Người biểu diễn

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền liên quan đối với bản quyền truyền hình theo pháp luật việt nam (Trang 25 - 26)

5. Bố cục của đề tài

2.2.1.Người biểu diễn

Ban đầu, chỉ người biểu diễn tác phẩm âm nhạc mới được bảo hộ, và cũng không phải với tư cách chủ thể quyền liên quan mà được coi như một loại tác giả đối với phần trình diễn của mình và do đó chịu sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về quyền tác giả. Tại Cộng hòa liên bang Đức, nước đầu tiên trên thế giới quy định bảo hộ người biểu diễn, pháp luật coi người biểu diễn một tác phẩm âm nhạc tương tự như tác giả cải biên, chuyển thể một tác phẩm gốc19. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của mình, những người biểu diễn đã tách khỏi bộ phận pháp luật quyền tác giả. Hiện nay, phạm vi của khái niệm “người biểu diễn” đã được mở rộng hơn rất nhiều. Công ước Rome 1961, tại điểm a điều 3 xác định: “Những người biểu diễn là các diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và các người khác nhập vai, hát, đọc, ngâm, trình bày, hoặc biểu diễn các tác phẩm văn học và nghệ thuật”. Sau đó, Hiệp ước WPPT và Hiệp định TRIPS cũng quy định tương tự và bổ sung thêm những người thể hiện tác phẩm văn học dân gian.

Pháp luật một số quốc gia còn có sự mở rộng nhất định so với các điều ước quốc tế này. Tại Nhật Bản, người biểu diễn được quy định bao gồm diễn viên, vũ công, nhạc công, ca sĩ và những người khác đóng góp vào buổi biểu diễn cũng như những người chỉ đạo hoặc đạo diễn buổi biểu diễn20.

Trước đây, pháp luật Việt Nam cũng định nghĩa trực tiếp người biểu diễn với nội dung tương tự. Cụ thể, điều 773 Bộ luật Dân sự 1995 quy định: “Người biểu diễn bao gồm các cá nhân, tổ chức biểu diễn, người dàn dựng, đạo diễn chương trình ca, múa nhạc, chương trình phát thanh - truyền hình, đạo diễn, diễn viên sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác”. Tuy nhiên, hiện nay, Luật sở hữu trí tuệ 2005 không có quy định nào nêu ra khái niệm người biểu diễn với tư cách chủ thể quyền liên quan, cũng không chỉ rõ người đạo diễn, dàn

19 Điều 22 Luật quyền tác giả Đức năm 1910.

dựng chương trình cũng được coi là người biểu diễn. Dựa trên khoản 1 Điều 16 nói trên, có thể hiểu người biểu diễn theo pháp luật Việt Nam hiện hành là những người “trình bày tác phẩm văn học nghệ thuật”, bao gồm diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công... Như vậy, người biểu diễn được hiểu là những người sử dụng tác phẩm của người khác một cách sáng tạo trong sự thể hiện các tác phẩm văn học nghệ thuật, truyền đạt tác phẩm tới công chúng. Cách quy định này tỏ ra phù hợp với Công ước Rome và các điều ước quốc tế khác về quyền liên quan. Quyền của người biểu diễn thì phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện.

Cũng theo quy định pháp luật Việt Nam về quyền liên quan, người biểu diễn có thể đồng thời mang tư cách một chủ thể khác được bảo hộ bởi quyền liên quan, đó là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn. Điều này xảy ra khi người biểu diễn tự mình đầu tư tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật để thực hiện cuộc biểu diễn theo quy định tại Điều 44 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Tuy nhiên, thông thường thì người đầu tư thực hiện cuộc biểu diễn là một tổ chức, cá nhân mang tính chuyên nghiệp với tiềm lực tài chính mạnh và các phương tiện kỹ thuật đặc thù, hiện đại phục vụ cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật, và khi đó người biểu diễn là một chủ thể quyền liên quan độc lập với chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn. Những chủ thể này sẽ có những quyền cụ thể nhất định đối với cuộc biểu diễn của họ liên quan đến việc tạo ra các chương trình truyền hình, chương trình phát sóng.

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền liên quan đối với bản quyền truyền hình theo pháp luật việt nam (Trang 25 - 26)