Được hình thành từ những năm 60, cho đến nay ngành kinh tế du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của nước ta. Trong những năm gần đây, cùng với sự hội nhập kinh tế thế giới, du lịch Việt Nam đang thực sự chuyển mình, ghi lại những dấu ấn đẹp trên bản đồ du lịch thế giới và được đánh giá là điểm đến an toàn, thân thiện, đầy hấp dẫn đối với cộng đồng du lịch thế giới.
Việt Nam nổi bật với nét độc đáo của vị trí địa lí, gần trung tâm Đông Nam Á, vừa gắn chặt lục địa vừa thông ra đại dương. Trên nền khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, Việt Nam là nơi gặp gỡ giao thoa của các luồng di cư động – thực vật; đem lại sự giàu có và đa dạng về mặt sinh thái tự nhiên. Đây là điều kiện hình thành và phát triển phong phú các loại hình du lịch gắn với các hệ sinh thái đặc trưng; hệ sinh thái biển – đảo, hệ sinh thái sông – hồ, hệ sinh thái rừng – hang động. Cùng với đó, sự
giao lưu tiếp xúc của nền văn hóa bản địa với dân cư xung quanh cũng như truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu đời đã tạo cho Việt Nam một vẻ đẹp của bản sắc văn hóa đậm màu, của truyền thống dân tộc hồn hậu, là vốn quý để khai thác, phát triển các loại hình du lịch văn hóa. Đến nay, Việt Nam đã có 12 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đặc biệt, năm 2012 Vịnh Hạ Long đã trở thành một trong bảy kỉ quan thế giới mới. Hơn thế nữa, Việt Nam còn nằm trong khu vực có nền kinh tế phát triển năng động, có vị trí thuận lợi cho sự giao lưu kinh tế, hội nhập củng cố và mở rộng các mối quan hệ song phương, đa phương góp phần phát triển hiệu quả để du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Có thể nói hoạt động du lịch ở Việt Nam bắt đầu rất sớm, từ những chuyến du ngoạn của các vua chúa ngày xưa trên hành trình mở mang bờ cõi; được định hình rõ nét hơn trong thời kì đô hộ của thực dân Pháp với việc khai thác nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa và xây dựng hàng loạt biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng. Cho đến khi Công ty du lịch Việt Nam được thành lập, vào ngày 09/07/1960 đã chính thức đánh dấu sự ra đời của ngành du lịch Việt Nam như một ngành kinh tế độc lập. Trong quá trình hội nhập và phát triển, du lịch Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn và đạt được nhiều bước phát triển quan trọng.
a. Khách du lịch: - Khách quốc tế:
Sự phát triển của ngành du lịch gắn bó mật thiết với dòng khách du lịch. Nhìn chung lượt khách du lịch không ngừng tăng lên với nhịp độ ngày càng nhanh. Từ đầu thập kỷ 90 trở lại đây đã diễn ra “sự bùng nổ” du lịch với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là lượng khách quốc tế. Năm 2000 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 2,14 triệu lượt, đến năm 2005 lên 3,48 triệu lượt và năm 2010, lần đầu tiên khách du lịch quốc tế vượt qua mốc 5,0 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng của khách du lịch quốc tế giai đoạn 2000 – 2010 đạt 8,9%/năm. Song trong 2 năm 2002 và 2009 tăng trưởng âm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch cúm AH1N1.
Biểu đồ 1.1: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2000 - 2010
(Nguồn: Tổng cục du lịch)
-Khách nội địa
Biểu đồ 1.2: Khách du lịch nội địa giai đoạn 2000 – 2010
(Nguồn: Tổng cục du lịch)
Về khách du lịch nội địa, đến năm 2005 đã vượt chỉ tiêu của chiến lược phát triển du lịch đặt ra (15-16 triệu lượt khách), đặc biệt hai năm 2009 và 2010, khách du lịch nội địa có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và đạt con số 28 triệu lượt năm 2010,
0 1 2 3 4 5 2000 2002 2005 2007 2009 2010 2.14 2.62 3.48 4.23 3.77 5.05 Triệu lượt Năm 11.2 16 19.2 25 28 0 10 20 30 2000 2005 2007 2009 2010 Triệu lượt Năm
gấp 2,5 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng du lịch nội địa đạt 10,2%/năm trong giai đoạn 2000 – 2010.
Về cơ cấu khách theo thị trường và mục đích du lịch, thị trường khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, sau đó là khách Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan,Ôxtrâylia…Về mục đích đến Việt Nam, số khách đi du lịch chiếm hơn 40%, sau đó là lý do thương mại 24%, thăm thân 22% và các mục đích khác 14%. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không 60%, tiếp theo là đường bộ 32% và đường thủy 8%.
b. Doanh thu
Do lượng khách du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nên doanh thu du lịch cũng tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2000, doanh thu đạt 17,4 nghìn tỷ thì đến năm 2005 lên 30 nghìn tỷ đồng và năm 2009, do ảnh hưởng của dịch cúm và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số lượng lượt khách du lịch giảm tuy nhiên ngành du lịch Việt Nam đã có những tháo gỡ kịp thời, doanh thu vẫn tăng lên 68 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2010 doanh thu du lịch đạt 96 nghìn tỷ đồng.
c. Cơ sở lưu trú
Trong những năm qua, số cơ sở lưu trú tăng nhanh dựa trên việc cải tạo cơ sở cũ, xây dựng cơ sở mới theo hướng chuyên nghiệp hóa. Sự tăng nhanh được thể hiện ở cả 2 mặt: số lượng và chất lượng. Về số lượng, từ 3.267 khách sạn năm 2000 đã tăng lên 3.810 khách sạn năm 2005 và đạt 12.000 khách sạn năm 2010 với tổng số phòng là 235.000 phòng. Đến hết năm 2010, cả nước có 391 khách sạn đạt chuẩn trên 3 sao (46 khách sạn 5 sao; 110 khách sạn 4 sao; 235 khách sạn 3 sao) với tổng số phòng 41611 phòng.
Các cơ sở lưu trú của nước ta hiện nay tập trung chủ yếu tại các trung tâm du lịch lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng khách sạn 5 sao. Các khách sạn 5 sao hàng đầu như: Sofitel Plaza Hà Nội, Melia Hà Nội, Rex Hotel (Hồ Chí Minh), Majestic (Hồ Chí Minh), Sunrise (Nha Trang), Furama (Đà Nẵng)…
Ngoài các cơ sở lưu trú, các cơ sở vui chơi giải trí ở nước ta đã và đang được phát triển và đưa vào khai thác nhằm đáp ứng yêu cầu của đông đảo du khách. Tiêu biểu như: Suối Tiên, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên, khu du lịch Kỳ Hòa (Hồ Chí Minh); Công viên nước Hồ Tây, khu du lịch Thác Đa, Thiên Sơn – Suối Ngà, Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội). Bên cạnh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương khác cũng đang đẩy mạnh việc phát triển các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao nhằm thu hút du khách.
d. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch
Trong những năm qua, nguồn lao động trong ngành du lịch của nước ta đã không ngừng tăng lên về số lượng và từng bước được cải thiện về chất lượng.
Về mặt số lượng, số lao động (trực tiếp và gián tiếp) nhìn chung có xu hướng tăng, tuy nhiên tốc độ tăng của hai nhóm đối tượng này là không đồng đều.
Bảng 1.1. Số lao động du lịch trong ngành du lịch Việt Nam
Năm 2000 2005 2008
Lao động trực tiếp 22.594 165.397 269.096 Lao động gián tiếp 1.984 112.537 244.970 Tổng số 24.578 277.934 514.030
(Nguồn: Địa lí du lịch Việt Nam – Tr.200)
Về mặt chất lượng, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng tăng lên và tạo thành đội ngũ nòng cốt phục vụ cho ngành du lịch. Tuy nhiên, số lao động này chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng số lao động của ngành. Trong ngành Du lịch của nước ta còn nhiều hạn chế như chưa đáp ứng được nhu cầu về cả số lượng và chất lượng. Tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn (hơn 50% năm 2009), trình độ ngoại ngữ, năng lực nghiệp vụ còn nhiều bất cập. Đặc biệt, lao động trong ngành còn thiếu tác phong công nghiệp, chưa thật sự gấn bó với nghề, ngoại trừ lao động ở một số trung tâm du lịch lớn.
e. Xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch
Những thành tựu đã và đang đạt được đã mở ra cho du lịch Việt Nam những vận hội mới. Hình ảnh du lịch Việt Nam đã khẳng định được những nét riêng độc đáo với dấu ấn của một số thành phố du lịch rất đậm nét trong lòng du khách: “Hà Nội – thành phố phục hưng của Đông Nam Á”, “Thành phố Hồ Chí Minh – sự pha trộn đầy quyến rũ giữa quá khứ và hiện tại”, “Nha Trang – biển nhiệt đới Việt Nam”. Bên cạnh khai thác những giá trị tự nhiên và văn hóa tạo ra các sản phẩm du lịch truyền thống (du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch biển, núi, du lịch chữa bệnh…) nhiều loại hình du lịch mới: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề không những được đầu tư phát triển mà còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của một số quốc gia và tổ chức như Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng Canada (ACCC)… góp phần xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương.
Hoạt động du lịch của nước ta đã có bước phát triển mới góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển ngành nghề thủ công; thúc đẩy giao thông, văn hóa, thông tin và giao lưu các vùng miền trong nước và quốc tế. Những hiệu quả kinh tế - xã hội mà du lịch đem lại là động lực thúc đẩy đầu tư cho sự phát triển vững chắc của ngành. Vận hội mới đang mở ra cho du lịch Việt Nam nhiều cơ hội tốt để đẩy mạnh quảng bá, kích cầu du lịch, hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn trong thời gian tới.