Thời hạn bảo hộ quyền liên quan đối với bản quyền truyền hình

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền liên quan đối với bản quyền truyền hình theo pháp luật việt nam (Trang 35 - 36)

5. Bố cục của đề tài

2.4.Thời hạn bảo hộ quyền liên quan đối với bản quyền truyền hình

Theo điều 34 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

- Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình25.

Về thời hạn bảo hộ các quyền dành cho người biểu diễn, Công ước Rome đặt ra một thời hạn tối thiểu là 20 năm, tính từ khi kết thúc năm mà cuộc biểu diễn được định hình trong các bản ghi âm hoặc từ khi cuộc biểu diễn được tiến hành nếu nó không được định hình trong bản ghi âm. Hiệp định TRIPS và Hiệp ước WPPT đã mở rộng thời hạn này lên mức 50 năm. Hiện nay, pháp luật hầu hết các quốc gia đều quy định thời hạn bảo hộ quyền của người biểu diễn ở mức 50 năm. Một số nước có sự phân biệt trong thời hạn bảo hộ quyền liên quan cho người biểu diễn, tương tự như thời hạn bảo hộ quyền tác giả, ví dụ theo Luật Bản quyền Trung Quốc, các quyền nhân thân của người biểu diễn được bảo hộ vô thời hạn, còn các quyền tài sản có thời hạn bảo hộ là 50 năm (điều 38). Theo quy định của pháp luật Việt Nam tại khoản 1 điều 34 Luật sở hữu trí tuệ 2005, “quyền của người biểu diễn được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình”. Như vậy, pháp luật quyền liên quan Việt Nam không phân biệt thời hạn bảo hộ quyền nhân thân của người biểu diễn với thời hạn bảo hộ quyền tài sản cho họ. Điều cần lưu ý ở đây là, đối với cuộc biểu diễn chưa được định hình thì thời hạn bảo hộ quyền của người biểu diễn chưa được xác định - đây là vấn đề cần bổ sung để đảm bảo một cách đầy đủ quyền lợi cho người biểu diễn.

- Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố26.

Thời hạn này là phù hợp với các quy định tại các điều ước quốc tế và tương tự như pháp luật hầu hết các nước. Công ước Rome (điều 14) và Công ước Geneve (điều 4) đưa ra một mức tối thiểu cho thời hạn bảo hộ quyền của nhà sản xuất bản ghi âm là 20 năm kể từ khi kết thúc năm bản ghi âm được công bố lần đầu tiên hoặc kể từ năm bản ghi âm được tạo ra nếu bản ghi âm chưa được công bố. Hiệp định TRIPS tại điều 14.5 đã mở rộng mức độ bảo hộ với thời hạn tối thiểu là 50 năm từ khi kết thúc năm mà việc ghi âm được tiến hành. Thời hạn bảo hộ trong khuôn khổ EU cũng được xác định tương tự.

- Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện27.

Các quyền của tổ chức phát sóng được Công ước Rome quy định bảo hộ với thời hạn tối thiểu là 20 năm kể từ khi kết thúc năm mà chương trình phát sóng được thực hiện; thời hạn này được nhắc lại trong TRIPS. Tuy nhiên, quy định này chỉ giới hạn trong các chương trình phát sóng mà công chúng có thể thu được một cách trực tiếp28. Công ước Brussels sau đó đã khắc phục điều này bằng việc cung cấp sự bảo hộ cho các chương trình phát sóng qua vệ tinh mà có thể không nhằm hướng tới việc thu nhận trực tiếp bởi công chúng (mà tín hiệu vệ tinh phải được thu nhận bởi các trạm thu dưới mặt đất để điều biến cho phù hợp với các thiết bị thu thông thường mà công chúng sử dụng). Tại EU, các quyền của tổ chức phát sóng kéo dài 50 năm tính từ khi kết thúc năm chương trình phát sóng được thực hiện lần đầu tiên. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (khoản 3 điều 34 Luật sở hữu trí tuệ 2005), thời hạn bảo hộ quyền liên quan cho tổ chức phát sóng là 50 năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.

- Thời hạn bảo hộ trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền liên quan đối với bản quyền truyền hình theo pháp luật việt nam (Trang 35 - 36)