Đối với vấn đề cấp dưỡng của một bên khi vợ, chồng ly hôn

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 57 - 60)

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người không sống chung với mình mà

có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật HN&GĐ.

Điều 60 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: "Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình" [28].

Trong trường hợp này cả vợ và chồng đều có quyền yêu cầu được người kia cấp dưỡng nếu như có lý do chính đáng. Tuy nhiên, những người phụ nữ mới là những người cần cấp dưỡng hơn vì:

+ Thực tế cho thấy, khi lấy chồng thì vợ chồng chủ yếu sinh sống bằng tiền do người chồng kiếm được, cho nên khi ly hôn người vợ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong sinh hoạt và việc xây dựng cuộc sống mới.

Ví dụ: Chị Nhung và anh Tuấn kết hôn năm 2005. Anh Tuấn là kỹ sư

xây dựng còn chị Nhung chỉ ở nhà làm công việc nội trợ. Mấy năm đầu anh chị sống hạnh phúc và sinh cháu Toàn. Do hay phải đi làm xa nhà và tiếp xúc với những người phụ nữ khác có trình độ học vấn cao hơn vợ mình, mặt khác anh Tuấn thấy chị Nhung chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước và la cà bên hàng xóm nên tình cảm anh dành cho vợ cũng nhạt dần. Ngày 3 tháng 8 năm 2008 anh Tuấn đã làm đơn yêu cầu xin ly hôn với lý do "không thể hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng". Chị Nhung cũng chấp nhận ly hôn và xin nuôi cháu Toàn. Đồng thời, chị Nhung yêu cầu TAND huyện Ninh Giang buộc anh Tuấn phải cấp dưỡng cho chị với lý do: Chị chỉ ở nhà làm công việc nội trợ lại không có thu nhập nào khác nên cuộc sống hiện tại rất khó khăn. TAND huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Tuấn và chị Nhung, quyết định giao cháu Toàn cho chị Nhung nuôi. Anh Tuấn có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Toàn. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận.

Yêu cầu Tòa án buộc anh Tuấn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng của chị là hoàn toàn đúng đắn vì chị đang ở vào hoàn cảnh khó khăn, lại không có thu nhập nào khác.

+ Trước khi lấy chồng, người phụ nữ có việc làm nhưng sau khi lấy chồng, do yêu cầu của gia đình như quán xuyến việc gia đình, chăm sóc con cái mà phải bỏ dở công việc,…nay ly hôn và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới.

+ Trường hợp người phụ nữ phải mang thai và sinh đẻ nên hiệu quả làm việc của họ thấp, thậm chí không thể tham gia vào lao động sản xuất để kiếm tiền nuôi dưỡng bản thân và con cái.

Với những lý do nêu trên, tôi thấy việc những người vợ thường là người có yêu cầu cấp dưỡng là hoàn toàn hợp lý và chính đáng. Những người chồng thường ít khi có yêu cầu cấp dưỡng khi ly hôn vợ.

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của người cấp dưỡng và không thể chuyển giao cho người khác. Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ cơ bản, đồng thời là đạo lý của quan hệ vợ chồng. Mặc dù chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng giữa hai người vẫn có mối quan hệ đặc biệt- quan hệ vợ chồng dựa trên tình cảm yêu thương, gắn bó với nhau trong một khoảng thời gian. Vì thế mà khi một trong hai người rơi vào hoàn cảnh khó khăn người kia cũng không thể không quan tâm giúp đỡ được.

Luật HN&GĐ năm 2000 và các văn bản pháp luật liên quan không quy định cụ thể chế định cấp dưỡng nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ mà chỉ quy định một cách chung nhất về quyền yêu cầu cấp dưỡng của cả người vợ lẫn người chồng - những người gặp khó khăn sau ly hôn. Tuy nhiên, theo Điều 12 Thông tư liên tịch 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định cụ thể về hình thức và mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cấp dưỡng "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đến 100.000 đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn…" [44].

Song, quy định trên với mức xử phạt là quá nhẹ, khó có thể mang tính bắt buộc bên có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Vợ hay chồng đều có quyền yêu cầu người kia cấp dưỡng nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng tuy nhiên cấp dưỡng "theo khả năng" của bên kia. Song những người gặp khó khăn hơn vẫn thường là những người vợ vì một số lý do mà tác giả đã nêu ở trên.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 57 - 60)