chồng mà không đăng ký kết hôn
Trong xã hội hiện nay, tồn tại nhiều cách hiểu về "nam nữ chung sống như vợ chồng". Theo hướng dẫn tại điểm d mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì:
Được coi là nam nữ chung sống như vợ chồng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
Việc nam nữ về chung sống với nhau được gia đình (một trong hai bên) chấp nhận;
Việc nam nữ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình [44].
Dưới góc độ pháp lý thì:
"Nam nữ chung sống như vợ chồng" là trường hợp nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng không đăng ký kết hôn. Về nguyên tắc, pháp luật không công nhận trường hợp này là vợ chồng. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên nam nữ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và xã hội.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, HN&GĐ là những hiện tượng xã hội phát sinh và phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội loài người. Trong tác phẩm "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước" (1884) Ph.Ănghen đã nhận định rằng: "Lịch sử của xã hội loài người đã phát sinh và tồn tại nhiều hình thái hôn nhân và gia đình. Bước phát triển từ hình thái gia đình thấp hơn sang hình thái gia đình cao hơn suy cho cùng phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội" [19].
Bên cạnh sự tác động của yếu tố kinh tế - xã hội thì quan hệ HN&GĐ còn chịu sự chi phối của những nhân tố chủ quan và khách quan khác như: Hoàn cảnh lịch sử đất nước, văn hóa, đạo đức, phong tục tập quán, trình độ dân trí…
Những nguyên nhân này chính là cơ sở để Nhà nước ta trong từng giai đoạn lịch sử nhất định có những chính sách, quy định pháp luật phù hợp để điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ, trong đó có tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Theo pháp luật hiện hành quy định:
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị
pháp lý. Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn [28]. Vậy với những trường hợp không đăng ký kết hôn nhưng sống với nhau như vợ chồng trước thời điểm Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 có hiệu lực pháp luật sẽ quy định như thế nào? Với tinh thần này, Nghị quyết số 35/2000/QH10, Nghị định số 77/2001/NĐ-CP đã có hướng dẫn cụ thể việc giải quyết về mặt pháp luật đối với những trường hợp vi phạm việc đăng ký kết hôn từ trước ngày 01/01/2001. Theo đó:
Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987, ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng kí kết hôn thì được khuyến khích đăng kí kết hôn. Như vậy, về mặt pháp lý, Nghị quyết này đã thừa nhận quan hệ vợ chồng của hai bên nam nữ từ thời điểm xác lập, chứ không phải từ lúc đăng kí kết hôn. Đồng thời, đối với những trường hợp này cho dù đến sau ngày 01.01.2003 mà vẫn chưa đăng kí kết hôn thì quan hệ giữa họ vẫn được thừa nhận vợ chồng của nhau trước pháp luật.
"Hôn nhân thực tế" theo Thông tư số 112 ngày 19/08/1972 của TANDTC ra đời lần đầu tiên được sử dụng để chỉ những quan hệ nam và nữ lấy nhau mà không đăng kí kết hôn. "Nếu các điều kiện khác được thỏa mãn, nhưng chỉ có riêng hôn nhân chưa được đăng kí, thì Tòa án nhân dân coi đó là hôn nhân thực tế, được giải quyết bằng đường lối và thủ tục xử lý những việc ly hôn" [34].
Từ đó Thông tư số 112-NCPL đã hướng dẫn việc xác định "hôn nhân thực tế" như sau:
Chỉ nên coi là hôn nhân thực tế những cuộc hôn nhân không đăng kí, thỏa mãn đầy đủ các điều kiện kết hôn khác, trong đó hai bên có ý định thực sự lấy nhau, và từ khi kết hôn đã thực sự coi nhau như vợ chồng, chung sống công khai và gánh vác chung công việc gia đình, được họ hàng, xã hội xung quanh coi như vợ chồng [34].
Ngoài ra, hiểu như thế nào về "hôn nhân thực tế" còn được đề cập gián tiếp trong Nghị quyết số 01 ngày 20.01.1988 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 1986, tại mục 2 nói về trường hợp kết hôn không đăng ký đã chỉ rõ:
Trong thực tế cũng không ít trường hợp kết hôn không đăng kí. Việc kết hôn này tuy có vi phạm về thủ tục kết hôn nhưng không coi là kết hôn trái pháp luật, nếu việc kết hôn không trái với các Điều 5, 6, 7. Trong trường hợp này nếu có một trong hai bên xin ly hôn Tòa án không hủy việc kết hôn theo Điều 9 mà xử như việc ly hôn [35]. Có thể thấy rằng, Thông tư số 112 đã đưa ra một khái niệm toàn diện và đầy đủ về "hôn nhân thực tế". Tiếp đó, trong Nghị quyết số 01 ngày 20/01/1998 đã đề cập một cách gián tiếp hiểu về kiểu hôn nhân này, tuy nhiên lại quá rộng và khó xác định. Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp kết hôn chỉ vi phạm mặt hình thức kết hôn đều được thừa nhận là "hôn nhân thực tế". Trong những trường hợp này vẫn phải vận dụng Thông tư số 112 để phân biệt với các trường hợp sống công khai nhưng tạm bợ, không coi nhau như vợ chồng.
Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 ra đời kèm theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 trong đó thuật ngữ "hôn nhân thực tế" đã không còn được sử dụng, thay vào đó là cụm từ "nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng". Điều này dựa trên bản chất của hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật cả về nội dung và hình thức, kết hôn thiếu một trong hai điều kiện đó thì không thể coi là hôn nhân. Bởi vì, theo quy định tại khoản 6, khoản 2 Điều 8: "Hôn nhân là quan hệ vợ chồng sau khi đã kết hôn" và "kết hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn" [28]. Chính vì vậy, những trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn không thể gọi là hôn nhân.
Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn từ khi Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực (từ ngày 03/01/1987) đến trước ngày Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực. Đối với trường hợp này "nam và nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng kí kết hôn trong thời hạn hai năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003" [29].
Như vậy, khác với trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 03/01/1987 thì trong trường hợp này các bên "kết hôn" không đăng kí có nghĩa vụ thực hiện việc đăng kí kết hôn và giới hạn thời gian thực hiện trong vòng hai năm, kết thúc vào ngày 01/01/2003. Trong thời hạn các bên nam nữ có nghĩa vụ đăng kí, Nhà nước vẫn thừa nhận là vợ chồng. Cách giải quyết như vậy thể hiện tính linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, đồng thời thể hiện được tính chất nhất quán của quy định "buộc các bên phải đăng kí kết hôn". Bởi vì, nếu hết thời hạn quy định nói trên mà các bên không đăng kí kết hôn thì pháp luật không thừa nhận họ là vợ, chồng của nhau.
Từ khi Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 có hiệu lực đã thể hiện thái độ kiên quyết chấm dứt công nhận các trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn. Theo Điểm 3 khoản c Nghị quyết số 35 của Quốc hội: "Kể từ ngày 01.01.2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng" [29].
Hiện nay, tình trạng "nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng" không đăng kí kết hôn là một hiện tượng đã và đang tồn tại trong xã hội như một hiện thực khách quan. Khi chia tay phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị thiệt thòi và tổn thương hơn cả. Phân tích, đánh giá và đưa ra những biện pháp đánh giá và bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng là điều cần thiết.