SỰ BIẾN ĐỘNG EC CỦA NƯỚC TRÊN ĐỒNG RUỘNG

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa om2517 vụ đông xuân 2012 2013 trên vùng đất phèn tại tà đảnh, tri tôn, an giang (Trang 51 - 52)

CHƯƠNG III : KẾT QUẢ THẢO LUẬN

3.3 SỰ BIẾN ĐỘNG EC CỦA NƯỚC TRÊN ĐỒNG RUỘNG

EC (Electric Conductivity) là đại lượng nghịch đảo của điện trở đất, dùng để đo độ dẫn điện. Biểu thị trực tiếp hoặc gián tiếp nồng độ muối hòa tan, nếu trong đất có nhiều muối thì độ dẫn điện của đất cao. Không chỉ đất mặn có lượng muối trong đất cao mà trong đất phèn, do tác động của các acid vào khoáng sét, nồng độ muối trong đất có thể cao và gây hại cho cây. Một loại đất được xem là mặn nếu EC của dịch trích bão hòa lớn hơn 4 mS cm-1 ở 25oC. Các ion chính của các muối hòa tan là Na, Mg, Ca; các anion là SO4, Cl. Trong đó muối NaCl chiếm ưu thế. Ở đất phèn ngập nước, EC nhỏ lúc đầu rồi tăng lên nhanh chóng trong tháng đầu ngập nước, và sau đó giảm xuống rất nhanh. Sự biến thiên này trùng với sự biến thiên của nồng độ Fe2+ và Mn2+ (Ponnamperuma, 1996). Các nghiên cứu về sự thay đổi EC trên đất ngập nước cho thấy EC có khuynh hướng gia tăng đạt đến đỉnh cao và sau đó giảm dần đạt đến một trị số ổn định (Ponnamperuma, 1978). Thông thường, cây trồng không bị ảnh hưởng nhiều ở mức độ EC = 0 – 2 dS/m, ở mức độ 2 – 4 dS/m sẽ ảnh hưởng đến một số loại cây trồng và khoảng mức độ 4 – 8 dS/m sẽ ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng và trên 8 dS/m thì chỉ có một số loại cây trồng chịu đựng được.

Hình 3.3 Diễn biến của EC ở ba chế độ quản lí nước

Dựa vào kết quả nghiên cứu trong Hình 3.3 cho thấy sự biến động của giá trị EC không theo quy luật nào. Ở các chế độ quản lí nước và các liều lượng phân lân thì giá trị EC gần như không có sự thay đổi. Ở chế độ quản lí nước AWD1 là ít biến động nhất, tập trung nhiều nhất trong khoảng 150 – 600 µS/cm; ở AWD2 và AWD3 tập trung nhiều nhất từ 200 – 900 µS/cm. Giá trị EC của các chế độ quản lí nước cao nhất là 1.195 µS/cm, thấp nhất là 100,5

µS/cm, tập trung trong khoảng từ 200 – 1.000 µS/cm. Điều này cho thấy rằng hàm lượng muối hòa tan trong nước thấp không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa om2517 vụ đông xuân 2012 2013 trên vùng đất phèn tại tà đảnh, tri tôn, an giang (Trang 51 - 52)