SỰ BIẾN ĐỘNG pH CỦA NƯỚC TRÊN ĐỒNG RUỘNG

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa om2517 vụ đông xuân 2012 2013 trên vùng đất phèn tại tà đảnh, tri tôn, an giang (Trang 49 - 51)

CHƯƠNG III : KẾT QUẢ THẢO LUẬN

3.2 SỰ BIẾN ĐỘNG pH CỦA NƯỚC TRÊN ĐỒNG RUỘNG

Qua kết quả theo dõi sự biến động giá trị pH của nước trên đồng ruộng trong Hình 3.2 cho thấy pH ở cả ba chế độ quản lí nước khá ổn định, ít có sự thay đổi giữa các lần theo dõi và dao động từ 6,23 đến 7,8. Giá trị pH tập trung ổn định ở mực nước trên mặt ruộng từ 1 đến 5 cm thấp nhất ở giá trị pH 6,65 (AWD1) và cao nhất là 7,80 (AWD2). Khi mực nước trên ruộng bằng 0 đến (- 16,3) cm (AWD2 và AWD3) giá trị pH thấp nhất là 6,23 và cao nhất là 7,40. Giá trị pH này thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Hình 3.2 Diễn biến của pH ở ba chế độ quản lí nước

Theo Astrom (1998) thì pH là một yếu tố quan trọng kiểm soát nồng độ của hầu hết các kim loại nặng trong các kênh thoát nước vùng đất phèn, trừ As. Mức độ phóng thích của các kim loại như Al, Cu, Cr, V có liên quan nhiều vào pH (Trích Ngô Ngọc Hưng, 2009). pH là một trong những yếu tố môi trưởng có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với từng loại cây trồng. Do vậy, khi pH môi trường quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng không tốt cho cây trồng phát triển. Theo Thúy Hằng (2001) độ pH tác động nhiều đến các tính chất vật lí, hóa học, vi sinh vật của đất cũng như sự phát triển và năng suất của cây lúa. Lúc đầu pH của đất là do thành phần và tính chất của đất quyết định. Các điều kiện có thể làm thay đổi độ pH của đất là tuổi của đất là việc sử dụng

lâu dài phân axit (amoni sulfat) hay kiềm (urê) hoặc đưa quá nhiều vôi vào, đất ngập nước, nước bay hơi để lại cạn muối,… Cây lúa phát triển tốt nhất ở đất có độ pH 5 – 7, thậm chí lúa vẫn có thể đạt năng suất cao ở pH bằng 4 hoặc 8 nếu các chất khoáng trong đất đủ để cung cấp cho cây trồng. Độ pH ảnh hưởng tới khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất. Cây lúa đặc biệt nhạy cảm với sự thiếu hụt kẽm; lượng kẽm cũng như sắt dễ hấp thụ sẽ giảm khi pH > 7. Photpho thường phát huy hết tác dụng ở độ pH 6 – 7, còn đối với canxi và kali thì ở độ pH < 6. Nếu pH cao quá 7 thì urê và amoni sulfat có thể bị chuyển hóa thành khí amoniac, đặc biệt đối với đất chứa canxi cabonat. Độ pH thấp sẽ làm giảm tốc độ vi khuẩn giải phóng nitơ từ các chất hữu cơ.

Ảnh hưởng của chế độ nước mặt ruộng đến pH đã được nhiều tác giả nghiên cứu như Pagel (1981), Ponaperuma(1978). Theo Pegel, khi đất có giá trị pH > 7, trong quá trình ngập nước pH giảm dần và tiệm cận với giá trị 7. Nguyên nhân là do CO2 hòa tan trong nước tạo thành HCO3- làm cho pH giảm. Quá trình trung hòa và pha loãng xảy ra làm cho pH của đất giảm và tiệm cận với giá trị 7.

Theo kết quả nghiên cứu của Ponnamperuma (1985) khi ngập nước có xu hướng tăng (hay giảm) pH và tiệm cận về vị trí 7. Đối với các loại đất có pH < 7, do quá trình pha loãng nên độ pH tăng dần và có xu hướng tiệm cận với giá trị 7. Thời gian ngập càng dài, giá trị pH càng tăng. Nguyên nhân là do khi ngập nước, quá trình khử xảy ra. Đây là quá trình sử dụng proton (H+). Do vậy nồng độ H+ trong đất giảm, pH tăng. Đối với các loại đất có giá trị pH cao, quá trình biến đổi pH có xu hướng ngược lại. Giá trị pH càng giảm theo thời gian ngập và cũng có xu hướng tiệm cận với giá trị 7. Hiện tượng này là do CO2 hòa tan trong nước sản sinh ra CO3- làm tăng H+ như đã phân tích ở trên.

Độ pH thấp có thể kích thích làm cho cây lúa nhạy cảm hơn với các chất độc và một số bệnh. Ở độ pH cao các ion bicacbonat và natri có thể làm giảm sản lượng lúa. Bón các chất điều chỉnh có thể làm tăng hay giảm đáng kể độ pH của đất để cây lúa đạt năng suất cao nhất.

Tóm lại: Chế độ tưới và mức độ lân không ảnh hưởng nhiều đến sự biến động của pH nước ruộng.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa om2517 vụ đông xuân 2012 2013 trên vùng đất phèn tại tà đảnh, tri tôn, an giang (Trang 49 - 51)