Thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Một phần của tài liệu Giải pháp tiêu thụ các sản phẩm làng ngề ở huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu.doc (Trang 40 - 43)

Thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm. Làng nghề cần quan tâm đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, tăng số lượng sản phẩm bán ra, tăng doanh thu từ đó tăng lợi nhuận của các hộ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành nghề nông thôn nói chung và của làng nghề nói riêng hiện đang là một vấn đề cấp thiết, cần chú trọng quan tâm.

Hình 7: Thị trường tiêu thụ các sản phẩm làng nghề

Theo kết quả điều tra, thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề đan đát chủ yếu là trong tỉnh, chiếm 84,88%. Như đã được phân tích ở trên, sản phẩm chính chủ yếu của làng nghề là cần xé, và hình thức bán là bán tại chỗ cho thương lái, cho các vựa. Sản phẩm làng nghề được bán rải rác nhiều nơi, nên việc xác định chính xác sản phẩm bán ở đâu, bán cho ai, bán bao nhiêu là hết sức khó khăn. Theo số liệu điều tra từ các thương lái và các vựa thì sản phẩm cần xé của làng nghề chủ yếu được bán cho các vựa trái cây trong huyện Phước Long, huyện Hòa Bình, và thành phố Bạc Liêu. Đặc biệt, sản phẩm cần xé được bán nhiều nhất là ở các vựa trái cây tại chợ Cải- phường 3, thành phố Bạc Liêu như: vựa trái cây Lực, Tài, vựa trái cây bà Quân, vựa trái cây Ba Tam, vựa trái cây Nhựt, Sang... (khoảng 12 vựa). Ngoài ra, cần xé của làng nghề còn được tiêu thụ tại các cở sở đánh bắt cá, các địa điểm bán sỉ các loại rau củ trong xã, huyện và trong tỉnh,... Nhìn chung, thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề trong tỉnh khá đa dạng. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, sản phẩm chỉ bán với hình thức là bán sỉ (bán với số lượng nhiều) nên giá sản phẩm còn thấp hơn nếu như bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Hơn nữa, các vựa trái cây, các địa điểm bán rau củ, các cơ sở đánh bắt cá chỉ mua cần xé mỗi tháng khoảng 2-3 lần, mà lần mua sau thì số lượng thường ít hơn số lượng mua lần trước. Vì sử dụng cần xé để đựng trái cây, hàng hóa thì khi bán trái cây hàng hóa cho những người bán lẻ và sau khi người bán lẻ bán hết hàng, các chủ vựa sẽ tiến hành thu gom lại cần xé hoặc mua lại cần xé đã qua sử dụng với giá rẻ hơn, điều này giúp tiết kiệm chi phí cho các vựa nhưng doanh thu của các hộ trong làng nghề sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Các sản phẩm của làng nghề chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh là do sản phẩm chưa đáp ứng được các nhu cầu về chất lượng, chủng loại, mẫu mã. Theo đánh giá của các hộ sản xuất trong làng nghề thì hầu hết các hộ đều cho rằng họ đã đáp ứng được khoảng 60-70% nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đó chỉ là những đánh giá chủ quan của bản thân họ. Trong làng nghề quan hệ sản xuất chưa hình thành nên không có sự dẫn dắt về việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, cũng như thông tin liên quan đến thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, bán hàng không trực tiếp tiếp xúc với khách hàng nên không nắm bắt được nhu cầu và sở thích ngày càng cao của khách hàng.

Đối với thị trường ngoài tỉnh, sản phẩm của làng nghề hầu như chưa tiếp cận được ngay cả các tỉnh lân cận trong vùng như: Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ,... Đây là điểm yếu rất lớn của làng nghề ấp Mỹ 1, chứng tỏ sản phẩm làng nghề chưa thực sự cạnh tranh được với sản phẩm của làng nghề khác. Trong tỉnh Bạc Liêu có 2 làng nghề đan đát có quy mô lớn nhất đó là làng nghề ấp Mỹ 1- huyện Phước Long và làng nghề đan đát ở huyện Hồng Dân. Vậy mà, các sản phẩm đan đát của huyện Hồng dân đã có sản phẩm xuất khẩu, tuy số lượng không đáng kể nhưng cũng cho thấy sức cạnh tranh của làng nghề huyện Hồng Dân phần nào cao hơn huyện Phước Long.

Thiếu tổ chức trong khâu tiêu thụ sản phẩm là một điểm yếu rất lớn của làng nghề ở địa phương. Trong làng nghề hiện chưa có quan hệ sản xuất nào được hình thành nhằm tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không có hợp tác xã, không có doanh nghiệp tư nhân cũng như không có chi nhánh công ty nhà nước,... Điều này làm cho đầu ra của sản phẩm không ổn định, không chủ động trong khâu quản lý tiêu thụ sản phẩm, phụ thuộc nhiều vào thương lái, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ trong làng nghề. Sản phẩm làm ra nhiều mà không có nơi tiêu thụ, đó cũng là lý do làm cho các hộ nơi đây không muốn mở rộng quy mô sản xuất.

Trong thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay, sản phẩm của làng nghề gặp phải sự cạnh tranh hết sức gay gắt của những sản phẩm cùng loại. Nếu không có những giải pháp đúng đắn, kịp thời thì trong tương lai sản phẩm của làng nghề sẽ không đứng vững được trên thị trường. Ngoài việc chú trọng đổi mới chất lượng, mẫu mã, làng nghề cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm thị trường.

Một phần của tài liệu Giải pháp tiêu thụ các sản phẩm làng ngề ở huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu.doc (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w