Tài nguyên rừng của Việt Nam

Một phần của tài liệu Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (Trang 102 - 103)

Năm 1943, diện tích rừng Việt Nam ước tính có khoảng 14 triệu ha, với tỷ lệ che phủ là 43%. Năm 1976 giảm xuống còn 11 triệu ha với tỷ lệ che phủ còn 34%. Năm 1985 còn 9,3 triệu ha và tỷ lệ che phủ là 30%. Năm 1995 còn 8 triệu ha và tỷ lệ che phủ là 28%. Trong thời kỳ 1945-1975 cả nước mất khoảng 3 triệu ha rừng, bình quân 100.000 ha/năm. Quá trình mất rừng diễn ra nhanh hơn ở giai đoạn 1975-1990: Mất 2,8 triệu ha, bình quân 140.000 ha/năm. Tuy nhiên, từ những năm 1990-1995, do công tác trồng rừng được đẩy mạnh, đã phần nào làm cho diện tích rừng tăng lên.

Hiện nay diện tích đất rừng ở Việt Nam được quy hoạch là 19 triệu ha, trong đó có 9,3 triệu ha là có rừng che phủ, còn lại là cây bụi, rừng thưa và bãi cỏ, đất trống chưa sử dụng. Về chất lượng, trước 1945 rừng nước ta có trữ lượng gỗ vào khoảng 200-300m3/ha, trong đó các loài gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, nghiến, trai, gụ là rất phổ biến. Hiện nay chất lượng rừng đã giảm sút đáng kể, chỉ còn chủ yếu là rừng nghèo, giá trị kinh tế không cao. Trữ lượng gỗ rừng năm 1993 ước tính vào khoảng 76m3/ha.

Trong rừng Việt Nam cũng phong phú về các loài dược liệu, trong đó có rất nhiều loài đã được biết đến và khai thác phục vụ cho việc chế biến thuốc. Có 10% số loài thú, chim, cá của thế giới được tìm thấy ở Việt Nam và hơn 40% loài thực vật đặc hữu không tìm thấy nơi nào khác ngoài Việt Nam.

Những nguyên nhân chính làm suy thoái rừng ở Việt Nam:

- Đốt nương làm rẫy, sống du canh du cư; trong tổng diện tích rừng bị mất hàng năm thì khoảng 40 - 50% là do đốt nương làm rẫy.

- Chuyển đất có rừng sang đất sản xuất các cây kinh doanh, đặc biệt là phá rừng để trồng các cây công nghiệp như cà phê ở Tây Nguyên chiếm 40 - 50% diện tích rừng bị mất trong khu vực.

- Khai thác quá mức vượt khả năng phục hồi tự nhiên của rừng. Ví dụ, riêng nhà máy giấy Bãi Bằng (Vĩnh Phú) trong vòng 10 năm hoạt động, đã khai thác 85.590 ha rừng bồ đề, mỡ và tre nứa.

- Do khai thác không có kế hoạch, kỹ thuật khai thác lạc hậu làm lãng phí tài nguyên rừng.

- Do cháy rừng, nhất là các rừng tràm, rừng thông, rừng khộp rụng lá.

- Do ảnh hưởng của bom đạn và các chất hóa học trong chiến tranh, riêng ở miền Nam đã bị phá hủy khoảng 2 triệu ha rừng tự nhiên.

Hậu quả của việc phá rừng, giảm diện tích rừng nhanh chóng đã gây nên nhiều tác hại rất nghiêm trọng đối với môi trường, đất đai, đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Một số vùng đầu nguồn do không có rừng đã không điều tiết nước, úng lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên ở trung du và đồng bằng. Vì vậy vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường rừng, khôi phục các hệ sinh thái rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học là những việc làm hết sức cấp bách.

Một phần của tài liệu Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (Trang 102 - 103)