- Phác đồ ưu tiên
14. Tư vấn trước khi điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS
Bước 1 - Giới thiệu về chương trình điều trị :
- Để tạo các điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đến thăm khám, điều trị và theo dõi điều trị ARV, trước tiên cần phải cho bệnh nhân nắm được cấu trúc của phòng khám, nơi mà bệnh nhân sẽ đến để nhận các dịch vụ chăm sóc y tế - đặc biệt là theo dõi điều trị bằng thuốc ARV. Khi bệnh nhân biết được đâu là phòng tiếp đón, đâu là phòng khám, phòng tư vấn, phòng xét nghiệm, phòng dược v.v… thì bệnh nhân dễ dàng đến đúng nơi, đúng chỗ để nhận được sự chăm sóc y tế. Đồng thời, cũng cần giải thích cho bệnh nhân về công việc của phòng khám cũng như các phòng liên quan trong cấu trúc của phòng khám ngoại trú và chức năng nhiệm vụ của từng nhân viên Y tế trong phòng khám.
- Giới thiệu về nhóm điều trị: để người bệnh có thể gặp gỡ, trao đổi chia xẻ với những người bệnh khác cùng tham gia theo dõi điều trị, giúp cho họ hoà đồng và luôn cảm thấy thỏa mái.
- Giải thích về kế hoạch theo dõi sau điều trị: cần làm cho bệnh nhân hiểu rõ tầm quan trọng của theo dõi sau điều trị ( để đánh giá về tiến triển lâm sàng, theo dõi và phát hiện các phản ứng phụ của thuốc, đánh giá sự thành công hay thất bại của điều trị để có hướng xử lý và thay đổi phù hợp v.v….). Giúp bệnh nhân luôn nghĩ về và nhớ được thời gian hẹn đến khám theo dõi của bác sĩ điều trị, thời gian đến lĩnh thuốc và xét nghiệm lại.
Bước 2 - Tư vấn, thảo luận với bệnh nhân về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các thói quen, tiền sử bệnh tật, tiền sử dùng thuốc NTCH cũng như thuốc ARV, tình trạng sức khỏe hiện tại. Khi bệnh nhân hiểu được về tình trạng sức khỏe của mình, hiểu được lợi ích của điều trị thì bệnh nhân sẽ có nhiều khả năng xác định động cơ, quyết tâm để tuân thủ và từ bỏ các thói quen có hại như: tiêm trích ma túy, uống rượu, hút thuốc.
Đồng thời cung cấp các thông tin về tầm quan trọng của sự tuân thủ là đảm bảo đến 95% sự thành công của một liệu pháp điều trị.
Qua đó đánh giá sự hiểu biết và quan niệm của bệnh nhân về HIV và về điều trị, điều chỉnh những hiểu biết và quan niệm sai lệch, đồng thời cũng đánh giá và tình trạng sức khoẻ tâm thần của bệnh nhân.
Bước 3 - Tư vấn đánh giá về điều kiện sống và sự hỗ trợ xã hội:
- Hỏi và chia xẻ về việc làm, thu nhập của bệnh nhân, điều kiện về nhà ở, môi trường sống: những người sống cùng, những người sống phụ thuộc, công việc hàng ngày. Chúng ta có những thông tin về vấn đề này để giúp đỡ bệnh nhân cùng bàn bạc các biện pháp để thu
xếp công việc, đảm bảo cuộc sống và thực hiện lập kế hoạch cho điều trị và theo dõi điều trị.
- Nếu bệnh nhân là thành phần phụ thuộc thì cần đánh giá về sự hỗ trợ của gia đình, các tổ chức xã hội, quan niệm và sự kỳ thị của cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống để giúp bệnh nhân vượt qua các rào cản về tâm lý yên tâm điều trị và thực hiện sự tuân thủ trong điều trị.
Bước 4 - Tư vấn, thảo luận về chương trình điều trị:
- Cần giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ được các thuốc sẽ sử dụng trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân: tên thuốc, liều lượng thuốc, cách sử dụng thuốc liên quan đến chế độ ăn (dùng thuốc khi no, khi đói, trong bữa ăn hay xa bữa ăn), cách bảo quản thuốc.
- Nói cho bệnh nhân biết triệu chứng của các tác dụng phụ có thể xẩy ra: sốt, phát ban, đau đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa v.v… để bệnh nhân không quá lo sợ tự động dừng thuốc hoặc chủ quan không thông báo và đến khám lại có thể dẫn đến những biểu hiện nặng của tác dụng phụ.
- Hẹn bệnh nhân cho 2 lần tư vấn tiếp theo, đồng thời cũng thông báo cho bệnh nhân kế hoạch thăm khám lâm sàng và những xét nghiệm cần thiết, và trao đổi cụ thể về địa chỉ, điện thoại để giữ thông tin liên lạc giữa bệnh nhân và nhân viên Y tế.
Bước 5- Thảo luận về phương cách tuân thủ:
- Xác định người hỗ trợ điều trị: thông thường là nhân viên y tế của Trạm y tế xã phường, nhân viên y tế thôn bản: đây là lực lượng có thể huy động để thăm nom bệnh nhân tại nhà, giám sát và theo dõi sự tuân thủ dùng thuốc của bệnh nhân đồng thời cũng giải thích những điều thông thường nhất trong quá trình điều trị.
- Trang bị cho các thành viên khác trong gia đình những kiến thức và kỹ năng cơ bản về chăm sóc bệnh nhân, giúp bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đủ liều và đủ số lượng thuốc trong phác đồ điều trị. Chuẩn bị các bữa ăn phù hợp với chế độ ăn do người thày thuốc hướng dẫn.
- Hướng dẫn sử dụng các phương tiện (ghi nhật ký, sử dụng băng nhắc, các hộp đựng thuốc v.v..) giúp bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc tốt nhất.
Bước 6- Giúp bệnh nhân và gia đình bệnh nhân xác định các trở ngại cho việc tuân thủ và cùng bàn bạc để đưa ra cách cách giải quyết.
Bước 7- Khẳng định lại lịch hẹn cho lần tư vấn tiếp theo.
14.2. Lần tư vấn thứ 2: Tư vấn thêm về tuân thủ.
Trong buổi này, cần phải tạo không khí cho cuộc tư vấn như là một buổi thảo luận không nên giống như một buổi thuyết trình hay một cuộc đánh giá. Điều đó có ý nghĩa quan trọng giúp bệnh nhân cởi mở và trao đổi tất các các trở ngại cho việc tuân thủ, từ đó một lần nữa bàn bạc và đưa ra các giải pháp để vượt qua các trở ngại này.
Cần nhắc lại các thông tin cần thiết, nhấn mạnh những vấn đề quan trọng nhất. Có thể sử dụng các tranh minh họa hoặc các viên thuốc mẫu để nhắc lại các hướng dẫn cho bệnh nhân.
Lần tư vấn này cũng nên thực hiện qua các bước sau:
Bước 1- Xem xét và đánh giá lại hiểu biết của bệnh nhân về tình trạng HIV của họ.
Bước 2- Xem xét lại và đánh giá hiểu biết của bệnh nhân về kế hoạch theo dõi. Nhắc lại kế hoạch cho bệnh nhân nếu cần thiết.
Bước 3- Cung cấp thông tin về tác dụng phụ của thuốc sử dụng trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân:
- Những tác dụng phụ có thể xảy ra: sốt, phát ban, đau đầu, chóng mặt, nôn. buồn nôn, rối loạn tiêu hóa v.v...
- Cần phải làm gì khi gặp các tác dụng phụ này: hướng dẫn cách xử lý ban đầu và chỉ dẫn các dấu hiệu phải đi khám bác sĩ.
- Nhắc lại các cách để liên hệ với nhân viên Y tế.
Bước 4- Xem xét lại tất cả các yếu tố giúp tuân thủ tốt đã đề ra.
Bước 5- Xem xét lại những cản trở cho sự tuân thủ và các biện pháp giải quyết.
Bước 6- Lên lịch hẹn cho buổi tư vấn lần sau.
14.3. Lần tư vấn thứ 3: Đánh giá sự sẵn sàng của bệnh nhân.
Đây là buổi tư vấn cuối cùng trước khi bắt đầu sử dụng thuốc ARV cho bệnh nhân.
- Xem xét tới khả năng xảy ra tác dụng phụ của các thuốc có trong phác đồ,
hướng dẫn bệnh nhân cách theo dõi và phát hiện để báo cáo với thày thuốc, đồng thời nên kế hoạch để chủ động xử lý khi có tác dụng phụ xảy ra.
- Xem lại kỹ càng kế hoạch theo dõi.
- Đánh giá lại lần cuối cùng các phương thức giúp tuân thủ, phương thức liên lạc giữa bệnh nhân và thày thuốc.
Bước 2- Đánh giá sự sẵn sàng cho điều trị của bệnh nhân. Bệnh nhân được đánh giá là đã sẵn sàng cho điều trị ARV khi:
- Đã có sự hỗ trợ trong gia đình hoặc của bạn bè.
- Đã có người hỗ trợ điều trị.
- Tình trạng cư trú ổn định.
- Bệnh nhân hiểu biết về các thuốc ARV, kết quả điều trị cũng như các tác dụng phụ của thuốc.
- Bệnh nhân có hiểu biết về sự theo dõi điều trị ngoại trú một cách đều đặn và tích cực.
- Bệnh nhân có kế hoạch để uống các thuốc ARV và không quên uống thuốc.
- Bệnh nhân biết được là cần phải điều trị suốt đời, ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng và cảm thấy khỏe mạnh hơn.
- Bệnh nhân có hiểu biết về hậu quả của việc không tuân thủ.
- Bệnh nhân có cam kết sẽ tuân thủ mọi chỉ định về chăm sóc, điều trị và theo dõi của thày thuốc.
- Bệnh nhân và nhóm chăm sóc đã sẵn sàng.
Trong quá trình hỏi và giải đáp những câu hỏi liên quan đến các vấn đề trên, cần phải bổ sung ngay cho bệnh nhân những kiến thức còn thiếu hoặc sai lạc.
Bước 3- Lên lịch hẹn cho lần thăm khám lại.
Chú ý: Tất cả những người điều trị ARV cần có sự hỗ trợ và động viên để họ tham gia và đảm bảo tuân thủ điều trị. Mỗi nhân viên Y tế cần nhận biết và hiểu được những khó khăn mà bệnh nhân phải đối mặt, hỗ trợ bệnh nhân và áp dụng những biện pháp can thiệp thích hợp để tăng cường sự tuân thủ.