Quyền và nghĩa vụ của người biểu diễn

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền liên quan đối với bản quyền truyền hình theo pháp luật việt nam (Trang 29 - 32)

5. Bố cục của đề tài

2.3.1.Quyền và nghĩa vụ của người biểu diễn

Người biểu diễn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, vì có những loại hình tác phẩm không thể đến được với khán giả nếu không có hoạt động của người biểu diễn, và giá trị, chất lượng tác phẩm được công chúng cảm nhận và đánh giá như thế nào phụ thuộc rất lớn vào nhóm “người hỗ trợ đặc biệt” này. Bởi vậy, nội dung quyền liên quan dành cho người biểu diễn được quy định từ sớm và thường được quan tâm hơn cả so với các quyền và nghĩa vụ dành cho các chủ thể quyền liên quan khác.

Tại Việt Nam, quyền liên quan dành cho người biểu diễn được quy định tại Điều 29 Luật sở hữu trí tuệ và được làm rõ bằng Nghị định 100/2006/NĐ-CP. Theo các quy định pháp luật này thì quyền của người biểu diễn bao gồm hai nhóm quyền nhân thân và quyền tài sản với các quyền cụ thể như sau:

Thứ nhất, quyền nhân thân của người biểu diễn:

Các quyền này được quy định tại khoản 2 điều 29, gồm có các quyền cụ thể:

- Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn.

Danh tiếng của một diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và các nghệ sĩ khác chỉ được công chúng biết đến khi tên của họ được giới thiệu thông qua các cuộc biểu diễn. Để cá biệt hóa hình tượng biểu diễn mà mình dày công gây dựng, người nghệ sĩ cần được nêu tên mình trong mọi cuộc biểu diễn.

Quyền nhân thân này phải được đảm bảo không chỉ cho toàn bộ, mà còn đối với từng phần nhất định của cuộc biểu diễn hoặc bản ghi, chương trình phát sóng. Việc chỉ một phần của sự trình diễn được đưa tới công chúng không thể là lý do cho sự bỏ qua quyền được giới thiệu tên của người biểu diễn.

Cách thức giới thiệu như thế nào cũng cần được quan tâm. Tên người biểu diễn phải được giới thiệu theo cách mà những người nghe, xem cuộc biểu diễn, bản ghi, chương trình phát sóng có thể xác định được người biểu diễn đó. Cách thức cụ thể có thể tùy theo sự thỏa thuận của người biểu diễn với người đưa chương trình biểu diễn đến với công chúng.

Đối với người biểu diễn gồm hai hay nhiều cá nhân trong một nhóm có tên gọi nhất định, tên gọi được giới thiệu có thể hiểu là tên của nhóm. Nếu tên người biểu diễn được thể hiện bằng biểu tượng, ký tự viết tắt hay bất kỳ dấu hiệu nhận biết nào khác thì cách thể hiện đó phải được sử dụng trong giới thiệu tên người biểu diễn; trường hợp có lý do hợp lý (như vấn đề kỹ thuật…) thì có thể thay thế bằng một dạng biểu hiện tương tự.

- Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

Quyền nhân thân này cũng phải được bảo hộ không chỉ với một cuộc biểu diễn hoàn chỉnh mà còn với bất cứ phần đáng kể nào của cuộc biểu diễn. Ví dụ, việc chỉ phát sóng một phần nhất định của cuộc biểu diễn không thể là lý do hợp lý cho bất cứ hành vi cắt xén, sửa chữa nào đối với phần biểu diễn đó gây phương hại đến danh tiếng người biểu diễn. Tuy nhiên, quyền này không ngăn cấm những chỉnh sửa kỹ thuật thông thường hoặc những thao tác kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện bản ghi, chương trình phát sóng…

Các quyền nhân thân của người biểu diễn, tương tự như các quyền nhân thân của tác giả (trừ quyền công bố tác phẩm), là những quyền không được chuyển nhượng. Sự dịch chuyển các quyền này được đặt ra trong trường hợp người biểu diễn chết - khi đó, quyền nhân thân của người biểu diễn được trao cho người thừa kế hợp pháp của người biểu diễn theo quy định pháp luật về thừa kế.

Thứ hai, quyền tài sản của người biểu diễn:

- Định hình trực tiếp cuộc biểu diễn của mình bằng bản ghi âm, ghi hình

Quyền này được hiểu là quyền được ghi âm, ghi hình trực tiếp các cuộc biểu diễn. Theo đó, chủ thể quyền có thể tự mình thực hiện việc định hình trực tiếp cuộc biểu diễn, có thể thông qua người khác thực hiện công việc này theo mục đích và vì lợi ích của mình, hoặc có quyền cho hay không cho phép người khác ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn đó. Quyền này áp dụng cho toàn bộ cuộc biểu diễn cũng như từng phần đáng kể của nó.

Cần lưu ý việc định hình ở đây phải là “trực tiếp”, có nghĩa phải là việc ghi thu, lưu định lại âm thanh và/hoặc hình ảnh từ chính cuộc biểu diễn đang diễn ra lên một vật mang chứa thông tin chứ không phải từ một bản ghi hay chương trình phát sóng nào khác.

- Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng

“Phát sóng” là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn22.

Truyền theo cách khác đến công chúng” cũng đã được giải thích tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP (khoản 3 điều 31) là việc phổ biến đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện

kỹ thuật nào khác ngoài phát sóng. Do sự phát triển của môi trường kỹ thuật số, phát sóng đã không còn là phương tiện duy nhất để đưa cuộc biểu diễn đến với công chúng. Có thể hiểu đưa cuộc biểu diễn lên mạng Internet là một hình thức “truyền theo cách khác đến công chúng”, mà ưu thế của nó so với việc phát sóng là khả năng phổ biến không giới hạn và tính tiện lợi cao trong việc tiếp cận.

Như vậy, quyền này cho phép chủ thể quyền kiểm soát mọi sự tiếp cận, phổ biến của cuộc biểu diễn tới công chúng, miễn là cuộc biểu diễn thỏa mãn điều kiện: không phải nhằm mục đích phát sóng, và chưa được định hình.

- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình

Sao chép được Luật sở hữu trí tuệ giải thích là “việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử” (khoản 10 Điều 4). Như vậy, sao chép cuộc biểu diễn là việc tạo ra bản sao của bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn. Trong đó, theo Điều 31 Nghị định 100/2006/NĐ-CP, được coi là sao chép trực tiếp nếu bản sao bản ghi âm, ghi hình được tạo ra từ bản định hình lần đầu tiên âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn (bản ghi âm, ghi hình gốc); được coi là sao chép gián tiếp nếu bản sao bản ghi âm, ghi hình không được tạo ra từ chính bản ghi âm, ghi hình gốc, như việc sao chép từ mạng thông tin điện tử, chương trình phát sóng, dịch vụ mạng bưu chính viễn thông liên quan và các hình thức tương tự khác.

Như vậy, quyền này đòi hỏi cần phải có được sự cho phép của người biểu diễn đối với việc tạo ra mọi bản sao của cuộc biểu diễn của họ, bất kể bản sao đó được tạo ra một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Mặt khác, có thể thấy khái niệm “sao chép” cũng được mở rộng hơn so với quan niệm truyền thống: không chỉ là sao chép dưới hình thức vật chất hữu hình bằng kỹ thuật tương tự, mà cả “dưới hình thức điện tử”.

- Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được

Quyền phân phối này được coi là bị xâm phạm khi một người đưa bản ghi cuộc biểu diễn tiếp cận tới công chúng mà không được sự cho phép của người biểu diễn hoặc người nắm giữ hợp pháp quyền này.

Ở đây, có một điểm tương đồng với quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng, đó là việc bằng các phương tiện kỹ thuật để tạo ra khả năng cho phép công chúng tiếp cận cuộc biểu diễn. Sự phân biệt giữa hai quyền này là ở chỗ: cuộc biểu diễn đã được

định hình hay chưa. Bởi việc phân phối đến công chúng bản gốc hay bản sao cuộc biểu diễn không thể tiến hành nếu chưa có sự định hình nó trên bản ghi. Trong khi đó, quyền phát sóng, truyền tới công chúng cuộc biểu diễn áp dụng cho cuộc biểu diễn chưa được định hình (mặc dù có thể tồn tại bản lưu ghi tạm thời cuộc biểu diễn như một phương tiện kỹ thuật phục vụ việc phát sóng).

Trên đây là các quyền nhân thân và quyền tài sản mà pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định là “quyền của người biểu diễn”. Song, không phải trong mọi trường hợp, người biểu diễn đều được hưởng đầy đủ các quyền nói trên, mà việc được hưởng quyền nào cần phải căn cứ vào tư cách chủ thể của họ đối với cuộc biểu diễn. Như đã xác định ở phần chủ thể quyền liên quan, người biểu diễn có thể chỉ đơn thuần mang tư cách người biểu diễn nhưng cũng có thể đồng thời là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn đó nếu tự mình đầu tư thực hiện cuộc biểu diễn. Khoản 1 điều 29 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”. Tuy nhiên khoản 4 điều 29 cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền quy định tại khoản 3 Điều này (các quyền tài sản) phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật không quy định”. Như vậy, khi người biểu diễn không đồng thời là chủ sở hữu cuộc biểu diễn, ngoài các quyền nhân thân, họ được hưởng một khoản tiền thù lao khi người khác sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất cứ hình thức nào, hoặc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại.

Bên cạnh các quyền nói trên, người biểu diễn cũng phải thực hiện nghĩa vụ đó là tôn trọng và không làm phương hại tới quyền tác giả, thực hiện nghiên chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền liên quan đối với bản quyền truyền hình theo pháp luật việt nam (Trang 29 - 32)