Hệ thống giao thông vận tải

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh nghệ an giai đoạn 2000 – 2010 (Trang 77 - 79)

* Mạng lưới đường bộ:

- Quốc lộ 1A: là tuyến quốc lộ xuyên Việt của cả nước, đoạn chạy qua Nghệ An dài 15km, chạy xuyên qua trung tâm thành phố Vinh theo hướng Bắc – Nam và đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đây có thể coi là tuyến đường đầu tiên đem lại sự giao thương của tỉnh với các tỉnh lân cận; Là tuyến đường huyết mạch, xương sống có vai trò tích cực trong phát triển du lịch tỉnh Nghệ An.

- Quốc lộ 7: là quốc lộ dài 225km nằm hoàn toàn trong địa phận tỉnh Nghệ An (chính xác gọi. là quốc lộ 7A, để phân biệt với quốc lộ 7B đoạn từ thị trấn Mường Xén đi Ta Đo). Quốc lộ chạy qua các huyện nối liền vùng đồng bằng với trung du miền núi: Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Hầu hết các thị trấn của các huyện lỵ đều nằm trên tuyến đường này. Đây là tuyến quốc lộ có vai trò thúc đẩy hình thành và phát triển các tuyến du lịch nội vùng và nước bạn Lào. Thêm vào đó, tuyến đường này chạy dọc miền Tây Nghệ An nơi có Khu dự trữ sinh quyển thế giới là điều kiện đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái.

- Đường Hồ Chí Minh: đoạn qua Nghệ An dài 133 km, đi qua 29 xã của năm huyện, thị xã nối các tuyến tạo thành mạng lưới giao thông giữa phía tây nam và tây bắc, nối các trục dọc giữa đồng bằng và miền núi. Sự có mặt của tuyến đường Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch tỉnh nhà nói riêng. Tuyến đường này đã góp phần giải phóng những cản trở

của du khách trên hành trình đến với Nghệ An, rút ngắn khoảng cách giữa Nghệ An với một số điểm du lịch phía Bắc (đặc biệt là thủ đô Hà Nội) cũng như phía Nam; Tạo điều kiện cho du lịch tỉnh nhà tích cực hội nhập, mở rộng quan hệ, hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh nhiều tiềm năng.

- Các tuyến đường tỉnh lộ

Toàn tỉnh có 10 tuyến tỉnh lộ đang được nâng cấp có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển các điểm du lịch. Hệ thống giao thông nội tỉnh từng bước được xây dựng, nâng cấp góp phần mang lại diện mạo mới cho tỉnh. Các tuyến vươn đến vùng sâu, vùng xa đã tạo điều kiện hình thành nhiều lảng bản định cư mới cũng như giúp trao đổi hàng hóa, giao lưu, nâng cao trình độ dân trí. Hệ thống giao thông phát triển cũng góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng du lịch tỉnh.

* Mạng lưới đường sắt:

Nghệ An có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua với tổng chiều dài 94km từ khe Nước Lạnh đến Yên Xuân, ngoài ra còn có tuyến đường nhánh Cầu Giát – Nghĩa Đàn dài 30km. Tuyến đường sắt Bắc – Nam và tuyến quốc lộ 1A đoạn chạy qua Nghệ An đóng vai trò cực kì to lớn trong quá trình thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà. Hàng ngày, đều có nhiều chuyến tàu từ Bắc vào và từ Nam ra đi qua Nghệ An; Đây là loại phương tiện rất thông dụng của khách du lịch khi đến với Nghệ An. Chính vì thế mà ngành đường sắt đã phải tổ chức tăng tuyến và mở riêng một chuyến tàu hàng ngày đến Nghệ An và ngược lại.

* Mạng lưới đường hàng không:

Nghệ An có sân bay Vinh với đường băng dài 2.174km, rộng 30m, đang được nâng cấp để khai thác phục vụ cho sự phát triển kinh tế và du lịch tỉnh nhà. Hiện nay, mỗi ngày có một chuyến bay (của một hãng) từ Vinh tới hai thành phố lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và ngược lại. Sân bay Vinh phục vụ nhu cầu đi lại không chỉ đối với tỉnh nhà nói riêng mà còn phục vụ cho hành khách các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Tuy nhiên các chuyến bay tới Vinh còn ít nên giá thành một lần bay tương đối cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến lượng du khách đến với Nghệ An bằng đường hàng không.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh nghệ an giai đoạn 2000 – 2010 (Trang 77 - 79)