Về góc độ pháp lý

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 33 - 37)

Từ xa xưa trong lịch sử, tình phụ tử, mẫu tử luôn chiếm một vị trí thiêng liêng trong trái tim người dân Việt Nam. Ngay cả khi gia đình tan vỡ, sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con không vì thế mà mất đi. Khi cha mẹ ly hôn, dẫu mang nặng nỗi buồn vì đánh mất niềm hạnh phúc riêng tư, cha mẹ vẫn còn nguyên nghĩa vụ và quyền nuôi dạy con.

Và ngược lại con lúc này trở thành niềm động viên, an ủi xoa dịu đi nỗi trống trải trong lòng cha mẹ. Việc điều chỉnh của pháp luật đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của người vợ và con khi vợ chồng ly hôn thể hiện tính chất công bằng, dân chủ và nhân đạo của pháp luật. Có thể nói rằng, kể từ khi quy định giải quyết ly hôn phải dựa trên thực chất hôn nhân đã tan vỡ cho đến việc chú trọng tới hậu quả của ly hôn, pháp luật XHCN đã thực sự quan tâm đến vấn đề ly hôn và hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới con, người phụ nữ đảm bảo cho quyền lợi của họ - những người không may mắn phải sống trong cảnh ly hôn.

Hôn nhân không chỉ xét ở góc độ xã hội, chính việc xuất phát từ góc độ xã hội sẽ là tiền đề cho góc độ pháp lý. Nếu như quyết định ly hôn của hai vợ chồng được pháp luật thừa nhận là một quyền tự do thì trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ Luật định. Quy định này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đến việc ổn định cuộc sống của con cái sau khi cha mẹ ly hôn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong những gia đình mà bố mẹ ly hôn khi con còn nhỏ.

Xây dựng một gia đình bền vững, ấm no, hạnh phúc là mong muốn của toàn xã hội nói chung và của mỗi gia đình nói riêng. Thế nhưng trong những năm gần đây tình trạng ly hôn lại có xu hướng gia tăng. Khi cha mẹ ly hôn, trẻ em không còn được sống trong sự yêu thương trọn vẹn của một gia đình đầy đủ. Phần lớn trẻ em sẽ cảm thấy thất vọng và buồn chán, tự thu hẹp mình trong môi trường sống.

Do đó để hạn chế tối đa ảnh hưởng từ việc ly hôn của cha mẹ đến quyền lợi của con cái, trước tiên pháp luật đã quy định: "Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn" [28, khoản 2 Điều 85]. Đây là một quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng trên nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Trẻ em luôn được xem là đối tượng đặc biệt của tình yêu thương, không chỉ trong mỗi gia đình mà còn trên phương diện xã hội. Bởi vì, "trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" [30]. Nói cách khác trẻ em chính là vận mệnh của đất nước trong tương lai, là những mầm non gây dựng cơ đồ cho đất nước. Môi trường tốt nhất đối với sự phát triển của những mầm non ấy không gì hơn là gia đình. Liên Hợp Quốc cũng ghi nhận "…để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong môi trường gia đình, trong bầu không khi hạnh phúc, yêu thương và thông cảm". Khi cha mẹ ly hôn, thiếu đi bàn tay chăm sóc của bố hoặc mẹ, sự quan tâm

của xã hội lại càng trở thành vấn đề thiết yếu. Vì lẽ ấy, việc điều chỉnh bằng pháp luật vấn đề nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con sau khi cha mẹ ly hôn chính là sự cụ thể hóa của nguyên tắc bảo vệ quyền lợi trẻ em trong trường hợp đặc biệt. Nó mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Không chỉ dừng lại ở đó, việc ghi nhận của pháp luật đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của phụ nữ và trẻ em khi vợ chồng ly hôn còn là sự tiếp nối truyền thống đạo đức của dân tộc. Nhà nước đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm là hành lang pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ và trẻ em như Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 kế thừa Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 kèm theo các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành như:

+ Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 do Hội đồng Thẩm phán - TANDTC ban hành ngày 23/12/2000;

+ Nghị quyết số 35/200/QH10 về việc thi hành Luật HN&GĐ ngày 9/6/2000 của Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 7 về việc thi hành Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000;

+ Nghị định số 77/2001/NĐ-CP quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/200/QH 10 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000;

+ Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03.01.2001 của TANDTC, VKSNDTC, BTP hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/200/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 7 "về việc thi hành Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000;

+ Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ "Quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/200/QH10 về việc thi hành Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 ";

+ Thông tư số 07/2001/TT-BTP ngày 10/12/2001 của Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ "Quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/200/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội;

+ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2, số 02/2007/QH12 ngày 21/11/2007

+ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/2/2009 của CP qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

+ Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

+ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 ngày 5/6/2004 về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em….

Hệ thống các văn bản trên thể hiện sự nỗ lực "nội luật hóa" của Nhà nước ta nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con dựa trên tinh thần xuyên suốt là bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Chương 2

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)