Sự lưu tồn lân trong đất

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa om2517 vụ đông xuân 2012 2013 trên vùng đất phèn tại tà đảnh, tri tôn, an giang (Trang 37 - 38)

Cây trồng thường không sử dụng hết lượng dinh dưỡng đã được cung cấp trong một vụ, lượng dư thừa này cho các vụ sau gọi là sự lưu tồn. Sự lưu tồn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, lượng phân cung cấp, khả năng hấp thu của cây trồng, đặc tính đất (Wilmal. Marquer và ctv., 1992 trích dẫn bởi Nguyễn Xuân Ngọc, 2007). Với việc lưu tồn dưỡng chất giúp giảm bớt lượng phân bón cho cây trồng trong các vụ tiếp theo vì thế mà cũng giảm được chi phí sản xuất.

Theo Nguyễn Nhu Hà (2006) tỉ lệ lân trong đất Việt Nam thường biến động từ 0,03 đến 0,12%. Tỷ lệ lân trong đất phụ thuộc vào tính chất đá mẹ, thành phần cơ giới và tỷ lệ chất hữu cơ. Đất giàu hữu cơ có tỷ lệ lân cao. Đất có thành phần cơ giới nặng có hàm lượng lân cao hơn đất có thành phần cơ giới nhẹ.

Theo Đỗ Thị Thanh Ren (2004) thời gian phân lân tiếp xúc với đất càng lâu, lượng lân cố định càng lớn. Ngay sau khi bón phân, cây có khả năng thu hút tốt nhất lượng phân bón vào. Trên một số loại đất có khả năng cố định lân cao thời gian này có thể ngắn, ngược lại trên các loại đất khác nhau thời gian sử dụng phân có thể dài đến một tháng hoặc đôi khi đến một năm. Vì vậy tùy theo loại đất, có thể bón phân một lần trong chu kì sinh trưởng của cây, hoặc chia ra làm nhiều lần bón. Các loại đất ở vùng khí hậu ẩm thường cố định nhiều lân hơn đất ở vùng khí hậu lạnh.

Theo Hoàng Minh Châu (1998) ở các vùng đất úng lượng lân sẵn có thường cao nhưng vẫn nên bón lân nhất là đối với một số loại đất có khả năng giữ chặt lân. Theo Gros (1967) một phần phân lân bón vào đất bị cố định, tức là bị mất hoàn toàn hoặc tạm thời tính hòa tan vì vậy cần bón một lượng phân lân lớn hơn lượng lân lấy đi do sản phẩm thu hoạch để duy trì khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của môi trường ở mức thích hợp.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, liều lượng phân lân lên sinh trưởng và năng suất lúa om2517 vụ đông xuân 2012 2013 trên vùng đất phèn tại tà đảnh, tri tôn, an giang (Trang 37 - 38)