Khuôn khổ pháp lý quản lý hoạt động nhượng quyền thương mạ

Một phần của tài liệu kHÓA LUẬN NGOẠI THƯƠNG Thực trạng và triển vọng phát triển nhượng quyền phương thức kinh doanh tại Việt Nam.doc (Trang 25 - 28)

1.1. Các quy định pháp luật về nhượng quyền thương mại

Mặc dù đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỉ trước song cho đến nay, phương thức nhượng quyền thương mại vẫn còn khá mới mẻ không chỉ với các doanh nghiệp mà còn đối với các nhà quản lý, các chuyên gia hoạch định chính sách kinh tế. Từ thời điểm tháng 6 năm 2005 trở về trước, hầu như chưa có văn bản pháp lý nào của Việt Nam đề cập đến khái niệm nhượng quyền thương mại. Và cũng phải tính từ thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2006 (thời điểm hiệu lực của Luật Thương mại 2005) thì mới có những quy định về hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Trong thời gian đầu trước khi Luật Thương mại 2005 đưa ra những quy định cụ thể về nhượng quyền thương mại, hoạt động này mới chỉ được coi như một hoạt động chuyển giao công nghệ đơn thuần. Chính vì vậy, nhượng quyền thương mại chỉ được nhắc đến trong các văn bản pháp luật về chuyển giao công nghệ. Trong mục 4.1.1 thông tư 1254/1999/TT-BKHCNMT do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành ngày 12/7/1999 về vấn đề chuyển giao công nghệ có nhắc tới cụm từ “Hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh”. Theo đó, các hợp đồng với nội dung cấp li xăng, sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, kèm theo các bí quyết sản xuất, kinh doanh được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam có giá trị thanh toán cho một Hợp đồng trên 30.000 USD (hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh - tiếng Anh gọi là franchise) sẽ do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt.

Theo Thông tư 30/2005/TT-BKCN của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì

“cấp phép đặc quyền kinh doanh còn gọi là Nhượng quyền thương mại trong Luật

Thương mại (franchise).” Và trong nghị định số 11/2005/NĐ-CP, khái niệm “cấp phép

đặc quyền kinh doanh” được đề cập như sau: “..cấp phép đặc quyền kinh doanh, theo đó Bên nhận sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa và bí quyết của Bên chuyển giao

để tiến hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, thời hạn hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh do hai bên thỏa thuận theo quy định pháp luật”.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế cùng với những nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Thương mại Việt Nam ban hành tháng 6 năm 2005 đã có những quy định chính thức về nhượng quyền thương mại. Chỉ gồm 8 điều trong tổng số 324 điều luật của Luật Thương mại nhưng những quy định về nhượng quyền thương mại cũng giúp các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam bước đầu có những khái niệm cụ thể về hoạt động này. Và nhượng quyền thương mại chính thức xuất hiện như một loại hình kinh doanh độc lập và mới mẻ, chứ không chỉ xuất hiện trong các quy định nhằm tháo gỡ tạm thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ.

Như vậy từ năm 2006, hoạt động nhượng quyền thương mại chịu sự điều chỉnh chính thức của Luật Thương mại. Những quy định về nhượng quyền thương mại tại đây sau đó đã được cụ thể hóa trong các thông tư nghị định sau:

Nghị định số 35/2006/NĐ-CP do chính phủ ban hành ngày 31/03/2006: Với 3 chương, 28 điều, mục tiêu của Nghị định này nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể sau: quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh và trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, hướng dẫn về việc cung cấp thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhượng quyền, bên nhận quyền và người tiêu dùng.

Thông tư 09/2006/TT-BTM do Bộ Thương mại ban hành ngày 25/5/2006 để hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Thông tư này quy định cụ thể thủ tục tiến hành đăng ký hoạt động nhượng quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký, thương nhân thực hiện đăng ký nhượng quyền.

1.2. Thực trạng áp dụng luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại

Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nhượng quyền thương mại trước khi Luật Thương mại 2005 có hiệu lực chủ yếu là do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam đảm trách vì khi đó nhượng quyền thương mại được coi là hoạt động chuyển giao công nghệ hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng

thương hiệu dưới dạng cấp phép sử dụng nhãn hiệu hàng hoá (theo hợp đồng li-xăng). Ngoài ra, nếu cơ sở kinh doanh nhượng quyền được thành lập dưới hình thức công ty liên doanh thì cơ sở đó sẽ phải xin giấy phép đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với những thủ tục hành chính rườm rà gây rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư.

Kể từ khi Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định 35/2006/NĐ-CP ra đời với những quy định chi tiết về hoạt động nhượng quyền thương mại thì Bộ Thương mại sẽ là đơn vị “chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động nhượng quyền thương mại”. Tuy nhiên, cũng theo Luật Thương mại và Nghị định 35/2006/NĐ-CP: “trong trường hợp Bên nhượng quyền chuyển giao cho bên nhận quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp” và “sở hữu trí tuệ” thì “phần chuyển giao sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp”, “sở hữu trí tuệ” trong hợp đồng nhượng quyền thương mại phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ”. Như vậy, đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại với các đối tượng sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ sẽ đồng thời phải chịu sự quản lý của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Sở hữu Công nghiệp và Bộ Thương mại.

Theo tinh thần của Nghị định 35/2006/NĐ-CP và Thông tư 09/2006/TT-BTM, Bộ Thương mại và các Sở Thương mại các tỉnh, thành phố là cơ quan tiếp nhận đăng kí và quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại. Mẫu hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại trên địa bàn gồm đơn xin đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại, bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương, bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong chuyển giao quyển sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Ngoài việc bước đầu xây dựng khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động như đã phân tích ở trên, cho đến nay Chính phủ chưa có các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động nhượng quyền thương mại khiến hoạt động này phát triển chưa thật tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Tóm lại, trước khi có Luật Thương mại 2005, quản lý Nhà nước về hoạt động nhượng quyền thương mại còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể điều chỉnh hoạt động này khiến các doanh nghiệp nhượng quyền hoạt động trong tình trạng vừa làm vừa học hỏi và nảy sinh rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thêm vào đó, việc không có các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động này khiến hoạt động này phát triển chưa thật mạnh mẽ và cũng chưa thật sự có hiệu quả. Khi Luật Thương mại 2005 ra đời, mặc dù tuy chưa đầy đủ, cụ thể và chi tiết được như quy định ở những nước phát triển khác, những quy định ban đầu về nhượng quyền thương mại cũng đã đặt nền tảng cho việc quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam từ nay về sau.

Một phần của tài liệu kHÓA LUẬN NGOẠI THƯƠNG Thực trạng và triển vọng phát triển nhượng quyền phương thức kinh doanh tại Việt Nam.doc (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w