Lợi ích của việc tiết kiệm nước

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa om2517 vụ đông xuân 2012 2013 trên vùng đất phèn tại tà đảnh, tri tôn, an giang (Trang 34 - 35)

Việt Nam có trên 3,8 triệu ha lúa nước, hàng năm sử dụng một lượng nước rất lớn. Theo thống kê, lượng nước sử dụng hằng năm cho nông nghiệp khoảng 93 tỷ m3, cho công nghiệp khoảng 17,3 tỷ m3, cho dịch vụ là 2 tỷ m3, cho sinh hoạt là 3,09 tỷ m3. Tính đến năm 2030, cơ cấu dùng nước sẽ thay đổi theo hướng nông nghiệp 75%, công nghiệp 16%, tiêu dùng 9%. Do vậy, tiết kiệm nước trong nông nghiệp hết sức có ý nghĩa trong điều kiện biến đổi khí hậu (Tổng Cục Thủy Lợi, 2013). Việc áp dụng rộng rãi một chế độ canh tác khoa học nhằm tiết kiệm nước tưới là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới, mở rộng diện tích tưới, tăng hiệu quả công trình thủy lợi và cải thiện môi trường. Áp dụng tưới tiết kiệm nước trong canh tác lúa nước là một cách khoa học sẽ tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư (giảm phân bón, giảm điện năng, giảm nhân công), ổn định chất lượng sản phẩm nông sản, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Để giảm lượng phát thải khí nhà kính, một trong những biện pháp chính là giảm phát thải khí metan trên vùng trồng lúa nước. Nguyên nhân metan sinh ra trên ruộng lúa là do ngập nước. Khi rút nước phơi ruộng giữa vụ, rút nước định kì, lộ ruộng thì phát thải khí metan giảm rõ rệt. Lượng phát thải khí metan tăng dần theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và cao nhất là vào giai đoạn trổ (Towprayoon et al., 2005). Kết quả nghiên cứu từ những thập niên 1990, lượng phát thải CH4 góp vào 10% trong tổng số lượng khí làm hiệu ứng khí nhà kính trong canh tác nông nghiệp theo hướng truyền thống, tức tưới ngập liên tục (Trích Nguyễn Trường Giang, 2013).

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa om2517 vụ đông xuân 2012 2013 trên vùng đất phèn tại tà đảnh, tri tôn, an giang (Trang 34 - 35)