khía cạnh không gian của hoạt động du lịch, việc đánh giá thực trạng phát triển của một điểm đến du lịch cũng phải được xem xét dưới khía cạnh lãnh thổ thông qua các phân vị là: điểm du lịch, tuyến du lịch, cụm du lịch và trung tâm du lịch. Bên cạnh đó, du lịch là một ngành kinh tế, để đánh giá được sự tăng trưởng cũng như vai trò của du lịch đối với nền kinh tế - xã hội của một địa phương, vùng lãnh thổ thì việc xây dựng bộ chỉ tiêu hoạt động theo ngành gồm các tiêu chí đánh giá về lượt khách, doanh thu, cơ sở vật chất kĩ thuật và lao động là rất cần thiết.

a. Chỉ tiêu hoạt động theo ngành

* Nguồn khách: Khách du lịch là một trong năm phân hệ quan trọng của hệ thống lãnh thổ du lịch. Có thể nói sự có mặt của du khách đồng nghĩa với “sự sống” của một điểm du lịch.

Khi đánh giá về tiêu chí này, trước hết người ta quan tâm đến tổng lượt khách qua các năm và tốc độ tăng trưởng bình quân (trong đó, phân biệt khách nội địa và khách quốc tế). Tiếp đó, mục đích du lịch là một tiêu chí cần được phân tích. Đối với khách du lịch quốc tế, mục đích du lịch bao gồm: du lịch thuần túy, thăm thân, thương nhân và các mục đích khác. Đối với khách nội địa, mục đích du lịch chủ yếu

được phân theo: du lịch nghỉ biển, tham quan, lễ hội, chữa bệnh và các mục đích khác. Xác định được số lượng khách theo các mục đích du lịch là định hướng quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, vạch định hướng và điều chỉnh các hoạt động kinh doanh phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Cơ cấu khách du lịch còn được xem xét dưới góc độ phương tiện đi lại, gồm: đường bộ, đường biển, đường hàng không. Các yếu tố này là cơ sở thiết kế các tuyến du lịch đảm bảo đáp ứng với nhu cầu và điều kiện của du khách. Ngoài ra còn thúc đẩy việc nâng cấp, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cũng như các hoạt động kinh tế khác. Cuối cùng, đối với đánh giá tiêu chí nguồn khách cần xác định được mức độ chi tiêu và thời gian lưu trú của khách du lịch tại một điểm đến.

Trong các chỉ tiêu trên, tiêu chí số lượt khách cho phép đánh giá về khía cạnh “lượng” của hoạt động du lịch, trong khi đó tiêu chí mức độ chi tiêu và thời gian lưu trú lại đánh giá về mặt “chất” của ngành này. Từ đó cho thấy, trong quá trình phát triển du lịch không chỉ cần quan tâm thu hút lượng khách lớn mà còn phải đặt việc tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách là mục tiêu quan trọng của ngành.

* Cơ sở vật chất – kĩ thuật: Là điều kiện quan trọng đảm bảo hoạt động kinh doanh du lịch được tiến hành hiệu quả. Mức độ tiện nghi và đa dạng của cơ sở vật chất – kỹ thuật tại các điểm đến tỷ lệ thuận với khả năng tăng nguồn thu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Trong đó, cơ sở lưu trú và ngành kinh doanh lưu trú là chỉ tiêu quan trọng – một trong ba trụ cột của ngành du lịch. Cơ sở lưu trú được đánh giá qua số phòng, buồng, mức tăng trưởng hàng năm, công suất sử dụng phòng; số khách sạn được xếp sao và số khách sạn phân theo hình thức quản lý. Ngoài ra, sự có mặt của các cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm, các cơ sở phục vụ ăn uống có vai trò đảm bảo các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, góp phần lấp đầy khoảng thời gian đi du lịch bằng nhiều hoạt động thú vị, thoải mái, tạo nên sự độc đáo và ấn tượng riêng cho mỗi sản phẩm du lịch.

* Doanh thu: Du lịch thể hiện chức năng kinh tế của mình qua đóng góp doanh thu hàng năm. Thu nhập từ du lịch bao gồm tất cả các khoản thu do du khách chi trả, đó là doanh thu từ lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch và các dịch vụ

khác…Đối với những điểm du lịch mới hình thành và chưa phát triển cao, doanh thu du lịch chủ yếu tập trung vào cơ sở lưu trú. Trên thực tế, tất cả các khoản này không phải chỉ do ngành du lịch trực tiếp thu mà còn do nhiều ngành khác có tham gia các hoạt động du lịch thu, do đó chỉ tiêu doanh thu du lịch thường không phản ánh hết đóng góp của ngành cho nền kinh tế.

* Nguồn lao động: lao động trong ngành du lịch là yếu tố quan trọng để hoạt động du lịch được diễn ra, và có tính quyết định lớn đối với sự thành công của hoạt động kinh doanh. Tiêu chí này được đánh giá qua tổng số lao động, mức độ tăng trưởng qua các năm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nguồn lao động. Số lượng lao động đảm bảo khả năng phục vụ khách và chất lượng lao động quyết định mức độ hài lòng của du khách, đây là tiêu chí để đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch.

b. Chỉ tiêu hoạt động theo lãnh thổ (cấp tỉnh)

* Điểm du lịch: Là cấp phân vị thấp nhất, là kết quả đầu ra trước tiên trong hệ thống lãnh thổ du lịch. Các điểm du lịch trước hết được phân tích qua sự có mặt của một loại tài nguyên nào đó (tự nhiên, văn hóa, lịch sử hoặc kinh tế - xã hội), cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và mức độ hoạt động du lịch tại điểm du lịch. Hai tiêu chí này sẽ quyết định điểm du lịch là điểm đang khai thác hay điểm tiềm năng. Dựa vào sự hấp dẫn của tài nguyên và sự hoàn thiện của kết cấu hạ tầng mà người ta xếp hạng các điểm du lịch quốc gia và điểm du lịch địa phương. Ngoài ra, tiêu chí thời gian lưu trú tại điểm du lịch cũng khá quan trọng, thể hiện mức độ phát triển và khả năng hấp dẫn du khách tại điểm đó.

* Tuyến du lịch: Là một đơn vị tổ chức không gian du lịch, được tạo bởi nhiều điểm du lịch khác nhau về quy mô, chức năng. Việc xây dựng các tuyến du lịch thông thường dựa trên các tuyến đường giao thông sẵn có, hệ thống đô thị, các cơ sở lưu trú cũng như giá trị các điểm đến. Do đó việc đánh giá tuyến du lịch cũng thông qua các tiêu chí cụ thể: tên, chiều dài tuyến; các điểm du lịch trên tuyến; thời gian hoạt động của tuyến và các sản phẩm du lịch chủ yếu.

Căn cứ vào phạm vi hoạt động của tuyến du lịch, có thể phân loại tuyến du lịch là tuyến nội tỉnh hay liên tỉnh; tuyến du lịch quốc gia hay quốc tế. Và dựa vào đặc

điểm hoạt động của điểm du lịch trên tuyến có thể xác định được các tuyến du lịch tiềm năng.

* Cụm du lịch: Là nơi tập trung nhiều điểm du lịch với mật độ tương đối lớn. Các tiêu chí để đánh giá cụm du lịch là hạt nhân của cụm, các điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng.

Việc xác định cụm du lịch là cụm đang hoạt động hay cụm tiềm năng được dựa trên cơ sở đánh giá nguồn tài nguyên, khả năng khai thác và thực trạng hoạt động của các điểm du lịch cũng như mức độ liên kết của các điểm trong cụm.

* Khu du lịch: Theo quy định tại khoản 7, điều 4, chương I, Luật Du lịch Việt Nam “Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiểu quả về kinh tế, xã hội và môi trường”.

* Trung tâm du lịch (của quốc gia và địa phương): là nơi tập trung khá đa dạng các nguồn tài nguyên, cơ sở hạ tầng tương đối phong phú và đặc biệt có vai trò thu hút khách du lịch và tạo nguồn thu rất lớn. Được coi là hạt nhân phát triển du lịch của địa phương. Tiêu chí khi phân tích thực trạng của một trung tâm du lịch là nêu được các sản phẩm du lịch của trung tâm và đánh giá vai trò của trung tâm du lịch trong sự phát triển du lịch địa phương.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh nghệ an giai đoạn 2000 – 2010 (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)