Quản lý chất thải rắn nguy hại

Một phần của tài liệu Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (Trang 93 - 95)

Để quản lý tốt chất thải nguy hại, cần thực hiện một cách nghiêm ngặt nguyên tắc quản lý “từ nôi đến mồ” đối với chất thải nguy hại. Nguyên tắc này đòi hỏi phải có một bộ các tiêu chuẩn, quy định, yêu cầu toàn diện, áp dụng cho việc quản lý chất thải nguy hại từ điểm chất thải nguy hại phát sinh cho đến địa điểm hủy bỏ cuối cùng. Các loại tiêu chuẩn, quy định khác nhau được ban hành (kỹ thuật, vận hành, làm sạch, xử lý và các yêu cầu khác) để áp dụng đối với những người chủ phát sinh chất thải, vận chuyển chất thải nguy hại, cũng như các phương tiện cất chứa, xử lý và hủy bỏ chúng.

8.1.3.2.1. Quản lý nguồn phát sinh

Cần phải nắm vững và quản lý các thông tin về nguồn phát sinh chất thải nguy hại: Trong địa phương có các nguồn phát thải nào? Lượng phát thải là bao nhiêu? Thành phần và tính chất độc hại của các chất thải đó. Ở nhiều nước đã tiến hành thủ tục đăng ký và cấp giấy phép đối với các nguồn thải chất thải nguy hại, nhất là đối với các ngành công nghiệp. Nhiều khi cơ quan quản lý môi trường tiến hành khảo sát, đo lường, phân tích các nguồn thải chất nguy hiểm cụ thể để đảm bảo các thông tin về nguồn thải chất nguy hại là chính xác, đồng thời cũng tiến hành kiểm tra sự tuân thủ luật lệ về quản lý chất thải nguy hại của các chủ nguồn thải, yêu cầu tất cả các chủ nguồn thải phân loại và tách các chất thải nguy hại với các chất thải thông thường, đôi khi người ta còn phân loại thành phần chất thải nguy hại và chất thải rất nguy hại.

Để quản lý tốt các loại chất thải sinh hoạt nguy hại, cần tuyên truyền giáo dục xây dựng tập quán cho nhân dân tự giác tách riêng chất thải nguy hại và bỏ vào túi ni lông màu đỏ. Cần phải truyền bá các thông tin về chất thải nguy hại, nâng cao hiểu biết về các tác động nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng, làm sao cho mọi chủ nhân của các nguồn chất thải nguy hại ý thức hết trách nhiệm của mình và biết cách quản lý chất thải nguy hại ngay từ nguồn phát sinh, áp dụng các biện pháp giảm thiểu chất thải nguy hại và không đổ chất thải nguy hại lẫn lộn với chất thải thông thường.

8.1.3.2.2. Thu gom và vận chuyển chất thải nguy hại

Việc thu gom và vận chuyển chất thải nguy hại đưa đến nơi xử lý cần phải đảm bảo hết sức an toàn, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân viên thu gom chất thải và nhân dân xung quanh, không để rò rỉ và rơi vãi trên đường vận chuyển. Muốn đạt được yêu cầu trên, ở mỗi địa phương cần có tổ chức quản lý thu gom và đổ thải chất thải nguy hại riêng, chuyên trách công việc này, cần được trang bị công cụ và phương tiện thu gom và vận chuyển đúng kỹ thuật an toàn, không vận chuyển chất thải nguy hại chung với chất thải thông thường.

8.1.3.2.3. Xử lý và hủy bỏ chất thải nguy hại

Xử lý và hủy bỏ chất thải nguy hại thường tổn phí hơn hủy bỏ chất thải rắn thông thường rất nhiều lần. Vì vậy trước khi xử lý và hủy bỏ cần phải tiến hành phân loại và chọn lọc để tách bớt các chất thải nguy hại có thể tái sử dụng hoặc tái sinh làm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, để giảm bớt lượng chất thải nguy hại cần xử lý và hủy bỏ triệt để.

Xử lý và hủy bỏ chất thải nguy hại cần có phương pháp đặc biệt, không giống như đối với chất thải thông thường. Trong thực tế người ta sử dụng các phương pháp sau: phương pháp hóa học, dùng các chất hóa học để trung hòa, biến các chất thải nguy hại thành chất không độc hại, áp dụng đối với các chất thải nguy hại từ các nhà máy hóa chất; phương pháp bê tông hóa, cố định các chất thải độc hại trong các khối bê tông, thường áp dụng đối với các chất thải kim loại nặng; phương pháp đốt trong các lò đốt nhiều tầng với nhiệt độ cao hơn 1.300oC, thường áp dụng đối với các chất thải bệnh viện và các chất thải nguy hại khác có thể cháy được; chôn cất, lưu giữ trong các thùng chứa kiên cố, không để chất thải nguy hại rò rỉ thẩm thấu ra ngoài.

Ở nước ta hiện nay đã có một số các quy định về quản lý chất thải nguy hại như sau:

− Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/07/1999 về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải nguy hại.

− Quyết định của Bộ Y tế số 2575/1999/QĐ-BYT ngày 27/08/1999 về việc ban hành Quy chế Quản lý chất thải y tế.

− Quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 về việc ban hành danh mục chất thải nguy hại áp dụng để nhận biết, phân loại các chất thải nguy hại, làm căn cứ cho việc quản lý chất thải nguy hại.

Một phần của tài liệu Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (Trang 93 - 95)