5. Bố cục của đề tài
2.3.3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức phát sóng
Với tư cách chủ sở hữu chương trình phát sóng do mình khởi xướng và thực hiện, tổ chức phát sóng được pháp luật quyền liên quan bảo hộ những quyền chính đáng đối với chương trình phát sóng của họ.
Trên phạm vi toàn cầu, tổ chức phát sóng được trao quyền ngăn cấm mọi hành vi định hình, sao chép hoặc phát sóng không có sự cho phép các chương trình phát thanh hoặc truyền hình của họ mà không được họ cho phép. Theo Hiệp định TRIPS, quyền của tổ chức phát sóng ngăn cản sự truyền phát tới công chúng các chương trình truyền hình của họ được ghi nhận mang tính tuyệt đối hơn do không bị giới hạn trong phạm vi truyền đạt những chương
trình được thực hiện tại địa điểm mà công chúng phải trả tiền vào cửa như quy định tại điều 13 (d) của Công ước Rome. Đối với việc liệu phát sóng qua vệ tinh có được coi là một hình thức phát sóng được bảo hộ theo các quy định này hay không, cũng như Công ước Rome, Hiệp định TRIPS để ngỏ vấn đề này cho các quy định của pháp luật quốc gia các nước thành viên24.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam tại điều 31, “tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau:
a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình; b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình; c) Định hình chương trình phát sóng của mình;
d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.”
Bên cạnh đó, khoản 2 điều 31 còn quy định “Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng”.
Quy định các quyền liên quan cho tổ chức phát sóng của pháp luật Việt Nam như trên đã đảm bảo các quyền tối thiểu theo yêu cầu của Công ước Rome và cũng phù hợp với quy định tại các điều ước quốc tế phổ biến khác có liên quan đến quyền của tổ chức phát sóng.
Bên cạnh đó, có thể thấy chương trình của tổ chức phát sóng mang đặc điểm là kết quả của việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn hoặc bản ghi âm, ghi hình của người khác. Do đó, tổ chức phát sóng phải đảm bảo các quyền nhân thân cũng như quyền tài sản mà pháp luật đã quy định cho các chủ thể có lợi ích liên quan như: tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình hoặc chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình được sử dụng trong chương trình phát sóng được truyền tải đến công chúng. Các nghĩa vụ cơ bản bao gồm:
- Phải xin phép và trả nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm chưa được công bố khi sử dụng các tác phẩm này để thực hiện chương trình phát sóng; vấn đề nhuận bút được các bên liên quan thỏa thuận thông qua hợp đồng sử dụng tác phẩm. Nếu sử dụng tác phẩm đã được công bố thì tổ chức phát sóng không cần thực hiện nghĩa vụ xin phép đối với các chủ thể nêu trên, nhưng phải trả thù lao, nêu tên tác giả và đảm bảo sự toàn vẹn nội dung tác phẩm.
- Khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất cứ hình thức nào
thì tổ chức phát sóng phải trả thù lao cho nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình hoặc chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó.
- Nếu thực hiện chương trình phát sóng trực tiếp cuộc biểu diễn với mục đích thương mại thì tổ chức phát sóng phải xin phép người biểu diễn hoặc chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn, trừ trường hợp cuộc biểu diễn được thực hiện nhằm mục đích phát sóng; đồng thời phải giới thiệu tên người biểu diễn, trả thù lao thỏa đáng cho chủ sở hữu quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn cũng như đảm bảo sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn.
- Trong trường hợp sử dụng tác phẩm cải biên, chuyển thể để thực hiện chương trình phát thanh truyền hình, bên cạnh nghĩa vụ nêu tên tác giả, đảm bảo tính toàn vẹn nội dung tác phẩm và trả nhuận bút đầy đủ cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm cải biên, chuyển thể, tổ chức phát sóng còn có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm gốc.