- Điều kiện tự nhiên:
Tỉnh Kiên Giang nằm ở tận cùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL. Toạ độ địa lý phần đất liền từ 9o22’51” - 10o32’12” vĩ độ Bắc và từ 104o26’44” - 105o32’36” kinh độ Đông, phần biển và hải đảo từ 10o đến 10o27’ độ vĩ Bắc và từ 103o50’10” đến 104o50’ độ kinh Đông. Địa giới tỉnh Kiên Giang về phía Đông và Đông Nam giáp các tỉnh An Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ; phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau; phía Tây giáp vịnh Thái Lan; phía Bắc giáp Campuchia, với đường biên giới đất liền dài 56,8 km và cửa khẩu quốc tế Xà Xía (thị xã Hà Tiên). Tại đây có khu kinh tế cửa khẩu với nhiều hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, dịch vụ quá cảnh hàng hóa, kho ngoại quan, hoạt động hội chợ triển lãm, chợ cửa khẩu... Ngoài ra, còn có cửa khẩu quốc gia Giang Thành (huyện Kiên Lương).
Kiên Giang có tổng diện tích đất tự nhiên là 6.269 km2, trong đó, đất liền là 5.638 km2 và hải đảo là 631 km2 (riêng huyện đảo Phú Quốc 593 km2); có bờ biển dài 200 km với 63.000 km2 ngư trường; có khoảng 105 hòn đảo lớn nhỏ; có địa hình đa dạng, phần đất liền của tỉnh tương đối bằng phẳng có hướng thấp dần từ Đông Bắc (độ cao trung bình từ 0,8 - 1,2m) xuống Tây Nam (độ cao trung bình từ 0,2 - 0,4m) so với mặt nước biển. Vùng hải đảo Phú Quốc, Kiên Hải có địa hình tương đối phức tạp do có nhiều đồi núi.
Khí hậu ở tỉnh Kiên Giang là một trong những khí hậu tiêu biểu cho vùng ĐBSCL, mang tính chất nhiệt đới, gió mùa, nóng, ẩm. Mặt khác, Kiên Giang là tỉnh nằm sát biển nên khí hậu còn mang tính chất hải dương, hàng năm có hai mùa khí hậu tương phản rõ rệt (mùa khô và mùa mưa). Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27oC-27,5oC. Tổng lượng mưa trung bình năm là 1.600 - 2.000 mm ở đất liền và 2.400 - 2.800 mm ở đảo Phú Quốc.
Tỉnh Kiên Giang có nhiều tài nguyên phong phú, đa dạng.
Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang là 634.613
ha. Trong đó: Đất nông nghiệp: 436.873 ha, chiếm 68,84%. Đất lâm nghiệp: 106.085 ha, chiếm 16,72%%. Đất nuôi trồng thủy sản: 33.378 ha, chiếm 5,26%. Đất chuyên dùng: 20.689 ha (giao thông, thủy lợi...), chiếm 3,26%. Đất khu dân cư: 11.079 ha, chiếm 1,74%. Đất khác 17.081 ha (đất tôn giáo, nghĩa trang, sông,...), chiếm 2,70%. Đất chưa sử dụng: 9.428 ha, chiếm 1,48% [21]. Nhìn chung, đất đai của Kiên Giang rất thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tài nguyên rừng: Đây là một nguồn tài nguyên quý của tỉnh Kiên
Giang. Diện tích đất rừng toàn tỉnh là 106.085 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất là 28.983 ha, đất rừng phòng hộ là 37.541 ha, đất rừng đặc dụng là 39.589 ha. Về cơ cấu cây rừng: Cây gỗ lớn chủ yếu trên đảo Phú Quốc; cây mắm, đước tập trung ở ven biển; cây tràm ở vùng bán đảo Cà Mau; cây bạch đàn tập trung ở vùng tứ giác Long Xuyên. Rừng ở tỉnh Kiên Giang có vai trò quan trọng trong việc giữ nguồn nước ngọt cho đảo Phú Quốc, bảo vệ môi trường sinh thái cho bán đảo Cà Mau, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu động, thực vật tự nhiên, lập các khu bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay, ở Kiên Giang có 02 Vườn Quốc gia là Vườn Quốc gia U Minh Thượng (21.000 ha) và Vườn Quốc gia Phú Quốc (31.422 ha).
Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt khá dồi dào. Toàn tỉnh có 3 con sông
lớn chảy qua là sông Cái Lớn (60km), Cái Bé (70km) và Giang Thành (27,5km), chủ yếu để tiêu nước về mùa lũ, tưới nước về mùa khô và giao thông đi lại.
Ngoài ra, tỉnh có hệ thống kênh rạch, những kênh này có nhiệm vụ tiêu úng, sổ phèn, giao thông đi lại, bố trí dân cư, đồng thời có tác dụng dẫn nước ngọt từ sông Hậu về vào mùa khô phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Tài nguyên biển: Vùng biển Kiên Giang là một bộ phận của biển Tây
Nam (Kiên Giang và Cà Mau), nằm trong vịnh Thái Lan và chiếm khoảng 21% diện tích vịnh, tương đương 63.000 km2. Đây là vùng biển có nhiều tiềm năng phát triển. Hệ sinh vật biển Kiên Giang mang đặc điểm chung của hệ sinh vật biển nhiệt đới: đa dạng về loài, sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, có sức sinh sản cao, diễn ra gần như quanh năm. Vùng biển Kiên Giang được xác định là một ngư trường trọng điểm. Theo tài liệu của FAO và Viện nghiên cứu biển Việt Nam, trữ lượng tôm cá ở đây khoảng 464.660 tấn, trong đó vùng ven biển có độ sâu 20 - 50 m có trữ lượng chiếm 56%, ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, tức là hàng năm có thể khai thác trên 200.000 tấn. Ngoài các nguồn tôm, cá, mực, vùng biển Tây Nam còn có nhiều đặc sản quý như: hải sâm, sò huyết, đồi mồi, ngọc trai, nhiều loại rong biển dùng làm thực phẩm, dược phẩm...
Tài nguyên khoáng sản: Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản khá
dồi dào so với các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL. Qua thăm dò điều tra địa chất, đã xác định được 152 điểm quặng và mỏ của 23 loại khoáng sản thuộc các nhóm như: nhóm nhiên liệu (than Bùn), nhóm không kim loại (đá vôi, đá xây dựng, đất sét...), nhóm kim loại (sắt, Latcrit sắt...), nhóm đá bán quý (huyền thạch anh, opal...), trong đó chiếm chủ yếu là khoáng sản không kim loại dùng sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng. Riêng về đá vôi, Kiên Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL có nguồn đá vôi khá phong phú, không những có giá trị về sản xuất vật liệu xây dựng mà còn tạo ra những hang động và những thắng cảnh có ý nghĩa du lịch. Nguồn đá vôi Kiên Giang bao gồm 20 ngọn núi, được phân bổ kéo dài 35 km dọc bờ biển từ thị xã Hà Tiên đến huyện Kiên Lương, trữ lượng khoảng 440 triệu tấn, trong đó trữ lượng khai thác công nghiệp khoảng 245 triệu tấn. Nguyên liệu này đủ để sản xuất 2,8-3 triệu tấn Clinker/năm trong thời gian trên 50 năm.
- Tài nguyên du lịch:
Kiên Giang là tỉnh có tài nguyên du lịch (kể cả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn) rất phong phú, đa dạng. Với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nhiều bãi biển đẹp, nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời..., vẻ đẹp của Kiên Giang được thi sĩ Đông Hồ đúc kết:
Ở Kiên Giang kỳ thú thay, có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của vịnh Hạ Long, có ít núi vôi Ninh Bình, ít Thạch Thất Sơn Môn Hương Tích, có một ít Hương Giang chùa chiềng Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hóa và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải... [59, tr.120]. Về phương diện tài nguyên du lịch, có thể nói Kiên Giang như một nước Việt Nam thu nhỏ.
Tài nguyên du lịch của Kiên Giang tập trung ở 4 khu vực đó là:
Thứ nhất, khu vực Hà Tiên - Kiên Lương:
Tính đến nay, vùng đất Hà Tiên có một nền văn hóa 300 năm (1708 - 2008) với những trang sử dày về văn học - nghệ thuật như Tao đàn Chiêu Anh Các, làng nghề truyền thống (đồi mồi, huyền phách...), các di tích kiến trúc nghệ thuật và là nơi ghi dấu nhiều chiến công của ông cha ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Địa hình khu vực Hà Tiên - Kiên Lương có nhiều cảnh vật kỳ thú. Mặc dù không to lớn như Ngũ Hành Sơn hay Hương Tích, song các hang động ở Hà Tiên - Kiên Lương đủ để du khách cảm nhận được sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Ở đó, du khách có thể hít thở không khí trong lành, có thể thấy được những sắc màu của thạch nhũ, tiếng tí tách của giọt nước từ vách đá nhỏ xuống. Các đảo lớn nhỏ trong vịnh Hà Tiên, chạy từ Hòn Chông đến quần đảo Hải Tặc như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Nơi đây tập trung nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được Mạc Thiên Tích khái quát trong 10 bài thơ chữ Hán:
2. Bình Sơn diệp thúy (Cây rậm Bình Sơn - Khu Lăng Mạc Cửu). 3. Tiêu Tự thần chung (Tiếng chuông chùa Tiêu Tự).
4. Giang Thành dạ cổ (Tiếng trống đêm ở Giang Thành). 5. Thạch Động thốn vân (Thạch Động nuốt mây).
6. Châu Nham lạc lộ (Cò đậu Châu Nham - Núi đá Dựng). 7. Đông Hồ ấn nguyệt (Trăng in Đông Hồ).
8. Nam Phố trừng ba (Sóng nước Nam Phố). 9. Lộc Trĩ thôn cư (Xóm làng Lộc Trĩ - Mũi Nai).
10. Lư Khê ngư bạc (Cảnh chài cá ở Lư Khê) [59, tr. 304].
Ngoài ra, hòn Chông, hòn Trẹm (huyện Kiên Lương) còn có các di tích văn hóa, lịch sử gắn bó với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, như: chùa Hang - căn cứ của nghĩa quân kháng Pháp vào cuối thế kỷ XIX do anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực lãnh đạo; Hang núi Moso - căn cứ địa cách mạng qua hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với nhiều chiến tích anh hùng.
Các tài nguyên du lịch ở khu vực này rất thích hợp cho phát triển các loại hình du lịch danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, du thuyền, câu cá trên đảo, du khảo hang động, cắm trại, thể thao dưới nước, lướt ván, thả dù kéo canô, nghỉ dưỡng, leo núi...
Thứ hai, khu vực TP Rạch Giá và vùng phụ cận:
Tp Rạch Giá là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Tại TP Rạch Giá, ở một số nơi có thể lấn biển xây dựng đô thị mới kết hợp khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ các chuyên gia, khách du lịch trong và ngoài nước.
TP Rạch Giá có các di tích văn hóa, lịch sử và kiến trúc cổ, như: Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; chùa Quan Đế; chùa Láng Cát, chùa Phật Lớn; Chùa Tam Bảo; Nhà bảo tàng tỉnh có hiện vật văn hóa Óc Eo; mộ danh nhân Huỳnh Mẫn Đạt, mộ cổ Hội đồng Suông... Ngoài ra, còn có khu công viên văn hóa An Hòa, Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm Thương mại
Rạch Giá, khu lấn biển Rạch Giá... với đầy đủ các loại hình văn hóa - thể thao, nghệ thuật, ẩm thực. Ngoài ra, vùng phụ cận TP Rạch Giá còn có khu di tích Hòn Đất, quê hương của anh hùng liệt sỹ tiêu biểu thời kỳ chống đế quốc Mỹ, chị Phan Thị Ràng (nhân vật chị Sứ trong tác phẩm văn học "Hòn Đất" của nhà văn Anh Đức); Hòn tre - huyện đảo Kiên Hải cách TP Rạch Giá 28 km, có bãi tắm biển, làng chài; Hòn Gái có núi đá cao... Khu vực TP Rạch Giá và vùng phụ cận thích hợp cho việc phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tham quan di tích, du lịch vui chơi, giải trí, du lịch lễ hội, du lịch mua sắm, ẩm thực...
Thứ ba, khu vực bán đảo Cà Mau:
Bán đảo Cà Mau bao gồm 04 huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Ở đây có rừng U Minh Thượng (trong đó có Vườn Quốc gia U Minh Thượng với diện tích rừng nguyên sinh hơn 21.000 ha), một rừng tràm nước ngọt quanh năm màu đỏ. Đây là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và là nơi bảo tồn, bảo tàng di tích khu căn cứ cách mạng miền Nam Việt Nam. Đây cũng là nguồn dự trữ khí quyển sinh thái nước ngọt. Ở đây, du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu lịch sử của người dân U Minh, thưởng thức hương tràm, dạo cảnh rừng xanh, xem vườn chim thiên nhiên, thưởng thức những món ăn đặc sản đồng quê U Minh như cá đồng, rắn, rùa...
Nhìn chung, so với các vùng khác, đây là nơi thuận lợi và thích hợp nhất để phát triển du lịch sinh thái bền vững trên cơ sở tạo những khu bảo tồn, đa dạng sinh học. Ở đây cũng có thể khai thác các tua du lịch với chủ đề du lịch về nguồn, du lịch dã ngoại... trên cơ sở phát triển du lịch làng quê hạ lưu sông MêKông kết hợp với tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử U Minh.
Thứ tư, khu vực đảo Phú Quốc:
Phú Quốc có diện tích tự nhiên 593 km2, chiều dài 50 km theo hướng Bắc Nam. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ Nam đến Bắc với 99 ngọn đồi. Rừng nhiệt đới có nhiều động vật, thực vật quý hiếm và chiếm hơn 60% diện tích toàn đảo. Dân cư sống trên đảo khoảng 85 ngàn người (năm 2007).
Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cách thành phố Rạch Giá 115 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Đặc biệt, Phú Quốc chỉ cách vùng phát triển công nghiệp và du lịch Đông Nam của Thái Lan khoảng 500 km, cách vùng phía Đông Malaysia khoảng 700 km và cách Singapore khoảng 1.000 km. Phú Quốc còn nằm gần kề với cửa ngõ Tây Nam của Vương quốc Campuchia, từ phía Bắc của đảo đến thành phố du lịch Kép và thành phố cảng Sihanoukville của Vương quốc Campuchia tương đối gần... Do đó, rất thuận lợi trong việc liên kết các tua, tuyến du lịch trong vùng Đông Nam Á.
Về giao thông, hiện nay Phú Quốc được kết nối với TP Hồ Chí Minh bằng đường hàng không, mỗi ngày có 5-6 chuyến bay, có lúc cao điểm đến 10-11 chuyến/ngày. Kết nối với TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bằng đường hàng không và đường biển, mỗi ngày có nhiều chuyến tàu cao tốc và chuyến bay đưa đón khách vào ra Phú Quốc. Trong tương lai gần, sẽ xây dựng sân bay quốc tế tại Phú Quốc, hàng ngày từ Phú Quốc sẽ có các chuyến bay đi nhiều nước trên thế giới.
Phú Quốc có lịch sử khai hoang, lập ấp khá sớm so với các vùng khác thuộc lưu vực sông Cửu Long và cũng là nơi còn lưu lại những dấu tích của vua Gia Long những năm trôi dạt, là căn cứ địa chống Pháp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và nhiều chiến tích hào hùng của những chiến sĩ cách mạng ở nhà lao cây Dừa... Mặt khác, do nằm ở vị trí đặc biệt của vịnh Thái Lan, được che chắn bởi 03 bên, nên Phú Quốc ít bị thiên tai. Phú Quốc được mệnh danh là “Hòn đảo ngọc” bởi sự giàu có của thiên nhiên, như nguồn tài nguyên biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước... cùng với những bãi biển tuyệt đẹp còn nguyên vẹn như chưa hề được khám phá, như bãi Sao, bãi Khem, bãi Trường, bãi Vòng, bãi Thơm, bãi Dài... Đặc biệt, bãi Dài được bình chọn là một trong năm bãi biển đẹp nhất thế giới - theo Hãng tin ABC News công bố vào đầu năm 2008. Phú Quốc còn nổi tiếng với hai nghề truyền thống, đó là
trồng tiêu và làm nước mắm, hai sản phẩm này từ lâu đã có uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.
Với vị trí, địa hình, tài nguyên du lịch (tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn) phong phú, Phú Quốc có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, như: du lịch sinh thái chất lượng cao, du thuyền trên biển, trên sông, câu cá, thẻ mực, tắm biển, ca nô lướt ván, thể thao trên biển, thám hiểm leo núi, du khảo, nghỉ dưỡng, du lịch ven biển thưởng thức những món ăn hải sản tươi sống, bổ dưỡng... và một số loại hình dịch vụ cao cấp không thua kém gì các khu du lịch của các nước trong khu vực.
Như vậy, tỉnh Kiên Giang có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore... là những nước đang có nhịp độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao trên thế giới mà Kiên Giang có thể mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Kiên Giang còn là cầu nối các tỉnh, thành phố thuộc miền Tây Nam Bộ, vùng ĐBSCL với bên ngoài. Với vị trí địa lý như vậy và nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, khí hậu ấm áp, ít thiên tai, Kiên Giang có điều kiện rất thuận lợi trong việc phát triển du lịch của tỉnh.