2.1. Đối với doanh nghiệp nhượng quyền
Để thực hiện nhượng quyền thành công, nhằm phát triển thương hiệu và thu lợi nhuận, doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện những vấn đề sau:
Đầu tư xây dựng, duy trì và nâng cao giá trị thương hiệu
Trên thực tế, sự phát triển của hoạt động nhượng quyền thượng mại đặt trên nền tảng của thương hiệu. Khác với các loại hàng hoá thông thường, thương hiệu là một loại hàng hoá trí tuệ, là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp. Vì vậy, chủ thương hiệu cần luôn luôn chú trọng đến việc làm thương hiệu của mình ngày một lớn mạnh để thu thêm nhiều nguồn lợi kinh tế từ tài sản trí tuệ này. Để có thể xây dựng một thương hiệu mạnh, doanh nghiệp phải đầu tư thuê tư vấn, thiết kế nhãn hiệu, lôgô, bao bì hàng hoá, và quan trọng hơn là chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và quảng bá sản phẩm. Hiện nay tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ thương hiệu còn chưa tốt, gây ra nhiều thiệt hại cho các nhà nhượng quyền như không thu được phí chuyển nhượng, cửa hàng giả gây mất uy tín doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cũng cần phải đăng ký bảo hộ cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình để bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thương hiệu, tránh được những tranh chấp nảy sinh sau này.
Hoàn thiện các bước chuẩn bị cho việc tiến hành nhượng quyền
Khi xây dựng được một chiến lược nhượng quyền chi tiết, chặt chẽ, thành công của hợp đồng nhượng quyền phương thức kinh doanh sẽ được đảm bảo hơn.
Trước khi tiến hành nhượng quyền, doanh nghiệp cần xây dựng một mô hình kinh doanh chuẩn để thử nghiệm quy trình hoạt động và bí quyết kinh doanh. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đăng kí bảo hộ sở hữu trí tuệ để bảo vệ mô hình của mình không bị sao chép làm giả và tránh những tranh chấp có thể có. Chủ thương hiệu cũng phải xây dựng được một đội ngũ nhân viên quản lý chủ chốt có năng lực và kiến thức chuyên
môn trong lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền để thực hiện quản lý giám sát các cơ sở nhận quyền sau này.
Sau đó, doanh nghiệp xây dựng một kế hoạch hỗ trợ cho bên nhận quyền, đồng thời tính phí nhượng quyền và xây dựng hợp đồng nhượng quyền chặt chẽ. Việc lựa chọn đối tác nhận quyền cũng vô cùng quan trọng vì nó quyết định đến sự thành công của việc nhượng quyền, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống cũng như uy tín của chủ thương hiệu. Bên nhận quyền phải đảm bảo đối tác phù hợp với những tiêu chí lựa chọn mà mình đề ra thông qua những yêu cầu và cam kết bên nhận quyền phải đáp ứng trong hợp đồng.
Doanh nghiệp cũng cần soạn thảo và xem xét chi tiết các điều kiện của hợp đồng nhượng quyền, trên cơ sở cân nhắc khả năng của bên nhận quyền, mục tiêu phát triển của mình tại khu vực nhượng quyền và các yếu tố địa phương từ đó lựa chọn loại hợp đồng và xây dựng các tiêu chí cụ thể cho phù hợp.
2.2. Đối với bên nhận quyền tiềm năng
Trước khi tham gia vào hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp cần tìm hiểu một số vấn đề sau:
Tìm hiểu về mô hình hoạt động kinh doanh
Doanh nghiệp cần xem xét xem hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp có ý định nhận quyền cũng như cách thức hoạt động của mô hình kinh doanh đó có phù hợp với điều kiện và khả năng của doanh nghiệp mình hay không vì không có gì để bảo đảm cho việc mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền đã thành công trong một vài cơ sở nhượng quyền cũng sẽ thành công trong điều kiện của mình.
Nghiên cứu nhu cầu của thị trường đối với hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp chủ thương hiệu
Đây là việc làm rất quan trọng vì nó quyết định đến khả năng phát triển của công việc kinh doanh. Có thể tìm kiếm thông tin về vấn đề này thông qua doanh số của các doanh nghiệp nhận quyền trong hệ thống và qua các số liệu thống kê về tiềm năng phát triển của loại hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đang có ý định nhận quyền. Doanh nghiệp cũng cần phải điều tra phân tích các thông tin có liên quan đến các đối thủ cạnh tranh để đánh giá cơ hội và thách thức của mình. Bên cạnh đó cũng cần phải xem xét loại hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp có ý định nhận quyền có phù hợp với địa phương nơi dự định tiến hành công việc kinh doanh hay không.
Xem xét uy tín và năng lực của doanh nghiệp chủ thương hiệu và hoạt động hiện tại của hệ thống nhượng quyền
Doanh nghiệp cần dựa trên những thành tích mà chủ thương hiệu đạt được trong quá trình hoạt động cũng như thông qua việc quan sát hoạt động của những đối tác nhận quyền của chủ thương hiệu trong quá khứ cũng như trong hiện tại để đánh giá được uy tín cũng như độ tin cậy của doanh nghiệp chủ thương hiệu. Một yếu tố khác cần được xem xét là tình hình tài chính của doanh nghiệp chủ thương hiệu vì đây là một chỉ tiêu nói lên hiệu quả của hoạt động nhượng quyền cũng như khả năng của doanh nghiệp chủ thương hiệu.
Sau khi xem xét các vấn đề trên và đi đến quyết định nhận quyền kinh doanh thì trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền, doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng và đàm phán với chủ thương hiệu về các điều khoản nếu cần thiết để có thể đạt được lợi ích cao nhất từ hợp đồng nhượng quyền và tránh xảy ra tranh chấp. Những điểm cần chú ý xem xét trong hợp đồng nhượng quyền bao gồm: nghĩa vụ của bên nhượng, quyền và nghĩa vụ của bên nhận, thời gian gia hạn hợp đồng và phạm vi nhượng quyền.
Một điểm đáng lưu ý nữa đối với các doanh nghiệp nhận quyền từ các chủ thương hiệu nước ngoài là cần sự tìm hiểu kĩ lưỡng về chủ thương hiệu, về loại hình nhượng quyền là nhượng quyền một đơn vị hay khu vực hay nhượng quyền thứ cấp, đặc biệt chú
ý đến các yếu tố bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như thiết lập một kênh thông tin liên lạc thường xuyên và đáng tin cậy với bên nhượng quyền. Sự thận trọng luôn là yếu tố cần thiết nhất cho sự thành công của một hợp đồng nhượng quyền.
Tóm lại, nhượng quyền phương thức kinh doanh là một hình thức kinh doanh mới mẻ
nhưng đầy tiềm năng tại Việt Nam. Nếu có được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và sự chuẩn bị kĩ càng từ phía doanh nghiệp, những hạn chế và rủi ro là có thể tránh khỏi, đảm bảo cho sự phát triển thành công của hình thức này tại Việt Nam trong tương lai gần.