Đối với tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 42 - 49)

2.2.1.1. Nguyên tắc xác định tài sản riêng của vợ, chồng theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000

Vấn đề tài sản riêng của vợ, chồng đã từng được quy định trong Luật HN&GĐ năm 1986, tuy nhiên, quy định này còn khá chung chung, "đối với

tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng" [25]. Kế thừa và phát triển các quy định này, khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 đã ghi nhận rõ ràng "vợ, chồng có quyền có tài sản riêng", đồng thời quy định cụ thể về căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng…

Khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 quy định:

Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng tư trang cá nhân [28].

Như vậy, tài sản riêng của vợ, chồng được xác lập dựa vào thời điểm tài sản đó phát sinh trước khi kết hôn; dựa vào sự định đoạt của người để lại di sản hoặc tặng cho di sản; dựa vào sự kiện chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

- Tài sản vợ, chồng có được trước khi kết hôn.

Trước khi kết hôn, vợ và chồng đều là những chủ thể pháp lý độc lập, có các quyền và nghĩa vụ pháp lý độc lập…và tài sản của họ cũng độc lập. Những tài sản này có thể là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc được thừa kế, tặng cho…Đây là loại tài sản rất đa dạng, đặc biệt là trong xã hội ngày nay, khi nam nữ có xu hướng kết hôn muộn thì việc họ có một số lượng tài sản nhất định trước hôn nhân là điều dễ hiểu. Trước khi kết hôn, vợ hoặc chồng là chủ sở hữu số tài sản này thì sau khi kết hôn cũng không làm thay đổi quyền năng đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

Xuất phát từ ý chí và bảo đảm quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài sản, vợ hoặc chồng có thể được thừa kế riêng hay được cho tặng riêng tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Những tài sản này thường là do gia đình, bạn bè, người thân thuộc của vợ, chồng để lại thừa kế hoặc tặng cho riêng họ. Về nguyên tắc, chúng được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng và chỉ trở thành tài sản chung khi vợ, chồng có thỏa thuận hoặc tự nguyện nhập vào khối tài sản chung vợ chồng.

- Tài sản là đồ dùng, tư trang cá nhân.

Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định rõ "đồ dùng, tư trang cá nhân" là gì và giá trị của nó như thế nào? Vì vậy, đồ dùng, tư trang cá nhân thường được hiểu là những tài sản phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của con người (quần áo, giày dép…) và các tài sản phục vụ cho nhu cầu lao động, nghề nghiệp (máy móc, đồ nghề…) hay các tài sản khác mang tính chất kỉ niệm (đồ trang sức, vàng, bạc, đá quý…). Những tài sản này có thể có nguồn gốc phát sinh từ tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ, chồng; trong nhiều trường hợp cũng cần xem xét nguồn gốc và giá trị của tài sản đó so với khối tài sản chung và mức thu nhập thực tế của mỗi người. Điều này xuất phát từ truyền thống và thói quen của người Việt Nam thường hay tặng cho con cái những trang sức đắt tiền làm quà tặng khi con kết hôn hoặc vợ chồng khi ăn nên làm ra thường dùng tài sản chung để mua sắm những đồ nữ trang bằng vàng, bạc để tích lũy. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, việc giải quyết số "vốn liếng" này rất phức tạp, nếu dựa trên nguyên tắc suy đoán tại khoản 3 Điều 27 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 thì có thể coi đó là tài sản chung vợ chồng, nếu ai muốn xác định đó là tài sản riêng của mình thì có nghĩa vụ phải chứng minh. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết các tranh chấp này không chỉ phức tạp mà còn thiếu tính thống nhất do chưa có văn bản hướng dẫn.

- Tài sản của vợ, chồng được chia trong trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã chia đều thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng.

Trên cơ sở các quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000, Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2000 quy định chi tiết thi hành luật Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 (Nghị định số 70/2001/NĐ-CP) quy định như sau:

Sau khi chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, những tài sản mà vợ, chồng đã được chia; hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản đó; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng sau khi đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đều thuộc tài sản riêng của vợ, chồng [6]. - Tài sản do vợ, chồng thỏa thuận là tài sản riêng của một bên.

Nhằm đảm bảo quyền tự định đoạt của vợ, chồng đối với tài sản, tạo môi trường pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung; cũng có quyền thỏa thuận với nhau về một tài sản nào đó là tài sản riêng của một bên vợ, chồng. Thực tế, việc quy định thỏa thuận của vợ chồng đối với vấn đề xác định tài sản là rất quan trọng, đặc biệt là tránh được rất nhiều những tranh chấp có thể xảy ra khi chia tài sản vợ chồng.

2.2.1.2. Giải quyết tài sản riêng của vợ, chồng khi ly hôn

Việc chia tài sản của vợ, chồng khi ly hôn là một vấn đề phức tạp, thường có nhiều tranh chấp giữa vợ chồng khi ly hôn và gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn xét xử nhiều năm qua ở nước ta. Để đảm bảo tính công bằng và hợp lý trường hợp vợ chồng không thể tự thỏa thuận được với nhau, Tòa án cần phải điều tra về quan hệ tài sản của vợ chồng: Xác định đâu là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng; những tài sản nào thuộc khối tài sản chung của hai vợ chồng; xác định nguồn gốc, giá trị, số lượng, tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình, cũng như công sức đóng góp của mỗi bên vợ, chồng như thế nào…. Sau đó, Tòa án áp dụng các nguyên tắc quy định tại Điều 95 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 để chia, kết hợp với từng trường hợp cụ

thể được quy định tại Điều 96, 97, 98 và Điều 99 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000; nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản mỗi bên vợ, chồng cũng như của những thành viên khác trong gia đình có liên quan.

Trước hết, theo các nguyên tắc quy định tại Điều 95 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 thì việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó (khoản 1 Điều 95). Như vậy, việc chia tài sản của vợ chồng trước hết sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận (các thỏa thuận này phải phù hợp với các nguyên tắc của Luật HN&GĐ). Trước đây theo quy định tại Điều 42 Luật HN&GĐ năm 1986 thì sự thỏa thuận chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn "phải được Tòa án công nhận". Quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 đề cao quyền " tự định đoạt" của vợ chồng, đã không quy định " sự thỏa thuận của vợ chồng" phải được TAND công nhận.

Nếu vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong thực tiễn xét xử nếu đương sự tự thỏa thuận với nhau hoặc TAND hướng dẫn, giải thích, giúp đỡ để các đương sự dàn xếp, thỏa thuận dưới sự giám sát và công nhận của TAND là một biện pháp hữu hiệu hơn cả, tránh được những mâu thuẫn bất đồng sau khi ly hôn.

- Tài sản riêng của bên nào vẫn thuộc quyền sở hữu của bên đó. Sau khi ly hôn, vợ, chồng có tài sản riêng thì có quyền lấy về. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp thì người có tài sản riêng phải chứng minh được đó là tải sản riêng của mình (Điều 32). Việc chứng minh có thể bằng sự công nhận của bên kia hoặc bằng giấy tờ xác nhận quyền sở hữu riêng của mình (các văn tự, di chúc hoặc các chứng cứ khác chứng tỏ tài sản đó là tài sản riêng của vợ, chồng). Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung (khoản 5 Điều 27).

- Đối với đồ trang sức mà vợ, chồng được cha mẹ vợ (hoặc cha mẹ chồng) tặng cho riêng trong ngày cưới là tài sản riêng; nhưng nếu những thứ

đó được cho chung cả hai người với tính chất tạo dựng cho vợ chồng một số vốn thì coi đó là tài sản chung.

- Trong trường hợp người vợ hay chồng đã vay mượn tiền bạc của người khác để chi dùng cho mục đích, nhu cầu riêng thì người vợ hoặc chồng phải có nghĩa vụ thanh toán bằng tài sản riêng (khoản 3 Điều 33). Nếu tài sản riêng không có hoặc không đủ để thanh toán thì phải thanh toán bằng phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung của vợ chồng hoặc vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau để thanh toán bằng tài sản chung của vợ chồng.

Trường hợp đối với nhà thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng: Nhà ở là

tài sản riêng của vợ hoặc của chồng có thể được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hoặc mua trước khi kết hôn.

Khi kết hôn, vợ chồng cùng sống chung trong ngôi nhà tức "sử dụng chung" nhưng không đồng nghĩa là đã "nhập" vào khối tài sản chung vợ chồng. Vì vậy, khi ly hôn nhà đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng "Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên đã được đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà…" (Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 và khoản 1 Điều 30 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP).

Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt tài sản của đương sự, khoản 1 Điều 30 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định

"trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác". Thỏa thuận khác ở đây là theo

hướng có lợi cho bên không phải là chủ sở hữu nhà. Tức là, về nguyên tắc nhà vẫn là tài sản riêng của chủ sở hữu, trừ khi chủ sở hữu nhà đã thỏa thuận nhập nhà ở đó vào tài sản chung thì nhà đó là tài sản chung.

Trên thực tế, sau khi ly hôn, việc tìm chỗ ở khác đối với bên không phải là chủ sở hữu nhà gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với người vợ và con chưa thành niên. Vì vậy, để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ tạo thêm thu nhập cũng như chưa có thời gian đi tìm chỗ khác, pháp luật cho phép họ

có quyền lưu cư: "Bên chưa có chỗ ở được lưu cư trong thời hạn sáu tháng để tìm chỗ ở khác" [6]. Nghị định số 70/2001/NĐ-CP không quy định rõ về thời điểm để tính thời hạn này là khi nào nhưng có thể hiểu là tính từ ngày bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật. Như vậy theo quy định của pháp luật với thời hạn sáu tháng thì đương sự có đủ thời gian đi tìm chỗ ở khác. Tòa án không chấp nhận bất kỳ lý do nào của đương sự đưa ra để muốn kéo dài thêm thời hạn đó mà trong mọi trường hợp hết thời hạn sáu tháng đương sự phải di chuyển đến chỗ ở khác, trừ trường hợp chủ sở hữu nhà đồng ý cho kéo dài thời gian lưu cư.

Với những quy định trên cũng như việc ghi nhận quyền lưu cư đã tạo ra cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi cho các bên đương sự khi ly hôn đặc biệt là phụ nữ và trẻ em sau khi vợ chồng ly hôn.

Bên vợ hoặc chồng là chủ sở hữu nhà có nghĩa vụ hỗ trợ bên kia đi tìm chỗ ở mới. Nghĩa vụ hỗ trợ đó có thể là bên sở hữu nhà đồng ý để cho bên kia cùng con cái đến ở ngôi nhà khác cũng là tài sản riêng của mình hoặc đi thuê một căn hộ để cho bên kia ở hoặc đưa cho bên kia một khoản tiền để họ tìm chỗ ở mới…Nhưng không phải bất cứ trường hợp nào bên sở hữu nhà cũng phải có nghĩa vụ hỗ trợ cho bên kia tìm chỗ ở mới mà nghĩa vụ đó phải phát sinh trong trường hợp "bên kia khó khăn và không thể tự tìm được chỗ ở mới" [6] như không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, không ổn định và cũng không có tài sản nào khác để có thể tạo lập chỗ ở mới.

Theo khoản 2 Điều 30 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP để đảm bảo quyền lợi cho bên không phải là chủ sở hữu nhà trong trường hợp họ có công sức đóng góp vào việc xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa cải tạo nhà "…thì chủ sở hữu nhà phải thanh toán cho bên kia phần giá trị nhà đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo mà bên đó được hưởng vào thời điểm chia tài sản khi ly hôn" [6].

Việc xác định công sức đóng góp của bên không phải là chủ sở hữu nhà trong trường hợp này là rất khó khăn và phức tạp. Khi tính phần giá trị

nhà đã được xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo mà chủ sở hữu nhà phải thanh toán cho bên có công sức đóng góp, Tòa án phải căn cứ vào thời điểm để chia tài sản khi ly hôn. Với những quy định trên, không những nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên vợ, chồng được bảo vệ mà quyền lợi chính đáng của bên không phải là chủ sở hữu nhà có công sức đóng góp vào khối tài sản đó cũng được đảm bảo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ và các con khi vợ chồng ly hôn theo Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 42 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)