Nhân vật di cư – thế hệ thứ nhất

Một phần của tài liệu đặc trưng truyện ngắn jhumpa lahiri (Trang 36 - 64)

Chương hai: HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT DI CƯ TRONG TRUYỆN NGẮN JHUMPA LAHIR

2.3.1. Nhân vật di cư – thế hệ thứ nhất

Thế hệ thứ nhất là những người đã được sinh ra và trưởng thành ở Ấn Độ, sau vì hoàn cảnh: học tập, việc làm (đối với người đàn ông); theo chồng (đối với người phụ nữ) chuyển đến định cư ở các nước Âu – Mỹ. Ra đi khi bản sắc đã được xác lập và hoàn thiện, quá trình hội nhập trên xứ tạm dung của thế hệ thứ nhất diễn ra khó khăn và phức tạp. Không ở vào hoàn cảnh ấy nhưng Jhumpa Lahiri thấu hiểu như thể cô đã trực tiếp trải nghiệm nó. Truyện của cô là những khoắc khoải rung lên những giai điệu cuộc đời của thế hệ thứ nhất.

2.3.1.1. Giấc mơ Mỹ (American Dream)

Giấc mơ Mỹ là khái niệm lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà văn James Truslow Adams trong cuốn Thiên hùng ca Mỹ (The Epic of America) xuất bản năm 1913: “Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một vùng đất ở đó cuộc sống đáng tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình. Đấy là một giấc mơ khó khăn cho tầng lớp thượng lưu

2T

châu Âu2T diễn giải đầy đủ, và cũng thật khó khăn cho tất cả chính chúng ta, những người càng ngày ngờ vực và không tin tưởng vào nó. Nó không phải là một giấc mơ về các loại xe hơi hay đơn thuần là tiền lương cao, nhưng là một giấc mơ về trật tự xã hội mà trong đó mọi đàn ông và đàn bà sẽ có thể đạt được tầm vóc đầy đủ cái khả năng bẩm sinh của mình, và được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ, không phân biệt môi trường hoàn cảnh sinh ra hay địa vị ngẫu nhiên của họ” [50].

Với các nhân vật trong hai tập truyện của Jhumpa, Giấc mơ Mỹ thể hiện khát vọng đổi đời của những người trí thức Ấn Độ. Khi nhận thấy hoàn cảnh bất ổn ở quê nhà “đứng trên mái nhà chứng kiến những cuộc biểu tình, nổi loạn, hay giấu hàng xóm trong bể nước để họ không bị bắn” [17, tr. 45]; điều kiện học tập hạn chế “học bài dưới đèn dầu khi mất điện, áp lực, các kỳ thi triền miên” [17, tr. 45]; cơ hội tìm việc làm phù hợp với năng lực xa vời, cơ hội làm giàu càng khó thực hiện, họ đã rời bỏ Ấn Độ để tiến về hướng Tây, quyết chí lập thân ở nước ngoài.

Các nhân vật bắt đầu cuộc hành trình hiện thực hóa Giấc mơ Mỹ của mình từ con số không: không nhà cửa, không bạc tiền, không người thân thích… Họ phải trú thân ở những nơi rẻ tiền: “buồng vệ sinh lạnh lẽo” [17, tr. 250], “căn bếp bé tí tẹo có thể ám mùi bất cứ món gì được nấu, phòng ngủ ảm đạm, ánh sáng ban ngày chẳng thể nào xuyên qua được” [18, tr. 36]. Đây là sự đón tiếp đầy cam go của miền đất hứa đối với hầu hết dân di cư, rèn đúc cho họ: “tinh thần của người được sống sót” [18, tr. 82], “chẳng có chướng ngại vật nào là không thể vượt qua” [17, tr. 286]. Chấp nhận thử thách là phương sách tồn tại của những người di cư. Song song đó, họ miệt mài học tập, nghiên cứu để sở hữu trong tay những tấm bằng: bằng Tiến sĩ ngành Sinh hóa, bác sĩ, kỹ sư… và tìm cho mình việc làm với mức thu nhập cao. Jhumpa Lahiri miêu tả sự thành công của họ trên nhiều phương diện khác nhau: công việc, nhà cửa, con cái… Sanjeev (Ngôi nhà được ban phước) làm việc cho Connecticut với chức vụ phó giám đốc: “Ở tuổi ba mươi ba anh đã có thư ký riêng, có một tá người làm việc dưới quyền, những người luôn vui vẻ cung cấp cho anh bất cứ thông tin nào anh cần” [17, tr. 196]. Trước khi kết hôn anh tìm được một ngôi nhà ưng ý ở một nơi có hệ thống trường học tốt: “Ngôi nhà với cầu thang uốn cong trang nhã, lan can bằng sắt, ván ốp chân tường màu tối, một nhà tắm nắng nhìn ra những bụi đỗ quyên, có hai lò sưởi, một gara chứa đủ hai xe ô tô và một phòng áp mái” [17, tr. 208]. Nhân vật Tôi (Lục địa thứ ba, lục địa cuối cùng) làm việc ở thư viện của Học viện công nghệ Massachusetts: “với mức lương hậu hĩnh đủ chu cấp cho một gia đình” [17, tr. 251]. Ngôi nhà của ông cách Boston 20 dặm: “trong ngôi nhà của chúng tôi, có phòng cho khách, có mảnh vườn cho chúng tôi trồng khoai tây. Giờ đây chúng tôi là công dân Mỹ có thể có phúc lợi xã hội. Chúng tôi có cậu con trai học trường Harvard” [17, tr. 284]. Cha Ruma (Vùng đất lạ) làm việc ở công ty Dược phẩm. Ông sống cùng vợ và hai con trong: “ngôi nhà lớn mà ông đã mua ở khu ngoại ô có những cây liễu trong sân sau, có phòng riêng cho mỗi đứa con và một tầng hầm chất đầy các món đồ chơi của chúng” [18, tr. 36]. Cha Usha (Địa ngục – thiên đường) làm việc như một chuyên viên nghiên cứu tại

Mass Genneral. Cả gia đình ông sống trong: “một căn hộ nằm trong khu nhà ốp ván màu nâu ở Ashburton Place” [18, tr. 77].

Việc đạt thành Giấc mơ Mỹ của thế hệ thứ nhất đã khẳng định sức mạnh và vai trò của giáo dục đối với quá trình lập thân của những người di cư. Phải chăng đây chính là kinh nghiệm mà Jhumpa muốn chia sẻ với những ai đang sống trong tình trạng không nhà, đang loay hoay tìm đường đến cổng mặt trời của miền đất hứa?

Cuộc hành trình biến ước ước mơ thành hiện thực của những người Ấn Độ di cư luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách. Và thành công không phải là kết quả duy nhất. Có không ít trường hợp đã thất bại. Một vài người trong số đó, quyết định trở lại quê hương: Cha mẹ Amit (Lựa chọn nơi cư trú) quyết định quay về Ấn Độ vì cho rằng con trai họ không phát triển được ở trường Y Khoa Harvard; cha mẹ Kaushik (Một lần trong đời) sau 12 năm bám trụ trên đất Mỹ cũng quyết định dọn mọi thứ quay trở về Ấn Độ, từ bỏ cuộc đấu tranh mà họ đã lao vào. Số khác thì sống bên lề nước Mỹ, đối diện với một cái án chung thân vì là người nước ngoài. Thất bại ở cả hai nơi khiến cho cuộc sống của họ rơi vào bế tắc không lối thoát. Họ phiêu bạt khắp nơi để mong tìm ra một trú xứ cho mình.

Bên cạnh việc thực hiện Giấc mơ Mỹcho chính mình, các bậc cha mẹ Ấn Độ còn thực hiện giấc mơ ấy cho con cái. Họ sắp đặt đường tiến thân cho con: chọn trường học danh tiếng, chọn ngành học có nhiều cơ hội và không chấp nhận bất cứ sự lệch hướng nào, để yên tâm rằng con cái có thể làm rạng danh cho cha mẹ. Cha Ruma (Vùng đất lạ) thích con gái học ngành sinh vật hơn lịch sử nên đã hết lời thuyết phục con gái và né tránh các khoản chi phí của cô ở trường luật. Cha mẹ Amit (Lựa chọn nơi cư trú) đã thu xếp chuyện trường lớp cho anh mà không cần biết anh có đồng ý hay không. Còn cha mẹ Sudha (Điều tốt đẹp duy nhất) cũng ra sức sắp đặt việc học hành của con cái: “Khi Sudha 14 tuổi, cha cô đã viết cho trường Y khoa Harvard, yêu cầu gởi cho ông một đơn xin nhập học và đặt nó lên bàn cô” [18, tr. 161]. Bằng cách này, các bậc cha mẹ nuôi hy vọng có thể xây đắp một bức tường thành truyền thống vững chắc để con cái mình tựa vào mà tiến thẳng

vào xã hội Mỹ, miễn trừ khỏi những cực khổ và bất công mà họ đã để lại phía sau Ấn Độ. Đây là vấn đề có tính hai mặt mà biểu hiện của nó là sự thành tài hoặc hư hỏng của thế hệ con cái.

2.3.1.2. Hôn nhân sắp đặt (arranged marriage)

Hôn nhân do cha mẹ sắp đặt là phong tục truyền thống của Ấn Độ. Khi con cái đến tuổi lập gia đình, các bậc cha mẹ tiến hành thu xếp hôn nhân. Hiện tượng này được phản ánh khá rõ nét trong truyện ngắn Jhumpa Lahiri. Mỗi cuộc hôn nhân có một kiểu dáng riêng, nhưng cơ bản đều là những cuộc hôn nhân không có tình yêu, nền tảng của nó là những quy định về bổn phận đã tồn tại ở Ấn Độ suốt mấy nghìn năm qua.

Nhân vật xưng tôi (Lục địa thứ ba, lục địa cuối cùng) chấp nhận một cuộc hôn nhân do anh trai và chị dâu sắp đặt ở tuổi ba mươi sáu với thái độ: “không phản đối mà cũng chẳng nhiệt tình”, xem đây là “nghĩa vụ phải làm, cũng như tất cả người đàn ông phải làm” [17, tr. 262]. Vì vậy, ông tiếp nhận những thông tin về người bạn đời một cách hờ hững, không tỏ ra vui mừng khi người ta bảo cô có tài nấu nướng, thêu thùa, hay thất vọng khi biết cô không được khả ái cho lắm. Đối với ông, tất cả đã được sắp đặt đâu vào đấy, ông cứ theo đó mà thực hiện.

Cha Ruma (Vùng đất lạ) xem hôn nhân đồng nghĩa với phép cộng sinh, là sự kiện để bản thân ông có được người đồng hành trong cuộc đời. Và tất nhiên, giữa ông và vợ thiếu vắng tình yêu lãng mạn. Ông chưa từng yêu vợ trong suốt gần 40 năm chung sống. Ông thừa nhận rằng: “Bà Bagchi đã yêu chồng mình hai năm nhiều hơn ông đã yêu vợ ông trong vòng 40 năm” [18, tr. 38].

Cuộc hôn nhân của cha mẹ Usha (Địa ngục – thiên đường) cũng được sắp đặt. Trước đó, họ là những người xa lạ với nhau. Cha Usha cưới vợ chỉ để xoa dịu cha mẹ ông. Chính vì vậy, Usha nhận thấy bản thân mình tồn tại như là: “bằng chứng cuộc hôn nhân của cha mẹ cô, một kết quả được giả định của cuộc sống mà mẹ cô đã được nuôi dạy để đi đến đó” [18, tr. 84].

Hôn nhân của cha mẹ Sudha (Điều tốt đẹp duy nhất) là “một thực tế phức tạp, chẳng phải là hạnh phúc mà cũng không phải là không hạnh phúc. Nó thiếu vắng cảm xúc mạnh mẽ ở cả hai cực” [18, tr. 171]

Chúng ta biết rằng, hôn nhân là sự kết hợp của các cá nhân về mặt tình cảm, thông thường là tình yêu. Thế nhưng, tình yêu lại là yếu tố thiếu vắng trong hôn nhân của các nhân vật trong truyện. Đây là một nghịch lý mà ngay chính bản thân Jhumpa Lahiri cũng thắc mắc khi chứng kiến đời sống hôn nhân của cha mẹ. Họ cư xử như những người xa lạ, không ôm hôn hay cầm tay, không nồng nhiệt, cởi mở, không dễ dàng bày tỏ niềm hạnh phúc với nhau và đôi khi còn xảy ra cãi vã. Thế nhưng, họ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ly dị, vì theo họ: Hôn nhân chính là nơi thực hiện các nghĩa vụ của con người. Đời sống gia đình là sự lao động vất vả chứ không phải là môi trường lãng mạn của tình yêu.

Hôn nhân sắp đặt chi phối rất lớn đến thái độ cư xử của hai vợ chồng. Người đàn ông thường tỏ ra lạnh lùng và tàn nhẫn. Nhân vật tôi (Lục địa thứ ba, lục địa cuối cùng) chẳng mảy may động lòng trước lời lẽ chân thành của vợ trong bức thư:

“tôi chờ đợi cô như chờ đợi tháng tiếp theo hay mùa tiếp theo – một cái gì đó không tránh khỏi nhưng ở thời điểm hiện tại thì không có nghĩa lí gì” [17, tr. 274]. Cha Ruma (Vùng đất lạ) thản nhiên để vợ chờ cơm chiều đến tận chín giờ tối hay bỏ ngoài tai lời đề nghị đi du lịch của bà. Ông xem đó chỉ là ý nghĩ bất thình lình, vì trong tất cả những năm sống bên nhau, họ chưa hề bao giờ đi nghỉ, thậm chí ông cũng không hiện diện khi vợ ông qua đời hay nhỏ lấy một giọt lệ khóc thương bà. Cha Usha (Địa ngục – thiên đường) lại là một người tình lặng lẽ và cô độc: “tồn tại trong chiếc vỏ sò của mình, không thích vượt quá giới hạn, cũng không có lòng thèm khát” [18, tr. 82]. Thay vì ghen tị và ngờ vực về những đợt viếng thăm đều đặn của Pranad thì ông lại thầm biết ơn Pranad đã giúp ông giải thoát tinh thần trách nhiệm mà ông cảm thấy phải chịu vì đã buộc vợ rời xa Ấn Độ. Ông đã giả lơ trước nỗi nhớ nhà của bà, thậm chí còn gợi ý: “Nếu em không thấy vui thì hãy quay về Calcutta đi” [18, tr. 95]. Ông xác định rõ ràng rằng việc sống chia cách như thế chẳng tác động gì đến ông theo cách này hay cách khác.

Trong khi đó, người phụ nữ Ấn Độ đặt trọn niềm tin vào cuộc nhân do cha mẹ sắp đặt. Trong tình thế “không hề được nuôi dạy để sống một mình” [18, tr. 37], họ xem người đàn ông là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần, dành cả cuộc đời phục vụ cho chồng, chăm sóc tận tình cho con cái: nấu ăn, dọn dẹp, pha trà, đem bánh kem mời khách… Thế nhưng, sự đảm đang chịu đựng của họ không phải lúc nào cũng được đáp đền bằng một cuộc sống hạnh phúc. Cô Sen ngày ngày dùng hết thời gian của mình để dọn dẹp, lau chùi, nấu nướng cho chồng nhưng chẳng bao giờ nhận được một lời nói ngọt ngào hay một cử chỉ âu yếm. Mẹ Ruma cả cuộc đời ôm nỗi oán hận vì những nhu cầu bị chồng cố tình lãng quên. Mẹ Usha khao khát được chia sẻ đến mức ngoại tình trong tư tưởng với đứa em nuôi của chồng. Tất cả họ là những người vợ, người mẹ tội nghiệp, giao vận mệnh của mình cho một người xa lạ, nỗ lực vun đắp tình cảm và thuyết phục mình rằng đây là cuộc sống mà họ chắc chắn phải trải qua. Nó giống như định mệnh đã được hóa công an bài.

Có thể thấy rằng, các cuộc hôn nhân của thế hệ thứ nhất đa phần tuy không đổ vỡ về mặt hình thức nhưng lại kéo dài tẻ nhạt và mệt mỏi. Để giải quyết tình thế này, Jhumpa đề xuất hai lối thoát:

Thứ nhất: cái chết của một trong hai người. Đây là hoàn cảnh của cha mẹ Ruma. Mẹ cô đã ra đi như một điều giả định trong suy nghĩ của cha cô: “Cái chết của mẹ cô làm ông thấy nhẹ nhàng hơn, trái ngược hẳn với những gì nó gây ra cho ” [18, tr. 8]. Ông vẫn thường nghĩ về bà nhưng đó không phải là nỗi nhớ xuất phát từ tình yêu mà vì một niềm day dứt đeo mang. Ông day dứt vì đã cư xử lạnh lùng với bà trong suốt mấy mươi năm chung sống.

Thứ hai: giải pháp thời gian. Tình cảm vợ chồng dần dần được vun đắp dựa trên nền tảng các giá trị truyền thống. Nhân vật tôi cảm thấy gần gũi hơn với Mala sau lời khen tặng ngọt ngào của bà Croft: “Cô là một quý bà đích thực” [17, tr. 283]. Và cũng từ giây phút ấy, họ có cảm tình với nhau, cùng nhau khám phá cuộc sống, đi dạo, rồi khám phá: “khoái lạc và sự an ủi trong vòng tay nhau” [17, tr. 284]. Mối quan hệ giữa cha mẹ Usha cũng được cải thiện theo thời gian. Trái tim

tan nát của mẹ cô được hàn gắn lại, khi đến tuổi già, bà và cha cô lại đâm ra thích nhau, tình cảm nồng ấm biểu hiện qua: “cách đùa cợt thầm lặng, sự đoàn kết, mối quan tâm lẫn nhau khi một trong hai người ngã bệnh” [18, tr. 101].

Tóm lại, thông qua những câu chuyện cảm động, Jhumpa đã đề xuất phương cách giải mã được ẩn số hạnh phúc trong các cuộc hôn nhân của những người Ấn Độ di cư: quá khứ + hiện tại = hạnh phúc. Hạnh phúc có được khi bản thân biết hòa nhập với hiện tại nhưng đồng thời không quên đi quá khứ của mình.

2.3.1.3. Cảm thức lưu vong

Hoài cảm

Trú ngụ trên những vùng đất xa lạ, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách do những khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa…mang lại,

những người Ấn Độ lưu vong thường có xu hướng nhớ về quá khứ. Bằng những ký ức về quá khứ, họ tìm kiếm nguồn dinh dưỡng cho những tâm hồn đang đói khát tình cảm “Ký ức đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với người lưu vong. Không có ai sống mà không cần ký ức. Nhưng có lẽ không ai cần ký ức và bị ám ảnh bởi ký ức một cách day dứt cho bằng người lưu vong: ký ức không những là tài sản mà còn là bầu khí quyển trong đó người lưu vong tồn tại, hơn nữa là điều kiện mang tính bản thể luận để người lưu vong trở thành lưu vong” [56].

Các nhân vật của Jhumpa chưa bao giờ thôi nghĩ về quá khứ. Nhà là hình ảnh

Một phần của tài liệu đặc trưng truyện ngắn jhumpa lahiri (Trang 36 - 64)