Thị trường tiêu thụ là vấn đề sống còn đối với làng nghề, nó quyết định sự tồn tại, phát triển của làng nghề. Thực trạng cho thấy các cơ sở sản xuất tồn tại và phát triển mạnh đều giải quyết đầu ra cho sản phẩm, sự biến động thăng trầm của làng nghề phần lớn do thị trường quyết định.
Cần chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với thị trường trong nước vừa chú trọng phát triển thị trường trong tỉnh vừa phát triển thị trường ở các tỉnh khác trong khu vực.
Thành lập các Hợp tác xã nhằm chia sẽ kinh nghiệm, tổ chức thu gom, tiêu thụ sản phẩm để tránh phụ thuộc nhiều vào thương lái trong khâu tiêu thụ.
Thành lập các điểm bán sản phẩm của làng nghề tại các trung tâm làng xã. Tổ chức điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ngay tại nơi sản xuất. Mở rộng việc phân phối cung ứng hàng đến quầy hàng ở các sạp chợ trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ thêm vốn để các chủ quầy hàng mua bán theo hình thức trả chậm.
Cần tổ chức hình thức chở hàng bán rong đến tận tay người tiêu dùng. Hỗ trợ về thông tin thị trường cho các hộ sản xuất kinh doanh, áp dụng các hình thức cung cấp thông tin đa dạng qua nhiều kênh khác nhau tạo điều kiện cho người sản xuất nắm bắt thông tin thị trường, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Thường xuyên mở hội chợ, triển lãm để tuyên truyền, marketing cho sản phẩm để mọi người đều biết đến sản phẩm của làng nghề, tiếp cận và có thể sử dụng sản phẩm làng nghề với niềm tự hào dân tộc cao.